Phóng viên: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 26-NQ/TW và các Nghị quyết liên quan đối với tỉnh Thanh Hóa?
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn: Trên cơ sở Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, Kết luận số 25-KL/TW, Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều chủ trương, quan điểm mới, có ý nghĩa rất quan trọng đối với định hướng phát triển của các tỉnh trong vùng, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.
Nghị quyết số 26-NQ/TW khẳng định vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trên tất cả các lĩnh vực, là cơ sở chính trị quan trọng để Trung ương và từng địa phương ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng và các địa phương trong vùng.
Với tỉnh Thanh Hóa, Nghị quyết số 26-NQ/TW và các Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng của cả nước có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình phát triển của tỉnh trên con đường hướng tới xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn cùng các ngành cấp tỉnh trao đổi giải pháp đẩy nhanh đoạn giao thông kết nối, phát huy hiệu quả tuyến cao tốc bắc-nam qua tỉnh Thanh Hóa. |
Các quan điểm, định hướng phát triển được đề ra trong Nghị quyết số 26-NQ/TW và các nghị quyết liên quan là nền tảng, kim chỉ nam để tỉnh nhận diện và xác định đúng vị trí, vai trò, thế mạnh trong bức tranh chung của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp để đẩy mạnh hợp tác, liên kết, không chỉ với các địa phương trong vùng mà còn với các địa phương vùng lân cận như đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du và miền núi phía bắc; góp phần mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong liên kết, hợp tác phát triển vùng.
Phóng viên: Tỉnh Thanh Hóa có những hành động cụ thể nào trong triển khai, thực hiện Nghị quyết; kết quả đạt được sau gần 1 năm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Xin đồng chí chia sẻ, trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Thanh Hóa ưu tiên triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung nào nhằm phát huy thế mạnh, lợi thế, thuận lợi ở địa phương?
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn: Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh để quán triệt và triển khai các nội dung của Nghị quyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 120-KH/TU ngày 15/3/2023; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 557/QĐ-UBND ngày 17/02/2023 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm cụ thể hóa các quan điểm, định hướng phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW, phù hợp tình hình thực tế của tỉnh; xác định rõ nhiệm vụ, thời gian hoàn thành và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh là Ủy viên Hội đồng điều phối vùng, tỉnh đã thành lập Tổ điều phối cấp tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh về các hoạt động điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040; Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, tạo thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.
Đồng thời, tỉnh tăng cường huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển 3 trụ cột tăng trưởng; 4 vùng kinh tế động lực; 5 vùng liên huyện và 6 hành lang kinh tế nhằm tạo ra không gian, dư địa mới cho phát triển.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng các ngành, địa phương khảo sát điểm thi công cầu Hoằng Đại trên đường vành đai 3, giảm lưu phương phương tiện giao thông qua thành phố Thanh Hóa và huyện Quảng Xương. |
Thanh Hóa đã bố trí nguồn lực đầu tư các dự án kết nối, liên kết vùng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam qua địa bàn tỉnh, đường ven biển đoạn từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa, đường Nghi Sơn-Bãi Trành, đường nối Quốc lộ1-Quốc lộ 45; các tuyến đường kết nối tới các nút giao tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam; đầu tư nâng cấp và mở rộng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông kết nối giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh Tây Bắc, nước bạn Lào; ưu tiên nguồn lực nhằm hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn theo hướng đồng bộ, hiện đại để thu hút đầu tư, phát triển khu vực này thành trung tâm năng lượng của cả nước với hạt nhân chính là các sản phẩm của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, các ngành công nghiệp năng lượng (gồm Nhiệt điện, điện - khí LNG)…
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã quan tâm mở rộng hợp tác phát triển vùng, liên kết với những thành phố lớn, ký kết các thỏa thuận hợp tác phát triển với thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh…
Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7,72%, đứng thứ 12 cả nước và thứ 4/14 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng 5,06% so cùng kỳ; hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ vận tải tăng mạnh (doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 13,9%, tổng thu du lịch tăng 19,4%, doanh thu vận tải tăng 25,9%...); thu ngân sách Nhà nước 10 tháng đầu năm ước đạt 31.825 tỷ đồng, bằng 90% dự toán, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu ngân sách cao của cả nước.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, các chỉ số về cải cách hành chính trong nhóm dẫn đầu cả nước; tỉnh đã thu hút thêm được 73 dự án đầu tư trực tiếp có tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 26.799 tỷ đồng và 195,4 triệu USD.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa trò chuyện, nắm bắt tình hình đời sống của người dân bản Căm, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh. |
Có thể kể đến các dự án như Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn tại Khu công nghiệp số 4, Khu kinh tế Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng; dự án Khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi-măng xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh và xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 1.142 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương có mức đầu tư 1.099 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao Outdoor Gear Việt Nam 869 tỷ đồng.
