Trung tá Lý A Tung nở nụ cười với những người ngày trước tham gia vụ tụ tập đông người. Hiện tại, tất cả đang đồng lòng xây dựng quê hương.
Trung tá Lý A Tung nở nụ cười với những người ngày trước tham gia vụ tụ tập đông người. Hiện tại, tất cả đang đồng lòng xây dựng quê hương.

Khi công an chính quy về xã, bản:

Hồi sinh trên đất cũ Huổi Khon

NDO - Năm 2011, bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé nổi lên là một "điểm nóng" với hàng nghìn người dân tộc H'Mông từ khắp nơi đổ về đòi thành lập “Nhà nước Mông”. Giờ đây, nhờ sự chung tay của các cấp ủy, chính quyền và các lực lượng vũ trang, trong đó nòng cốt là các cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, bản cũ đã trở nên thanh bình.

Những năm qua, với chủ trương đưa công an chính quy về xã của Bộ Công an, lực lượng công an chính quy trên cả nước đã nỗ lực bám địa bàn, phát huy tốt vai trò là chỗ dựa tin cậy của quần chúng nhân dân, giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự; đồng thời xử lý nhiều vụ việc, cảm hóa nhiều đối tượng lầm lỡ nhằm từng bước chuyển hóa địa bàn trọng điểm và khẳng định được hiệu quả mô hình công an xã chính quy, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Tại hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc ngày 3/6/2022, theo số liệu báo cáo Công an các địa phương đã quyết liệt, bài bản, khoa học trong việc điều động, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã. Đến nay, Công an 63/63 địa phương đã điều động hơn 48.000 cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 100% xã, thị trấn trên toàn quốc.

Trong những ngày cuối năm Quý Mão, nhóm phóng viên Báo Nhân Dân đã có chuyến đi thực tế tại các huyện vùng biên tỉnh Điện Biên để ghi nhận hiệu quả từ quyết sách đúng đắn này.

Nhắc đến bản Huổi Khon, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé), nhiều người vẫn chưa quên, vì nơi đây đã từng là điểm nóng với sự kiện tụ tập khoảng 7.000 người đòi thành lập “Nhà nước Mông” vào năm 2011.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên, đặc biệt là lực lượng công an chính quy, bản Huổi Khon nay đã yên bình trở lại.

KÝ ỨC CŨ Ở HUỔI KHON

Ngược dòng thời gian trở về 13 năm trước, một số đối tượng, cầm đầu là Vàng A Ía, Thào A Lù, Giàng A Tỉnh đã chủ trương lợi dụng mê tín dị đoan, thần quyền để cầu nguyện đã tuyên truyền xuyên tạc, lừa bịp, kêu gọi, tập hợp lực lượng, tổ chức đón “vua Mông,” lập “Vương quốc Mông”.

Luận điệu của các đối tượng là bà con cứ yên tâm đến Huổi Khon, sẽ có thế lực siêu nhiên xuất hiện, dùng… đám mây bốc tất cả đến một nơi ấm no, hạnh phúc. Chưa hết, đám đối tượng Vàng A Ía còn hù dọa, đến ngày 21/5/2011 cả thế giới sẽ chìm ngập trong trận đại hồng thủy trừ… vùng đất hứa.

Do ảnh hưởng của các luận điệu trên, những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2011, bà con người H'Mông từ khắp nơi trong cả nước, gần thì Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng… xa thì tận Gia Lai, Đắk Lắk… dắt díu nhau về với niềm tin ngây thơ và phù phiếm: Đón vua ra. Khu vực ngã ba Huổi Khon nơi chúng tôi đang đứng lúc này khi ấy mọc lên hàng trăm lán trại dựng tạm bợ.

Thào A Gia, trưởng bản Huổi Khon 2 bây giờ vẫn chưa thể quên được những ngày tháng ấy. Vốn dĩ bản nhỏ chỉ có 97 hộ dân, 568 nhân khẩu trong một vài ngày đã tăng lên gấp hàng chục, hàng trăm lần. Lời đồn rỉ tai nhau lan xa khắp nương rẫy rằng: Vua sẽ giáng trần để đưa bà con tới miền cực lạc. Ở đó, không cần làm lụng gì mà vẫn có rượu thịt thoải mái quanh năm.

Hồi sinh trên đất cũ Huổi Khon ảnh 1

Trưởng bản Thào A Gia không thể quên được những ngày tháng 5/2011. Anh bảo, đất hứa thì chưa thấy đâu mà khổ đau đã kéo tới.

Người H'Mông, tin theo lời lừa phỉnh bỏ lại sau lưng những mảnh đồi vốn hàng trăm năm thấm mặn mồ hôi, bỏ lại ruộng nương đang vào mùa cày ải. Cả những mái nhà, xóm làng cũng không đủ sức níu chân và niềm tin của họ trước những tin đồn xằng bậy, vu vơ và đầy hiểm độc..

