Chiều 7/10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức toạ đàm trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, sáng kiến tiêu biểu với chủ đề “Vượt khó, sáng tạo - nâng cao năng suất lao động”.
Chương trình đã được các cấp công đoàn triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa đạng, phù hợp với từng loại hình ngành, nghề, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia.
Chương trình 1 triệu sáng kiến được phát động trong bối cảnh kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đời sống, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, chỉ sau 10 tháng phát động, với sự vào cuộc trách nhiệm, nỗ lực quyết tâm cao của các cấp công đoàn, hưởng ứng tích cực của đoàn viên, công nhân viên chức lao động cả nước, chương trình đã hoàn thành chỉ tiêu 1 triệu sáng kiến, sớm 332 ngày so với kế hoạch đề ra.
Đại biểu tham gia thảo luận. |
Đã có có 59/82 đơn vị đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu chương trình, trong đó, có nhiều đơn vị có tỷ lệ vượt chỉ tiêu cao.
Tính đến 24h00 ngày 31/8, đã có hơn 2,4 triệu sáng kiến gửi tham gia chương trình, trong đó hơn 2 triệu sáng kiến hợp lệ được phê duyệt (đạt 203% chỉ tiêu kế hoạch đề ra). Theo thống kê của hệ thống phần mềm trực tuyến, tổng giá trị làm lợi của sáng kiến ước tính hơn 33 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đánh giá cao những công nhân viên chức lao động - những người trực tiếp có những sáng kiến, sáng tạo tham gia chương trình.
Nhiều con số làm lợi của các sáng kiến, sáng tạo rất có ý nghĩa. Có sáng kiến làm lợi hơn 500 tỷ đồng, nhiều sáng kiến làm lợi trên 100 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải, một đối tượng khác góp phần quyết định sự thành công của chương trình chính là những người sử dụng lao động.
Theo đó, nhiều người sử dụng lao động đã có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời, từ đó tạo niềm tin và động lực cho người lao động.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận về một số nội dung cơ bản như: Phát huy tinh thần nghiên cứu, học tập, ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0; sự nỗ lực, phấn đấu vượt khó, sáng tạo trong từng vị trí công việc cụ thể;
Sự tham gia hưởng ứng chủ động, tích cực các phong trào thi đua do tổ chức công đoàn và doanh nghiệp phát động; động lực, nỗ lực vượt khó để xây dựng ý tưởng, sáng kiến góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, các đại biểu còn chia sẻ vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở và chủ doanh nghiệp trong việc triển khai ý tưởng, ứng dụng sáng kiến; kết quả và sự lan tỏa tinh thần thi đua yêu nước, hỗ trợ đồng nghiệp tại các đơn vị, doanh nghiệp; sức lan tỏa phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo thông qua tổ chức các giải thưởng tôn vinh công nhân lao động…
Những kinh nghiệm được các đại biểu trao đổi, chia sẻ tại buổi tọa đàm chính là động lực khơi dậy sức sáng tạo, niềm say mê lao động sản xuất, góp phần xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo để ngày càng có nhiều nhân tài, nhiều công nhân giỏi, kỹ sư, kỹ thuật viên ưu tú đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.