Sáng ngày 28-11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp UBND quận Tây Hồ tổ chức Phiên giao dịch việc làm (GDVL) lưu động quận Tây Hồ năm 2020.
Phiên GDVL này là cơ hội thuận lợi cho người lao động nói chung và lao động bị nghỉ việc, giãn việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nói riêng, đặc biệt là các bạn thanh niên, sinh viên năm cuối khi được tiếp cận và tham gia vào thị trường lao động (TTLĐ), được tiếp xúc trực tiếp với các nhà tuyển dụng để lựa chọn những công việc phù hợp với trình độ, khả năng của bản thân; được tham gia tư vấn việc làm, tư vấn hướng nghiệp, chính sách pháp luật và cung cấp thông tin TTLĐ.
Trong số hơn 1.200 chỉ tiêu tuyển dụng, có 300 vị trí việc làm dành cho lao động phổ thông không qua đào tạo như: công nhân may mặc; công nhân hàn, thợ cơ khí, nhân viên giao nhận hàng, nhân viên bếp, nhân viên bán hàng, nhân viên bán vé máy bay, nhân viên bán ô-tô, nhân viên môi giới bất động sản, bảo vệ… 150 vị trí dành cho lao động đã qua đào tạo ở các ngành nghề như: Trưởng phòng kinh doanh, Trưởng phòng marketing, quản lý kinh doanh, nhân viên kinh doanh, nhân viên thiết kế nội thất, nhân viên bán hàng, điều dưỡng viên, kế toán, kế toán tổng hợp, giáo viên tiếng Anh, giáo viên giáo dục thể chất, kỹ năng sống, nhân viên kỹ thuật, sửa chữa ô-tô…
Đặc biệt, có 500 chỉ tiêu xuất khẩu lao động, du học tại Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc. Mức lương bình quân từ 7 đến 12 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra còn có một số doanh nghiệp có mức lương từ 15 triệu đồng - 20 triệu đồng/tháng.
Phát biểu tại phiên giao dịch, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân nhấn mạnh, theo định hướng phát triển của Thủ đô, quận Tây Hồ thuộc khu vực phát triển của Thành phố trung tâm. Với vị trí đó, Tây Hồ có điều kiện đặc biệt thuận lợi thu hút các nguồn lực (bao gồm cả nguồn vốn tài chính, nguồn nhân lực và khoa học công nghệ) để thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của quận nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung. Vì vậy, vấn đề giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn quận, trong thời điểm này là một trong những nội dung cần hết sức quan tâm.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho biết, quận Tây Hồ có gần 165.000 người. Số người trong độ tuổi lao động chiếm hơn 50% dân số với 87.000 nghìn người. Trong đó, số lao động chưa có việc làm, có nhu cầu tìm việc lớn, gần 6.000 lao động.
Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, mạnh trên địa bàn, thực trạng nông dân ở các phường bị thu hồi đất, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Tỷ lệ người lao động có nhu cầu tìm việc, chuyển đổi việc làm ngày càng gia tăng. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất - kinh doanh, nhiều người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập, khó khăn trong cuộc sống. 50 doanh nghiệp với 900 lao động có giao kết hợp đồng lao động phải làm thủ tục xin tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Số lao động tự do bị mất việc đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết 42/CP là hơn 5.200 người. Điều này tạo sức ép lớn về cung cầu lao động.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác dạy nghề, hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, trong những năm qua UBND quận đã lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, ngành chức năng, UBND các phường tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lao động, việc làm trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử, bản tin nội bộ quận, đài phát thanh, tuyên truyền trực quan. Thông qua các hoạt động, các buổi sinh hoạt của các đoàn thể chính trị xã hội, các tổ dân phố, mở các hội nghị tư vấn hướng nghiệp, lớp dạy nghề ngắn hạn miễn phí, phiên giao dịch việc làm; điều tra cập nhật biến động cung cầu lao động: vay vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội…
Nhờ đó, mỗi năm, quận Tây Hồ đã có hơn 5.400 người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ với các ngành, nghề như: bán hàng, tiếp thị, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ điện, nước, kế toán, tài chính, chăm sóc người già, trẻ em...