Không phải ngoại lệ, Thào A Gia hơn 10 năm trước cũng tham gia vụ việc tụ tập đông người. A Gia bảo, đổi đời thì chưa thấy đâu, nhưng cực khổ thì… ngay lập tức xuất hiện. Bà con H’Mông vốn có nhà cửa khi vào Huổi Khon rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất. Người đông, đồ ăn thức uống không đủ nên vừa đói vừa rét. Dịch vụ y tế, các tiện ích cơ bản như điện chiếu sáng gần như bằng 0. Con đường độc đạo dẫn vào bản bị phong toả bởi các chốt gác trái phép với tuyên bố “đường chỉ dành cho… vua vi hành”. Người dân sở tại muốn lên nương cũng không thể được. Bệnh tật và cả cái chết bất thình lình ập đến, bủa vây Huổi Khon những ngày hè năm 2011.

Nhà của bà Vàng Thị Pâu, 60 tuổi nằm ngay đầu dốc dẫn vào bản. Đây vốn là địa điểm tập trung đông người, gần “trạm phát thanh” ngày trước. Ngồi lặng im bên bếp lửa đang lép bép cháy, bà nhớ lại: Giai đoạn ấy, bà chỉ biết có rất đông người kéo về, rồi họ quây kín chung quanh nhà, quanh vườn, thậm chí “vào cả nhà tôi để họp bàn”. Người phụ nữ gần 1 đời chỉ biết nương rẫy khi ấy, cũng nấu cơm, đun nước, mổ lợn thết đãi đồng bào mình một cách ngây thơ.

Hồi sinh trên đất cũ Huổi Khon ảnh 2

Bà Vàng Thị Pâu bên 2 cháu nội của mình. Gần Tết, đám trẻ vùng cao đã diện áo quần mới chuẩn bị chờ năm mới. Chúng không hề biết vùng đất này đã từng một thời là điểm nóng của cả tỉnh Điện Biên.

Giàng A Dơ lại là một trường hợp khác. Dơ không biết chữ, nên thậm chí không biết luôn mình năm nay bao nhiêu tuổi. Thế nhưng, khi vụ tụ tập đông người năm 2011 diễn ra, Dơ là một thành viên khá tích cực. Dơ kể: Một ngày nọ, bỗng dưng có một nhóm người lạ mặt tới nhà. Họ chôn nhiều can xăng xuống vườn nhà, kéo máy xát lúa tới. Hằng ngày, họ bật loa đài hát hò, cầu nguyện. Dơ phân bua bản thân “bị ép tham gia” và có nấu ăn cho các đối tượng xấu.

Hôm nay, nhắc lại sự việc đã qua, cả trưởng bản A Gia, A Dơ lẫn bà Pâu đều ngẩn người ra, bảo không hiểu vì sao ngày đó mình lại tin theo những lời sai trái ấy.

Theo báo cáo tổng kết của công an tỉnh Điện Biên, trong thời gian từ tháng 4 tới tháng 5/2011, các đối tượng do Vàng A Ía, Thào A Lù, Giàng A Tỉnh cầm đầu đã chỉ đạo dựng khoảng 300 lều, lán để ở, lập barie bố trí canh gác không cho người lạ vào bản.

Hồi sinh trên đất cũ Huổi Khon ảnh 3

"Đầu bếp" Giàng A Dơ kể lại chuyện xưa với Trung tá Lý A Tung.

Trung tuần tháng 4/2011 đã có khoảng 7.000 người tụ tập về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, gây sức ép với chính quyền địa phương, đòi giao đất và tiến hành các hoạt động gây bất ổn an ninh chính trị tại địa bàn. Một số đối tượng cực đoan, quá khích còn bắt giữ 16 cán bộ quân đội và cấp uỷ, chính quyền cơ sở khi tới công tác tại bản.

Các đối tượng trên địa bàn rất manh động, liều lĩnh, nguy hiểm: Chuẩn bị vũ trang, tập võ, tập bắn, mua vũ khí, đồng thời móc nối với các đối tượng ở nước ngoài thông báo tình hình, tìm hiểu về hoạt động lập “vương quốc Mông”, đề nghị tài trợ, cử người hướng dẫn hoạt động; lén lút nhóm họp và chuẩn bị các điều kiện, phương tiện phục vụ cho việc lập “vương quốc Mông”.

XUÂN MỚI TRÊN BẢN XƯA

Là người trực tiếp tham gia xử lý điểm nóng năm 2011, Trung tá Lý A Tung (hiện công tác tại Công an huyện Mường Nhé, Điện Biên) vẫn chưa thể quên những gì đã diễn ra. Năm 2006, trước thực trạng an ninh trật tự tại xã Nậm Kè diễn biến phức tạp, Công an huyện Mường Nhé đã điều động anh về đảm đương Trưởng Công an xã Nậm Kè. Tới năm 2009, khi Nậm Kè chia tách với Pá Mỳ, anh lại được điều chuyển sang làm Trưởng Công an xã Pá Mỳ. Chỉ 2 năm sau, vụ tụ tập đông người tại Huổi Khon diễn ra.

