Phóng viên Báo Nhân Dân có buổi trò chuyện cùng Giám đốc Trung tâm thông tin Kinh tế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Thái Lai trước thềm sự kiện Chung kết Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize.
Giải thưởng mang tầm quốc gia, thúc đẩy các dự án vì cộng đồng
Phóng viên: Lần đầu tham gia với vai trò Ban Giám khảo của giải thưởng về Hành động vì cộng đồng, ông có cảm nghĩ như thế nào?
Ông Phạm Thái Lai: Bản thân tôi đánh giá rất cao Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize. Đây là giải thưởng mang tầm quốc gia nhằm tôn vinh, thúc đẩy những dự án vì cộng đồng, ghi nhận xứng đáng những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang nỗ lực cống hiến cho xã hội, chung tay vì sự phát triển của đất nước.
Là đại diện VCCI (Tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp), tôi nhận thấy, bên cạnh yếu tố vì cộng đồng nói chung, Giải thưởng có tác động quan trọng trong việc thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp nâng cao nhận thức và thực hành phát triển bền vững vì mục tiêu chung phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hiện nay, thế giới đang trải qua những tác động cộng hưởng với mức độ và quy mô chưa từng có của dịch bệnh, biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, tăng trưởng kinh tế sụt giảm ở quy mô toàn cầu… Song những khó khăn, thách thức đó cũng là cơ hội để cộng đồng thấy rõ hơn tầm quan trọng của bảo vệ môi trường sống, giải quyết hài hòa giữa nhu cầu cấp bách phục hồi kinh tế với yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững để hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
Dự án rà phá bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại Quảng Trị. Đây là một dự án đã lọt vào chung kết Giải thưởng Hành động vì cộng đồng. |
Việc Báo Nhân Dân chủ trì tổ chức Giải thưởng này là hoạt động nhằm cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị mới ban hành ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó có chú trọng tôn vinh, biểu dương các tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu; phát huy vai trò của báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, cổ vũ đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Cá nhân tôi cảm thấy vinh dự và nhận thức được trách nhiệm trong việc công tâm đánh giá, để lựa chọn ra được những dự án tiêu biểu, xứng đáng được tôn vinh theo những tiêu chí, mục tiêu Giải thưởng đề ra.
Với hơn 20 năm công tác tại VCCI - tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Phạm Thái Lai có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Ông cũng từng nhiều năm đảm nhận vị trí Tổng Thư ký Ủy ban Hợp tác công tư - Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án PPP phát triển kinh tế-xã hội.
Tại VCCI, ông đã tham gia nhiều hoạt động bình chọn, chương trình tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân quy mô quốc gia của VCCI. Trong đó, Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI) được VCCI tổ chức thường niên từ năm 2015 nhằm ghi nhận, biểu dương các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế-xã hội-môi trường.
Phóng viên: Chủ đề của Human Act Prize trong năm đầu tiên là Dấu ấn tiên phong. Ông suy nghĩ về chủ đề này?
Ông Phạm Thái Lai: Chủ đề năm nay là “Dấu ấn tiên phong” với sứ mệnh tôn vinh những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không ngần ngại dấn bước cống hiến vì cộng đồng, đặt những bước đầu tiên trên hành trình đầy thách thức, bất chấp mọi khó khăn, kiên định với giá trị nhân văn, niềm tin về sự phát triển bền vững.
Phát triển bền vững chắc chắn không phải là một hành trình dễ dàng. Một trong những điều kiện để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 là cần phát huy tối đa sự tham gia và đóng góp của các thành phần, bao gồm cả cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các tổ chức chính trị xã hội.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nhưng cũng là nước chịu ảnh hưởng nhiều từ biến đổi khí hậu. Chúng ta hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của việc phát triển bền vững và sẽ luôn nỗ lực và phấn đấu thực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững từ nay đến năm 2030. Chặng đường phía trước sẽ còn rất nhiều khó khăn và thách thức.
Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển bền vững trong quá trình phát triển đất nước và đặc biệt chú trọng lấy con người là trung tâm của phát triển bền vững.
Tôi nhận thấy, với tinh thần vượt khó, chủ động, sáng tạo và truyền thống “tương thân tương ái”, thời gian qua, hàng nghìn tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư, xây dựng các dự án vì cộng đồng ở nhiều lĩnh vực, ở mọi miền đất nước.
Và tôi cho rằng, đó cũng chính là mục đích của giải thưởng, trong việc thực hiện sứ mệnh tôn vinh những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân “tiên phong” không ngần ngại dấn bước cống hiến vì cộng đồng, đặt những bước đầu tiên trên hành trình đầy thách thức, bất chấp mọi khó khăn, kiên định với giá trị nhân văn, niềm tin về sự phát triển bền vững.
Tuy “tiên phong” nào cũng sẽ gặp phải những thách thức, khó khăn, và để thực sự có thể biến thách thức thành cơ hội, hơn lúc nào hết, cần sự đoàn kết, bền lòng, bền chí, quyết tâm cao độ, tư duy đổi mới, sáng tạo, và hành động quyết liệt hơn để đất nước và dân tộc có thể khoác lên mình chiếc áo mới - chiếc áo của sự phồn vinh, thịnh vượng, xanh tươi, phát triển bền vững và bao trùm trong giai đoạn tới.
Sự minh bạch tạo nên giá trị và uy tín của Giải thưởng
Phóng viên: Với vai trò Ban Giám khảo, ông có thể chia sẻ thêm về tính minh bạch của quá trình thẩm định?
