Hà Nội tập trung triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi)

Sáng 4/7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã bế mạc kỳ họp thứ 17, khóa 16. Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân thành phố đã xem xét, thông qua 17 báo cáo và 21 nghị quyết chuyên đề.

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 17.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 17.

Tham dự phiên bế mạc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

21 nghị quyết được thông qua đã quyết nghị những nội dung quan trọng, thiết thực; những định hướng, cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh; nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố, như: cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công; Đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt đô thị; Đề án phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh; Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quy chế quản lý kiến trúc của thành phố; quy định xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”.

Các cơ chế, chính sách, mức chi đặc thù đối với người tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các gia đình chính sách, người có công và các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô…

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, ngay sau kỳ họp, Ủy ban nhân dân thành phố, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, chủ động tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời để các nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: "Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có hơn 50 nhiệm vụ mới được phân cấp, phân quyền; với hai nhóm cơ chế chính sách, một nhóm có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và một nhóm có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Như vậy sẽ có 2 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để giải quyết những nội dung này. Đây là nội dung rất quan trọng, đề nghị các đại biểu Hội đồng nhân dân, các cơ quan Ủy ban nhân dân tập trung triển khai để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả".

Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân thành phố đã biểu quyết thông qua nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, thu, chi ngân sách những tháng cuối năm 2024, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung: bảo đảm tăng trưởng ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tập trung xây dựng pháp luật, cải cách thể chế, ban hành cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế xã hội; tổ chức triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi) và đồ án Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để sớm phát huy hiệu quả đi vào cuộc sống, đặc biệt là triển khai ngay các nội dung Luật Thủ đô sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 28/6 vừa qua.

Hiện, Ủy ban nhân dân thành phố, Hội đồng nhân dân thành phố đang tập trung để báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy để triển khai sớm, hiệu quả, nội dung này.