6.110 tỷ đồng chăm lo Tết Quý Mão cho đoàn viên, người lao động

NDO - Ngày 24/2, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo tình hình chăm lo Tết và quan hệ lao động Tết Quý Mão.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo tình hình chăm lo Tết và quan hệ lao động Tết Quý Mão.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 100% các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động đều tổ chức và chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động.

Các hoạt động chăm lo được tổ chức cả ở 4 cấp công đoàn với hình thức, phương thức phong phú, phù hợp nguồn lực, đặc điểm của từng cấp và của đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp.

Theo báo cáo của các địa phương, đơn vị, trong dịp Tết Nguyên đán 2023 đã có hơn 8,6 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn với tổng kinh phí hơn 6.110 tỷ đồng.

Đã có 65 Chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” được tổ chức tại cấp liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty; 693 Chương trình Chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” được tổ chức tại cấp trên trực tiếp cơ sở và 7.442 Chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” được tổ chức ở công đoàn cơ sở doanh nghiệp.

Tổng số Chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” được các cấp công đoàn tổ chức là 8.200 chương trình với tổng số đoàn viên, người lao động trực tiếp tham dự là hơn 2,2 triệu người

Tại hội nghị, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Trần Thị Thanh Hà cho biết, theo báo cáo của các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, tính từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023 đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động.

Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang... (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc).

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động cho biết, với sự chia sẻ của người lao động và nỗ lực tổ chức sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người lao động của người sử dụng lao động nên tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong phạm vi cả nước trước, trong và sau Tết năm 2023 giảm so với Tết năm 2022.

Sau Tết, trong ngày 27/1, tức mùng 6 tháng Giêng, khoảng 60% doanh nghiệp, người lao động đã quay lại sản xuất, kinh doanh, làm việc bình thường, tùy theo địa phương, tỷ lệ dao động từ 20% đến 100%.

Đến ngày 31/1 (tức ngày 10 tháng Giêng), hơn 96% người lao động đã quay trở lại làm việc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp diễn ra bình thường. Khoảng 4% số công nhân còn lại chủ yếu ở các tỉnh, thành xa nghỉ phép thêm ngày (các doanh nghiệp thiếu đơn hàng kết hợp cho người lao động nghỉ phép hoặc nghỉ hưởng lương tối thiểu thêm ngày) hoặc quay lại làm việc trong tháng 2/2023.