Hưng Yên thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp

Tỉnh Hưng Yên xác định chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được ưu tiên trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm tạo bước đột phá trong quản lý, sản xuất và tiếp cận thị trường để nền sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp thông minh, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa lan ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa lan ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, thời gian qua, việc số hóa trong từng khâu sản xuất hoặc số hóa hoàn toàn được nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng rộng rãi, hiệu quả. Nhiều cơ sở sản xuất, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong chăm sóc, theo dõi, quản lý bằng công nghệ thông tin qua điện thoại, máy tính; sản phẩm được đăng ký tem, mác, mã số, mã vạch giúp thuận tiện giao dịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Điển hình như mô hình sản xuất hoa lan của anh Lý Bá Thể, ở xã Phụng Công, huyện Văn Giang. Anh Thể đã ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, nhân giống nhiều loại lan hồ điệp và có thể điều khiển lan ra hoa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, anh Thể có bốn khu trồng lan với tổng diện tích 14.000 m2, nhà kính được thiết kế với năm lớp: một lớp cách nhiệt, hai lớp cắt nắng, hai lớp ni-lông; có hệ thống quan trắc độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng; thiết bị điều tiết nhiệt độ gồm thiết bị tăng nhiệt; thiết bị hạ nhiệt và hệ thống quạt đảo gió; máy điều hòa nhiệt độ hai chiều.

Kết hợp kinh nghiệm và công nghệ, anh Thể đã xử lý để hoa lan nở đúng dịp Tết, giúp bông to, cánh dày, sắc thắm và tươi lâu hơn. Hằng năm, anh xuất bán hơn 300 nghìn giò lan các loại, tổng doanh thu đạt khoảng 36 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập bình quân 8-9 triệu đồng/người/tháng.

Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Phố Hiến, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên có 27 thành viên tham gia trồng nhãn với diện tích hơn 20 ha. Sau khi người dân thu hoạch, hợp tác xã sẽ thu mua và tiêu thụ; mỗi năm, đơn vị này thu mua và bán ra thị trường hơn 200 tấn nhãn tươi và hơn 10 tấn hạt sen, long nhãn, chục tấn mật ong; cho doanh thu 200-300 triệu đồng/thành viên/năm.

Chị Bùi Thị Thu Hường, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Phố Hiến cho biết: Ngoài bán hàng trực tiếp theo hình thức truyền thống, hợp tác xã còn đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ trong toàn quốc. Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử giúp các thành viên hợp tác xã thay đổi phương thức bán hàng; đến nay 80% sản lượng hàng hóa của hợp tác xã được tiêu thụ chủ yếu qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook... và các sàn thương mại điện tử.

Tỉnh Hưng Yên có hơn 3.700 ha cây rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGAP và sản xuất hữu cơ; hơn 19.000 ha trồng cây hiệu quả thấp được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm, cây hằng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị thu nhập cao. Tại nhiều vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới thông minh, quy trình canh tác tiên tiến... Ðối với sản xuất lúa, nhiều địa phương đã đưa thiết bị bay không người lái phục vụ khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật...

Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, tỉnh cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt thực hiện 10 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế số, trong đó có nhiều nhiệm vụ liên quan đến ngành nông nghiệp như: Xây dựng hệ thống thiết bị kiểm soát vi khí hậu để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản; nghiên cứu, xây dựng quy trình tưới nước hợp lý kết hợp với bón phân cho cây cam tại huyện Phù Cừ; nghiên cứu ứng dụng Bác sĩ cây trồng-AI Doctor (sử dụng công nghệ 4.0: trí tuệ nhân tạo-AI; kết nối thời gian thực -WebRTC) quản lý việc trồng, chăm sóc cây nhãn và cây có múi, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; nghiên cứu ứng dụng công nghệ chiếu sáng LED đa phổ bổ sung kết hợp sử dụng phân bón vi sinh trong canh tác nhằm tăng giá trị dược liệu của cây bạc hà trồng tại tỉnh Hưng Yên; nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm nano và chế phẩm sinh học trong canh tác quất cảnh tại tỉnh Hưng Yên.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ trực tiếp cho 221 đơn vị tham gia (trong đó cấp mã tài khoản 83 cơ sở) và hơn 800 sản phẩm được cấp mã quản lý truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ đánh giá, chứng nhận, duy trì, mở rộng VietGAP cho 348 mô hình với diện tích hơn 3.500 ha, quy mô gần ba triệu con gia súc, gia cầm, sản lượng gần 100 nghìn tấn rau, quả, thịt, cá...

Hằng năm, tỉnh có các chương trình truyền thông, quảng bá sản phẩm cho các chuỗi rau, quả, thịt, cá cho các cơ sở, các tổ chức/cá nhân; đã hỗ trợ hơn 300 nghìn tem để truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các loại: rau, quả, thịt, các sản phẩm chế biến từ thịt, cá các loại của các mô hình. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương trong tỉnh được đưa lên các nền tảng số, giúp nông sản tiêu thụ dễ dàng và vẫn giữ được giá. Ðến nay, hàng trăm sản phẩm nông sản của Hưng Yên được bày bán trên các sàn thương mại điện tử; hàng nghìn hộ sản xuất có tài khoản trên sàn thương mại điện tử và được đào tạo kỹ năng số...

Công cuộc chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Hưng Yên đã có bước đầu khởi động tích cực, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả thiết thực trong cả khâu quản lý, điều hành và sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản năm 2023 của tỉnh tăng 2,45% so với năm 2022; giá trị sản phẩm trên 1 ha đạt 238 triệu đồng/năm.

Để chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp phát huy hiệu quả cao hơn vẫn còn là chặng đường dài phía trước cho nên trong thời gian tới, đích hướng đến của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Hưng Yên chính là người dân, nhằm thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang nền nông nghiệp tiên tiến. Từ đó, người sản xuất có thể kiểm soát được thời gian thu hoạch, giảm chi phí sản xuất, mở rộng thị trường, tăng lợi nhuận.