Sự kiện có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý của các bộ, ban, ngành như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông…, các thành phố mong muốn tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN); các chuyên gia trong nước, quốc tế và đông đảo nghệ sĩ, cũng như các hiệp hội, nhà hát, bảo tàng, hãng phim..., các cá nhân và đơn vị đang hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo tại Việt Nam.
Đây là hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động hợp tác nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác văn hóa, kinh tế sáng tạo, thể thao và du lịch giữa Bộ và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) mà Netflix là thành viên.
TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho biết, sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, bảo đảm sự tiếp cận cho tất cả mọi người. Mặt khác, việc chuyển đổi số, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức như vấn đề bản quyền tác giả, mất an toàn, an ninh mạng, tác động trực tiếp đến quyền và sinh kế của những người thực hành văn hóa, nhà sáng tạo.
“Thông qua Hội thảo này, chúng tôi mong muốn tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia nghiên cứu, người thực hành văn hóa, nghệ thuật… trao đổi về bối cảnh trong nước, quốc tế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số, phân tích các cơ hội, thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt, lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo đáp ứng nhu cầu người làm sáng tạo và xu thế số hóa hiện nay”, TS Nguyễn Phương Hòa nói.
Một trong những điểm nhấn của Hội thảo là việc công bố kết quả nghiên cứu về thực trạng phát triển chính sách các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số tại Việt Nam. Nhóm tác giả gồm các chuyên gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp cho người nghe một cái nhìn khá toàn diện và chi tiết gồm hệ thống chính sách vĩ mô, các chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng số, các chính sách về văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa nói chung và các chính sách riêng cho từng ngành công nghiệp văn hóa nói riêng. Từ đây, các chuyên gia đã đưa ra đánh giá về thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức cho các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong môi trường số, đồng thời đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa nước nhà trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trên cơ sở nghiên cứu này, hội thảo tiếp tục với hai phiên thảo luận.
Các diễn giả thảo luận trong phiên 1. |
Phiên thứ nhất do nhà báo Trương Uyên Ly – Giám đốc Hanoi Grapevine điều phối tập trung tìm hiểu về những cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam dưới góc nhìn của những người trực tiếp “thực hành” nghệ thuật. Các diễn giả đến từ các ngành nghề sáng tạo, đại diện cho các khu vực kinh tế khác nhau như cơ quan Nhà nước (TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), tập đoàn nước ngoài có đại diện tại Việt Nam (ông Trần Thăng Long – Universal Music Việt Nam) hay doanh nghiệp tư nhân trong nước (bà Lê Quỳnh Như - DeeDee Animation Studio)… đã chia sẻ về những trải nghiệm, trăn trở của bản thân, cơ quan, doanh nghiệp mình đại diện khi cố gắng thích nghi và phát triển hoạt động trong môi trường số.
Các diễn giả thảo luận trong phiên 2. |
Phiên thứ 2 có chủ đề “Chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số tại Việt Nam” do bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế điều phối với các diễn giả là đại diện những quản lý, tư vấn, hoạch định chính sách văn hóa như PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), Ths. Hoàng Long Huy (Cục Bản quyền tác giả)…