Ông Phạm Thái Lai: Giải thưởng đã xây dựng quy trình, tiêu chí hết sức khoa học và minh bạch. Các thành viên Ban Giám khảo được cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng và chấm điểm độc lập. Theo tôi sự minh bạch tạo nên giá trị và uy tín của Giải thưởng, tạo sự khách quan, công tâm trong quá trình bình chọn, qua đó lựa chọn được những dự án xứng đáng nhất để tôn vinh.
Các tổ chức, đơn vị hay cá nhân một khi đã tham gia vào các hoạt động xã hội, thì tất nhiên những hoạt động đó sẽ không phải vì lợi ích cá nhân mình. Một khi đã làm những công việc vì cộng đồng xã hội đòi hỏi sự vận hành minh bạch, bền vững, có tổ chức. Đó cũng là cách tổ chức tốt nhất cho các hoạt động vì cộng đồng.
Hội đồng giám khảo Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize
Chính vì vậy, tôi cho rằng, giá trị của giải thưởng phải gắn với những yếu tố phải có của một dự án cộng đồng như truyền cảm hứng, bền bỉ, triển vọng, kịp thời, bền vững… Bởi không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng ra đời để đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng.
Phóng viên: Vậy, cảm xúc của ông thế nào khi tham gia thẩm định những dự án có ý nghĩa nhân văn với cộng đồng?
Ông Phạm Thái Lai: Qua nghiên cứu 35 hồ sơ vào vòng chung kết, tôi được tiếp xúc với rất nhiều dự án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và có ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng. Tất cả các dự án đều xoay quanh các nội dung liên quan đến “phát triển bền vững”, “lấy con người làm trung tâm”, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đó là các dự án thiện nguyện, hỗ trợ người yếu thế, các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, vì trẻ em,...
Tôi cho rằng, tất cả các dự án vòng chung kết đều là những tấm gương điển hình thể hiện trách nhiệm xã hội, có ý nghĩa truyền cảm hứng, lan tỏa cái đẹp. Các dự án của Doanh nghiệp trong danh sách đề cử là những doanh nghiệp đã nhận thức đúng triết lý cốt lõi của kinh doanh chân chính là tạo nên giá trị lợi ích hài hòa, bền lâu cho chính doanh nghiệp, cho cả cộng đồng và cho thế hệ tương lai.
Ông Phạm Thái Lai khẳng định, sự minh bạch tạo nên giá trị và uy tín của Giải thưởng (Ảnh: NVCC) |
Nhiều doanh nghiệp là những doanh nghiệp lớn đã có bề dày lịch sử hoạt động sản xuất-kinh doanh, đã quyết liệt “làm mới mình” chuyển đổi một cách có hệ thống từ tư duy kinh đơn thuần sang kinh doanh bền vững. Cũng có những dự án mới nhưng ngay từ ý tưởng họ đã xác định chiến lược có trách nhiệm để tạo giá trị bền vững cho cộng đồng. Tất cả họ xứng đáng nhận được sự cổ vũ và biểu dương của toàn xã hội.
Phóng viên: Cá nhân ông có kỳ vọng như thế nào vào Giải thưởng Hành động vì cộng đồng trong thời gian những năm tiếp theo?
Ông Phạm Thái Lai: Tôi kỳ vọng Giải thưởng Hành động vì cộng đồng sẽ đạt được những mục tiêu đề ra ban đầu, đó là lựa chọn được những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Ngoài ra, việc xây dựng một hệ thống, sắp xếp những sáng kiến, dự án, sản phẩm vì cộng đồng theo tiêu chí của Giải thưởng có thể mang lại hiệu quả lâu dài cho xã hội.
Khi đó, nó sẽ tạo cảm hứng cho những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức khác cùng có chung mong muốn, quan tâm thì thông qua Human Act Prize họ có thể thỏa sức đóng góp thêm sáng kiến để giúp cho mọi người sống có ích hơn.
Bên cạnh đó, không chỉ dừng lại ở tôn vinh, lan tỏa, Giải thưởng sẽ còn truyền cảm hứng, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, tạo sức mạnh tinh thần... Đây chính là nguồn lực vô tận, một thế mạnh truyền thống của con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tập hợp, đồng hành, định hướng và kết nối các thành phần chung tay trên hành trình phát triển bền vững hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Dự án của Tập đoàn TH tại Nghệ An. Đây cũng là 1 trong 35 dự án lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Hành động vì cộng đồng năm nay. (Ảnh: Thành Đạt) |
Phóng viên: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao những tiêu chí nào trong quá trình thẩm định các dự án?
Ông Phạm Thái Lai: Tất cả các tiêu chí Giải thưởng nêu ra đều quan trọng và có ý nghĩa. VCCI với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp xác định phát triển bền vững là xu thế tất yếu và chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp phải được xây dựng dựa trên các trụ cột kinh tế, quản trị, xã hội và môi trường.
Những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi và vận hành theo phương châm sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với môi trường đang chứng tỏ là những doanh nghiệp có khả năng thích ứng và chống chịu cao, bền vững đối với các biển đổi tiêu cực từ bên ngoài cũng như khả năng linh hoạt, nắm bắt hiệu quả các cơ hội mà nền kinh tế mang lại.
Các giá trị của phát triển doanh nghiệp bền vững phải được định hình và xây dựng dựa trên một hệ giá trị cốt lõi của doanh nhân, doanh nghiệp. Đó chính là đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh.Những nguyên tắc đó cần được phổ cập, lan tỏa và thực hành trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Việc xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh là quá trình lâu dài, không ngừng nghỉ để đất nước ta phát triển văn minh, thịnh vượng.
Trân trọng cám ơn ông!
"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Website chính thức: https://humanactprize.org
Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize