Những cô gái "lần theo dấu vết của tử thần"

Bom mìn - Cuộc chiến trăm năm trong lòng đất Quảng Trị:

Những cô gái "lần theo dấu vết của tử thần"

NDO - Sau hiệu lệnh dứt khoát, Vân lập tức bấm kích nổ. Chưa đầy một tích tắc, âm thanh đinh tai cách đó cả trăm mét bùng lên. Khói cuồn cuộn và mùi thuốc nổ khét lẹt ngập tràn không khí… Đây cũng là công việc vẫn diễn ra hằng ngày của đội nữ rà phá bom mìn thuộc dự án NPA/RENEW tại Quảng Trị.

Từ hàng chục năm qua, nhiều “biệt đội” rà phá bom mìn được huấn luyện, đào tạo bài bản đã và đang ngày đêm lần theo dấu vết tử thần để trả lại sự bình yên cho cuộc sống.

NHỮNG BÓNG HỒNG PHÁ BOM

Tại Quảng Trị, NPA, viết tắt của Tổ chức viện trợ nhân dân Na Uy và Dự án RENEW đã trở nên rất quen thuộc. Đến nỗi, chỉ cần nghe tới cái tên này, anh tài xế taxi ở Đông Hà ngay lập tức đưa thẳng chúng tôi tới trụ sở của NPA trên đường Nguyễn Cơ Thạch.

Từ năm 2007, NPA đã thiết lập hoạt động tại Việt Nam, khởi đầu với Quảng Trị. NPA đặt trọng tâm giải quyết hậu quả lâu dài của bom mìn, vật nổ đang ảnh hưởng cuộc sống và sinh kế người dân trên khắp đất nước.

Những cô gái "lần theo dấu vết của tử thần" ảnh 1

Những mảnh bom, mìn sót lại sau chiến tranh không hề hiếm gặp tại Quảng Trị.

Ông Jan Erik Stoa - Giám đốc quốc gia NPA Việt Nam cho hay, sau 16 năm, tính tới thời điểm hiện tại, NPA có khoảng 300 nhân sự đang làm việc tại Quảng Trị. Đặc biệt, trong số này có 2 đội 100% thành viên là nữ, gồm Đội rà phá hiện trường (15 thành viên) và Đội xử lý bom mìn lưu động (6 thành viên).

Khi đến trung tâm NPA thì hai chiếc xe chuyên dụng do hai cô gái trẻ lái đã đưa tiểu đội nữ vào các xã Trung Giang và Gio Hải (Gio Linh). Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, Quản lý dự án NPA/RENEW vui vẻ chở chúng tôi bám theo. Bên ngoài, thời tiết cuối năm lúc mưa, lúc nắng khiến con đường ven biển trở nên lầy lội và khó đi hơn.

“Làm nghề này, chỉ cần sai một ly là đi một dặm. Chúng tôi không có quyền sửa chữa bất cứ một lỗi lầm nào”, Nguyễn Thị Diệu Linh thẳng thắn chia sẻ.

Những cô gái "lần theo dấu vết của tử thần" ảnh 2

Đội nữ rà phá bom mìn thuộc dự án NPA/RENEW tại Quảng Trị.

Mất gần 1 giờ, chiếc xe dã chiến dừng lại trước một trảng cát dài bạt ngàn phi lao ven biển Cửa Việt. Ngay ven đường, một lều dã chiến thô sơ của Đội rà phá hiện trường được dựng ngay ngắn. Bao quanh là một dãy cọc tiêu và dây ni-lông kẻ màu báo hiệu an toàn. Bên trong là thùng bộ đàm, pin, dây điện, loa, bảng sa đồ đánh dấu khu vực đang rà soát.

Nữ đội trưởng Nguyễn Thị Hải Vân, năm nay đã 50 tuổi, nai nịt gọn gàng thoăn thoắt bước ra đón khách. Chỉ tay vào tấm bảng, chị giới thiệu từng khu vực rồi hướng dẫn chúng tôi ghi tên tuổi, mục đích tới hiện trường, nhóm máu vào cuốn sổ công tác hằng ngày như một nguyên tắc bắt buộc vì đây là khu vực cực kỳ nguy hiểm.

