NỖ LỰC CHĂM LO, CHUẨN BỊ TẾT CHO NHÂN DÂN
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có thông tin ban đầu về tình hình bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi thăm và tặng quà các gia đình chính sách, người nghèo, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; tham dự các sự kiện chăm lo an sinh xã hội cho người dân như: Tết nhân ái, Tết sum vầy - Xuân chia sẻ, Ngày hội công nhân, Chợ Tết công đoàn, Xuân biên cương,…
Ngày 23/11/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 26-CT/TW về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công điện số 03/CĐ-TTg ngày 14/1/2024 gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Trên cơ sở đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 5601/LĐTBXH-VP ngày 28/12/2023 về việc tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội, an toàn trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; Công điện số 01/CĐ-LĐTBXH ngày 12/1/2024 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức triển khai, chi trả trợ cấp an sinh xã hội đến đối tượng hưởng chính sách đã có tài khoản trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và trong năm 2024.
Các địa phương đã ban hành nhiều văn bản của Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo, triển khai công tác an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Thực hiện Chương trình số 131-CTr/TW ngày 5/1/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi thăm và tặng quà các gia đình chính sách, người nghèo, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; tham dự các sự kiện chăm lo an sinh xã hội cho người dân như: Tết nhân ái, Tết sum vầy - Xuân chia sẻ, Ngày hội công nhân, Chợ Tết công đoàn, Xuân biên cương,…
Các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các cơ quan Trung ương yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2024 và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết.
GẦN 2.700 TỶ ĐỒNG HỖ TRỢ, TẶNG QUÀ TẾT CHO NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ THÂN NHÂN
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, tổng các nguồn kinh phí hỗ trợ, tặng quà Tết cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là khoảng 2.693 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 26/12/2023, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 1583/QĐ-CTN về việc tặng quà cho một số đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tổng các nguồn kinh phí hỗ trợ, tặng quà Tết cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là khoảng 2.693 tỷ đồng.
Theo đó, trong dịp này, Chủ tịch nước tặng quà cho 1.468.420 đối tượng với tổng kinh phí là gần 450 tỷ. Tùy thuộc vào đối tượng cụ thể, có hai mức quà tặng là 600.000 đồng/đối tượng và 300.000 đồng/đối tượng.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Công văn hướng dẫn các địa phương về việc tổ chức thực hiện tặng quà của Chủ tịch nước cho người có công với cách mạng bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.
Chính quyền địa phương các cấp cũng tích cực, chủ động bố trí ngân sách hoặc vận động nguồn lực xã hội tặng quà tết cho người có công với cách mạng.
Cụ thể như: Thành phố Hồ Chí Minh đã tặng quà cho 381.041 lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 432,6 tỷ đồng; Hà Nội đã tặng quà cho 314.568 lượt đối tượng với tổng kinh phí hơn 253,2 tỷ đồng; Quảng Ninh tặng quà cho 226.877 lượt đối tượng với tổng kinh phí 116,2 tỷ đồng…
TẾT CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG KHÓ KHĂN, BẢO TRỢ XÃ HỘI, HỘ NGHÈO VÀ TRẺ EM ĐẶC BIỆT
Tính đến ngày 6/2/2024, đã có 18 tỉnh gặp khó khăn về nguồn lực đề nghị Trung ương hỗ trợ 13.690,245 tấn gạo cứu đói cho 136.765 hộ với 849.127 nhân khẩu. Trong đó, hỗ trợ cứu đói Tết: 10.401 tấn gạo cho 693.400 nhân khẩu; hỗ trợ cứu đói giáp hạt: 3.289,245 tấn gạo cho 155.727 nhân khẩu.
Các địa phương đề nghị hỗ trợ là: Sóc Trăng, Cao Bằng, Bình Định, Gia Lai, Nghệ An, Bạc Liêu, Đăk Nông, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Bình Phước, Hà Giang, Kon Tum, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Kiên Giang, An Giang, Lạng Sơn và Tây Ninh.
Trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp Bộ Tài chính rà soát, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 quyết định hỗ trợ 10.401 tấn gạo cứu đói Tết và gần 2.336 tấn gạo cứu đói giáp hạt cho người dân.
Với nhóm các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 134/QĐ-LĐTBXH ngày 31/1/2024 về việc công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 để làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và các chính sách kinh tế-xã hội năm 2024.
Thực hiện hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các địa phương đã xây dựng Kế hoạch triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trong đó tập trung vào các nội dung: tặng quà cho các đối tượng chính sách, các hộ gia đình nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn. Mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương phổ biến là từ 300.000-500.000 đồng/đối tượng.
Một số địa phương đã bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ ở mức cao hơn. Các món quà Tết dù về vật chất chưa phải thực sự lớn nhưng mang đầy ý nghĩa, giá trị về tinh thần, là sự sẻ chia kịp thời của chính quyền, cộng đồng và xã hội, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo không để ai bị bỏ lại phía sau, không để người dân nào không có Tết.
Các địa phương đã hỗ trợ, tặng quà tết cho 3,6 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và chúc thọ, mừng thọ hơn 1 triệu người cao tuổi. Đồng thời, thực hiện việc chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng theo đúng quy định; tránh để xảy ra sai sót trong quá trình chi trả và chậm trễ thời gian chi trả trợ cấp cho đối tượng.
Cùng với việc tặng quà, hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng, các địa phương đã bố trí thêm nguồn lực để tăng định mức ăn cho các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng trong suốt dịp Tết; bồi dưỡng, động viên cho cán bộ trực tiếp làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng.
Các địa phương đã hỗ trợ, tặng quà tết cho 3,6 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và chúc thọ, mừng thọ hơn 1 triệu người cao tuổi.
Ngoài nguồn lực từ ngân sách các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp cũng có nhiều hoạt động trợ giúp người nghèo ăn Tết. Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 830/KH-MTTW-BTT ngày 14/12/2023 về việc phối hợp thăm và tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã trích từ Quỹ "Vì người nghèo" các cấp và chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trực tiếp đi thăm, tặng quà tết cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Cũng trong dịp Tết năm 2024, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ 4.820 trẻ em tại các địa phương với số tiền hơn 3 tỷ đồng. 63 tỉnh, thành phố tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết cho khoảng 555.747 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo với tổng kinh phí hơn 811,7 tỷ đồng.
Khoảng 1,59 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ, tặng quà Tết với tổng trị giá hơn 867,1 tỷ đồng. Hơn 1,31 triệu đối tượng bảo trợ xã hội được tặng quà Tết với tổng kinh phí 610,8 tỷ đồng. Hơn 1,07 triệu lượt người cao tuổi được tặng quà Tết với trị giá hơn 596,7 tỷ đồng.
Thông tin nhanh từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, các địa phương trong toàn quốc đã tặng quà Tết, hỗ trợ hơn 11,81 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí hơn 7.153,1 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương là 652,9 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 4.743,6 tỷ đồng; kinh phí vận động xã hội hóa là 1.756,5 tỷ đồng.
Nhìn chung, công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đã được thực hiện hiệu quả, vui tươi, đầm ấm, thiết thực.
Từ kết quả tích cực trên, cơ quan này cũng có một số đề xuất, kiến nghị cụ thể trong công tác bảo đảm an sinh xã hội trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Trước hết, đề nghị tăng cường phối hợp công tác và trao đổi thông tin đầy đủ, kịp thời giữa các cơ quan trung ương (Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam,…) với các bộ, ngành địa phương có liên quan trong công tác xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm an sinh xã hội, tổ chức các chương trình của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm hỏi, tặng quà Tết cho nhân dân các địa phương.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong việc báo cáo, tổng hợp tình hình, kết quả tổ chức các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm.
Thêm vào đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hơn trong việc rà soát, tham mưu để trình Thủ tướng Chính phủ ký các quyết định phê duyệt hỗ trợ gạo cho người dân để kịp thời chuyển đến người dân trước dịp Tết Nguyên đán.