Tập đoàn WHA (Thái Lan), Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản), Tổng Công ty LH (Hàn Quốc), Công ty cổ phần Tập đoàn TH… đang tìm hiểu, xúc tiến các dự án đầu tư vào tỉnh.
Bên cạnh đó, chất lượng các hoạt động văn hóa-xã hội tiếp tục được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao đạt kết quả tích cực; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 58-NQ/TW Bộ Chính trị, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; trong đó, tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển ngành, lĩnh vực phù hợp định hướng phát triển theo các Nghị quyết, Quy hoạch được phê duyệt; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là các cơ chế huy động nguồn lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo thuận lợi để phát triển liên kết vùng; đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, các hành lang kinh tế, hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu du lịch trọng điểm của tỉnh; tiếp tục đầu tư các trục chính theo hướng đông-tây, bắc-nam kết nối liên hoàn với các tỉnh trong nội vùng, liên vùng và quốc tế.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cùng các ngành khảo sát đê sông Càn và điểm sạt lở ở xã Nga Điền, huyện Nga Sơn. |
Phóng viên: Thưa đồng chí, đâu là những thách thức, vướng mắc nảy sinh ở địa phương trong triển khai Nghị quyết. Tỉnh Thanh Hóa có đề xuất, kiến nghị gì và tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi những giải pháp nào để thực hiện sinh động, thắng lợi Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”?
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn: Từ thực tiễn cho thấy, địa hình vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trải dài, khoảng cách giữa các địa phương tương đối lớn,Thanh Hóa là tỉnh đầu phía bắc của vùng, khá xa trung tâm động lực miền trung và các tỉnh Nam Trung Bộ; Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nhiều địa phương có thế mạnh khá tương đồng; thể chế liên kết vùng chưa hình thành là khó khăn rất lớn cho Thanh Hóa và các địa phương trong vùng triển khai thực hiện các nhiệm vụ về liên kết vùng.
Bên cạnh đó, năng lực, sức cạnh tranh của các tỉnh trong vùng còn hạn chế; hạ tầng đô thị ven biển, các hành lang kinh tế chưa đồng bộ; phần lớn các địa phương chưa tự chủ được ngân sách để tự tổ chức thực hiện các chính sách đủ mạnh, thúc đẩy liên kết vùng.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa thăm gia đình, trò chuyện với thương binh ở xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân. |
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thanh Hóa đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Một là, cần thống nhất nhận thức: Hợp tác, liên kết, cùng phát triển là xu thế tất yếu trong giai đoạn mới hiện nay. Thực tiễn cho thấy, thiếu liên kết, phối hợp giữa các địa phương sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh vấn đề “xung đột lợi ích”, chưa chú trọng lợi ích tổng thể của cả vùng, mà cát cứ, cục bộ “mạnh ai nấy làm”, không khai thác, phát huy được các tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh và cả vùng.
Hai là, tiếp tục phát huy vai trò của từng địa phương trong Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, nhất là trong giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và của vùng. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong trong tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch phân khu chức năng trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, đảm bảo đồng bộ, thống nhất.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa nắm bắt tiến độ triển khai dự án đầu tư công ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. |
Ba là, tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế chính sách đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 58-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết đại hội đảngbộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, làm cơ sở để thúc đẩy liên kết vùng với phương châm: “Tỉnh mạnh thì vùng mới mạnh và tỉnh có mạnh thì mới có điều kiện và có cơ hội để phát triển liên kết”.
Bốn là, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có diện tích gần 9,59 triệu ha, chiếm 28,93%; gần 2.000km bờ biển, chiếm 60%; có 11/18 khu kinh tế ven biển, chiếm 61,1% cả nước.
Đây là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển; là cửa ngõ vươn ra biển lớn của các tỉnh Tây Nguyên, kết nối Hành lang Kinh tế đông-tây với tuyến đường hàng hải quốc tế… Nhằm tạo động lực thúc đẩy liên kết, phát triển vùng, khai thác hiệu quả thế mạnh của vùng cho phát triển, kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành thể chế liên kết vùng; quan tâm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, thúc đẩy liên kết phát triển trong nội vùng, liên vùng, tập trung phát huy các thế mạnh của vùng như cảng biển, đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, đất đai, tài nguyên khoáng sản.
Xin cảm ơn đồng chí!