Trước khi tiến vào khu vực làm việc của đội, chị nhắc nhở: “Yêu cầu các anh giữ khoảng cách an toàn với các nhân viên đang làm việc. Nếu muốn gặp chị em nào để phỏng vấn hoặc muốn chụp ảnh hoạt động, các anh vui lòng trao đổi để tôi bố trí, bảo đảm quy định an toàn.”

Các chị em đều đã trải qua các khóa huấn luyện quy trình, kỹ thuật để bảo đảm kỹ năng, kiến thức cần thiết giữ an toàn trong hoạt động.

Nguyễn Thị Diệu Linh (quản lý chương trình NPA/RENEW tại Quảng Trị)

Lúc này, phía đồi cát, các đồng đội của Vân đang tiến hành nhiệm vụ hằng ngày của mình. Dẫn chúng tôi tiếp cận gần nhất có thể, chị cho hay, toàn bộ khu vực ô nhiễm bom, mìn sẽ được chia thành các ô 50mx50m sau đó chia nhỏ thành các luống với độ rộng 1,9m.

Bên cạnh đó, để bảo đảm các thiết bị hoạt động tốt, đúng yêu cầu về kỹ thuật và độ sâu, các máy dò đều phải được kiểm tra trước tại một khu vực kiểm tra riêng, có chôn mẫu bom mìn an toàn. Sau khi công tác chuẩn bị hoàn tất, công việc dò tìm mới được tiến hành.

Ban đầu, hai cô gái sử dụng máy rà khung rộng nặng chừng 5kg đi dọc theo mỗi luống. Khi máy phát tiếng kêu, nghĩa là có kim loại vùi trong lòng đất. Lúc này, sau khi đã "định vị chính xác", những cây cờ đỏ đánh dấu được cắm xuống. Khi đã có đủ số tín hiệu và khoảng cách an toàn, một thành viên khác sẽ đến và sử dụng một máy dò cầm tay nhỏ hơn để hỗ trợ xác định lại tín hiệu và đào tìm để “phát hiện tử thần”.

Nếu xác định bom, mìn hoặc vật nổ khác, thông tin sẽ trực tiếp được báo về cho đội trưởng Hải Vân đang chờ sẵn. Tất cả bom mìn, vật nổ được phát hiện đều được đội hủy nổ vào mỗi cuối ngày.

PHÚT ĐỐI MẶT

Trong khi đang giải thích về quy trình hoạt động trên khu vực ô nhiễm bom mìn, máy bộ đàm đeo trên vai Vân bỗng rung lên. Từ bên kia, tín hiệu báo phát hiện một quả lựu phóng 40mm. Lập tức, đội trưởng cho thành viên di chuyển đến vị trí làm việc khác, rồi nhanh chóng di chuyển về phía “điểm đỏ”.

“Bước cuối cùng về nhận dạng, đánh giá trình trạng bom mìn, vật nổ và quyết định phương án xử trí đều thuộc về trách nhiệm của đội trưởng. Có những vật nổ, chúng tôi phải hủy nổ tại chỗ vì rất nguy hiểm nếu di chuyển. Nhưng cũng có những vật nổ, đội trưởng có thể áp dụng các kỹ thuật được tập huấn để chuyển đến để hủy cùng các vật nổ khác nhằm bảo đảm hiệu quả công việc”, Quản lý Chương trình Diệu Linh giải thích.

Quan sát từ khoảng cách an toàn, chúng tôi hướng về phía rìa luống cát - nơi đội phó Phan Thị Thu Hương đang đào tìm “tử thần”. Tiếng tít te khe khẽ phát ra từ máy dò khiến tất cả gần như nín thở.

Mất chừng 5 phút, Hương báo cáo đội trưởng rằng mình đã phát hiện 1 quả lựu phóng 40mm (hay thường được gọi là M79). Quả đạn đã gỉ sét nằm nghiêng 45 độ so với mặt cát được lộ ra qua quá trình đào tìm.

Những cô gái "lần theo dấu vết của tử thần" ảnh 3

Sau những thao tác thận trọng, một vật nổ cũng lộ ra dưới lớp cát. Vị trí vật nổ nằm chỉ cách mặt đất chừng 20cm.

Sau khi đánh giá vật nổ an toàn để di chuyển, nữ đội trưởng 50 tuổi nhẹ nhàng nâng quả M79 rồi cẩn thận từng bước tiến về vị trí một quả bom khác cách đó vài chục mét đã được chăng dây báo hiệu nguy hiểm.

“Em út” Võ Thị Hằng, sinh năm 1996 là người trẻ nhất tiểu đội. Đứng từ xa nhìn về phía Hải Vân đang “bưng đạn”, cô bảo: Đây là giờ phút “thót tim” nhất. "Tử thần" sau vài chục năm ngủ quên được người dày dặn kinh nghiệm nhất nâng niu như một báu vật chết chóc. Chỉ khi quả đạn được đặt vào lòng hố, họ mới dám thở phào.

Lúc này, đội trưởng Hải Vân ra hiệu lệnh triệu tập 4 cô gái trẻ tới hỗ trợ. “Trong quá trình hủy nổ, nếu có bất cứ điều gì không may xảy ra với tôi, đội phó Thu Hương sẽ có toàn quyền chỉ huy”, chị thông báo ngắn gọn.

Các cô gái trẻ nhanh chóng chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết, kiểm tra bộ đàm và loa, rồi di chuyển đến gần vị trí hủy nổ để đào cát, chất kín vào 8 bao tải cỡ nhỏ để lót hố và che chắn nhằm ngăn cản độ văng khi bom được kích nổ. Nắng cuối năm chang chang, gay gắt hắt thẳng vào những khuôn mặt đỏ bừng đã lấm tấm mồ hôi.

Những cô gái "lần theo dấu vết của tử thần" ảnh 4

Họp tổ xử lý hủy nổ trước khi tiến hành. Mỗi thành viên sẽ nhận một nhiệm vụ riêng biệt để bảo đảm quá trình hủy nổ thành công.

Sau khi hoàn tất, 4 thành viên tiếp tục tỏa ra, sử dụng loa để thông báo cho người dân về vụ nổ sắp diễn ra: “Yêu cầu bà con, những ai đang làm việc hoặc chăn thả gia súc trong khu vực này tránh xa khoảng cách 200m, tìm nơi ẩn nấp để bảo đảm an toàn”.

Khi đã chắc chắn chung quanh khu vực hủy nổ không còn người và gia súc, Hải Vân quan sát các hướng rồi bắt đầu đếm ngược. 3… 2… 1. Nổ.

Chỉ chừng một tích tắc, tại vị trí cách đó 200m, một cột khói cao cả chục mét bốc lên. Tiếng nổ đinh tai, khô khốc khiến chúng tôi thoáng giật mình. Mùi cỏ cháy khét lẹt lan ra, rồi dần tan biến dưới bầu trời miền trung chang chang nắng. Sau khi xác nhận trái đạn đã được hủy thành công, tiểu đội nữ NPA/RENEW mới thực sự hoàn thành nhiệm vụ.

Những cô gái "lần theo dấu vết của tử thần" ảnh 5
Đầu đạn M79 được kích nổ thành công.

Khác với đội Hải Vân, Đội đa năng của nữ đội trưởng Trịnh Thị Hồng Thắm còn phải kiêm thêm cả nhiệm vụ tiếp nhận thông tin báo bom mìn từ người dân báo qua số điện thoại nóng.

Giải thích với chúng tôi, Thắm cho hay, hiện nay, việc điều phối rà phá bom, mìn và vật nổ sẽ được Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC) thực hiện. Chỉ cần nhận được cuộc gọi giao nhiệm vụ từ QTMAC, “tiểu đội” của Thắm sẽ lên đường, bất kể khoảng cách vài chục hay cả trăm cây số.

Thắm nhớ lần đầu tiên dẫn đội rà phá một khu vực ruộng lúa tại huyện Hải Lăng sau khi người dân vừa thu hoạch. Đội phát hiện rất nhiều bom bi dù ruộng đã được cày xới mấy chục năm qua.

“Ngày hôm đó trên đường về cứ cảm thấy may mắn vì đội đã phát hiện trước người dân đụng trúng khi cày xới. Em thấy càng ngày càng thêm yêu nghề và tin tưởng vào sự lựa chọn của mình”, Thắm chia sẻ.

Những cô gái "lần theo dấu vết của tử thần" ảnh 6

Đội trưởng Hồng Thắm giao nhiệm vụ cho các thành viên trước khi hủy nổ một đầu đạn M79 tại địa phận xã Trung Giang.

Đứng ngay gần đó, Lê Thị Oanh, nhân viên y tế cười giòn tan khi kể về một ngày làm việc… bình thường của mình. Cô bảo: Mỗi ngày, đội có thể được giao nhiệm vụ tiếp nhận 3-5 cuộc gọi báo bom mìn. Rồi mỗi lần tới hiện trường, khi thấy bước xuống xe là 6 cô gái trẻ măng, bà con đều… mắt tròn, mắt dẹt.

“Lúc đầu, không ai tin tổ phá bom chỉ toàn là nữ. Chỉ tới khi đội di dời hoặc hủy nổ thành công thì họ mới chắc chắn là chúng em có thể làm tốt. Nhìn nụ cười của người dân, chúng em cũng được tiếp thêm động lực để tiếp tục công việc”, cô gái sinh năm 1992 hào hứng kể.

MỒ HÔI VÀ MÁU TRÊN CÁNH ĐỒNG HÒA BÌNH

11 giờ trưa, công việc buổi sáng kết thúc. "Tiểu đội" rà phá hiện trường tụ lại bên những gốc phi lao nghỉ ngơi. Lúc này, các cô mới thay nhau kể chuyện. Họ bảo, trước đó, không ai dám tin mình sẽ làm công việc đặc biệt này.

Diệu Linh, quản lý chính của dự án trước khi “bén duyên” với NPA từng tốt nghiệp chuyên ngành Ngoại ngữ tại Huế. Công việc rà phá bom mìn đến với Linh như một cơ duyên. Khi tốt nghiệp đại học, chị làm cho một dự án giảm nghèo tại Gio Linh và sau đó làm phiên dịch của Dự án RENEW (Dự án Phục hồi môi trường và Khắc phục hậu quả chiến tranh).

Dần dần, chị chuyển sang làm cán bộ kỹ thuật và đến năm 2015, được cử làm quản lý chương trình NPA/RENEW của Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy, chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của gần 300 nhân viên. Chị Diệu Linh cũng tự hào là một trong những người sáng lập đội nữ rà phá mìn đầu tiên ở Việt Nam. Tương tự, đội phó Thu Hương từng là giáo viên trường làng trước khi đầu quân vào NPA/RENEW.

Những cô gái "lần theo dấu vết của tử thần" ảnh 7

Chị Diệu Linh (ở giữa) cùng đội rà phá bom mìn nữ trong phút nghỉ ngơi tại hiện trường.

Với Trịnh Thị Hồng Thắm, Đội trưởng Đội đa nhiệm của NPA/RENEW, chị thậm chí đã chủ động lựa chọn công việc này dù người yêu ngăn cản. “Sau khi ngăn cản quyết liệt không được thì người yêu cũng phải đồng ý cho tôi gia nhập đội rà phá bom mìn. Anh ấy phản đối vì sợ tôi vất vả mà thôi,” Thắm cười.

Việc thành lập 2 đội nữ rà phá và xử lý bom mìn đầu tiên của Việt Nam nằm trong nỗ lực nhằm khẳng định vai trò của phụ nữ trong Hành động bom mìn của NPA; từ đó truyền cảm hứng và chứng minh phụ nữ là lực lượng mạnh mẽ và có đủ năng lực trong hoạt động động khắc phục hậu quả bom mìn.
Ông Jan Erik Stoa-Giám đốc quốc gia NPA tại Việt Nam

Để có thể tham gia vào “tiểu đội”, tất cả các thành viên phải bảo đảm 2 tiêu chuẩn bắt buộc: có sức khỏe tốt và quan trọng nhất là tình nguyện đi rà phá bom mìn. Trải qua quá trình huấn luyện nghiêm ngặt, rất nhanh họ vượt qua nỗi sợ hãi khi tiếp cận vật liệu nổ tại hiện trường.

Khi “vào ca”, những cô gái sẽ phải thức dậy từ khoảng 4-5 giờ sáng. Cao Thị Uyên kể, những ngày đầu, bao giờ con trai cô cũng ngằn ngặt khóc đòi mẹ. “Giờ thì cháu quen rồi anh ạ. Cháu chỉ bảo mẹ và các bác nhớ giữ an toàn thôi”, Uyên khúc khích.

Những ngày nắng, nhiệt độ tại các trảng đất Quảng Trị hầm hập như rang, phả thẳng vào mặt người khiến “tiểu đội nữ” ướt đầm đìa mồ hôi. Nhưng thà “chịu nóng còn hơn gặp mưa”. Đội trưởng Hải Vân vẫn không thể quên những ngày chị làm nhiệm vụ tại huyện Đakrông khi kèm theo mưa là vắt. Vắt nhảy tưng tưng lên chân người, vắt chui sâu vào mọi kẽ hở có thể thấy. Đến độ, các chuyên gia nước ngoài từng phải thốt lên khiếp sợ khi gặp thứ “đặc sản quái gở của núi rừng Quảng Trị”.

Những cô gái "lần theo dấu vết của tử thần" ảnh 8

"Em út" Võ Thị Hằng làm việc dưới trời mưa trên cánh đồng cát xã Gio Hải.

Vất vả và nguy hiểm là thế, nhưng các chị bảo “khi đi làm, chỉ cần được bà con động viên, mang cho đội một ấm nước vối, một bát canh chua trong giờ trưa, họ đã thấy ấm lòng rồi”.

Chuyện đang vui thì đội phó Thu Hương thoáng buồn. Chị bảo, cho tới tận bây giờ, chị vẫn không thể quên được hình ảnh người đồng đội đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Tháng 5/2016, đội trưởng Ngô Thiện Khiết của đội khảo sát dấu vết bom chùm đã gặp nạn tại cánh đồng xã Hải Ba, huyện Hải Long. Một đồng đội khác của anh, Nguyễn Văn Hảo cũng bị trọng thương và phải cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Sau gần 20 năm hoạt động, đó cũng là lần đầu tiên NPA/RENEW có nhân viên thiệt mạng khi thực hiện nhiệm vụ theo dấu tử thần. Khi ấy, Khiết là người đội trưởng giàu kinh nghiệm. Anh tham gia rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ từ năm 2008, từng dẫn đầu đội lưu động trực tiếp hủy nổ nhiều vật liệu nguy hiểm.

Những cô gái "lần theo dấu vết của tử thần" ảnh 9

Bức ảnh của người đội trưởng Ngô Thiện Khiết được treo trang trọng trong văn phòng của NPA tại Quảng Trị. Đây như lời nhắc nhớ cho sự hiểm nguy của công việc đặc biệt này.

“Ngày anh gặp nạn, chúng em đều bần thần không thể tin. Chị em khóc như mưa và phải mất đến 1 tuần mới ổn định phần nào tâm lý”, cô em út Võ Thị Hằng bần thần kể.

Diệu Linh, phụ trách dự án, đồng thời cũng là người em thân thiết nhớ lại, chị đã phải gồng mình lên để lo chu toàn các thủ tục và chỉ dám “khóc nức nở” khi mọi việc đã xong xuôi. Trong cuộc chiến trăm năm chống lại bom mìn còn sót lại, máu và mồ hôi vẫn cứ đổ trên những cánh đồng hòa bình.

Thế nhưng, với những người trong cuộc, sự cố năm 2016 lại giống như một cú hích, khiến họ vững chí, bền tâm với con đường đã chọn, để về sau không còn ai lặp lại số phận đau thương như Ngô Thiện Khiết đã từng…

Bên ngoài, trời Quảng Trị lại lất phất đổ mưa…

Theo số liệu từ NPA, tính đến cuối tháng 6/2023, NPA/RENEW đã hoàn thành công tác lập bản đồ các khu vực ô nhiễm bom đạn chùm tại 690 thôn của tỉnh Quảng Trị, với diện tích ô nhiễm lên đến hơn 619km2, rà phá an toàn gần 25km2 và xử lý an toàn hơn 126.000 vật liệu nổ các loại.

(Kỳ tiếp theo: Cuộc chiến trăm năm trong lòng đất: Hành trình phía trước)

“Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp cùng sự đồng hành của ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững. Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

back to top