Trung tá Lý A Tung nhớ lại: Trong suốt nhiều tuần lễ, hàng nghìn người đã tụ tập tại Huổi Khon. Sở dĩ nhóm cầm đầu lựa chọn khu vực này là muốn lợi dụng vị trí xung yếu của bản là nơi giáp với các xã Pá Mỳ và Na Cô Sa; từ Huổi Khon có thể quan sát được khu vực trung tâm xã Nậm Kè và Ðồn Biên phòng 411... Ðó là những yếu tố mà nhóm cầm đầu đã tính toán kỹ, trước khi có cuộc tụ tập dân chúng bất hợp pháp.

Ngay khi hiện tượng tụ tập đông người trái phép xảy ra, Công an tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, các ngành chức năng của tỉnh Điện Biên tổ chức tiếp cận, tác động tư tưởng người dân; vạch trần âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu; kiên trì vận động nhân dân trở về nơi cư trú… nhưng tình hình ngày càng phức tạp hơn, buộc phải tính đến phương án khác. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an và tỉnh Điện Biên phải giải quyết xong “điểm nóng Mường Nhé” trước 7/5, ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hồi sinh trên đất cũ Huổi Khon ảnh 5

Người dân rời Huổi Khon trở về quê cũ. (Ảnh tư liệu)

Lực lượng Công an đã phối hợp các đơn vị chức năng tiến hành giải tỏa sự việc tại bản Huổi Khon. Kết quả, cơ quan chức năng đã bắt giữ 127 đối tượng có hành vi cản trở người thi hành công vụ, thu được nhiều quả nổ tự chế, súng kíp, bao đựng thuốc nổ, đạn, súng AK, cung nỏ, dao kiếm, hàng chục tấn lương thực, máy xát, máy phát điện.

Qua đấu tranh, lực lượng Công an xác định làm rõ vai trò, vị trí của từng đối tượng trong tổ chức và âm mưu, thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng; đã khởi tố, bắt giam những đối tượng cầm đầu, tích cực hoạt động với các tội danh khác nhau. Đồng thời đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp và các lực lượng đứng chân trên địa bàn mở đợt tấn công chính trị, kiểm điểm giáo dục răn đe 21 đối tượng hoạt động lập "Vương quốc Mông", tổ chức 52 buổi họp dân ở tất cả 14/14 bản, với 3.622 lượt người tham gia để tuyên truyền chính sách đại đoàn kết dân tộc, các quy định của pháp luật và âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng xấu; tranh thủ 254 lượt người có uy tín tham gia vào công tác vận động quần chúng, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn.

13 năm sau, dẫn chúng tôi trở lại Huổi Khon, Trung tá Lý A Tung vẫn còn nhớ rõ từng con dốc, ngọn đồi nơi đây. Bản cũ nay đã khoác lên mình màu áo mới sau tháng ngày giông bão. Những dấu vết xưa kia chỉ còn rất mờ nhạt. Ngay ngã 3 dẫn xuống 2 thôn, căn nhà cũ vốn dùng để đặt “trạm phát thanh” và nhà hội họp đã ấm hơi người. Trạm kiểm soát của đồn biên phòng Nậm Kè được đặt án ngữ ngay phía ngoài.

Hồi sinh trên đất cũ Huổi Khon ảnh 6

Trung tá Lý A Tung nhớ từng triền dốc, ngọn đồi tại Huổi Khon. Vị trí anh đang đứng trước đây chính là khu vực tụ tập đông người, nơi đặt "trạm phát thanh" của các đối tượng.

Giờ đây, các tuyến đường dẫn vào bản đều được đầu tư rải cấp phối, hai bên đường, những ngôi nhà mới khang trang cũng đang được dựng. Triền đồi trọc “lố nhố” những lều trại khi xưa được phủ xanh. Cách đó không xa, trường học đã mọc lên, với tiếng trẻ ê a đánh vần, tiếng cười đùa trong vắt tan nhanh vào sương mù buổi chiều cuối năm.

“Đầu bếp” Giàng A Dơ chở tôi ngược con dốc dựng đứng để lên thăm căn nhà mới vừa được tỉnh Điện Biên trao tặng mới đây nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. A Dơ đã rời mảnh đất cũ ven suối vốn chôn đầy xăng năm nào, bỏ lại ký ức buồn sau lưng để lên trên cao hơn sinh sống. Bức tường bên ngoài, Dơ trang trọng treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cắm lá cờ Tổ quốc. Phía trái hiên nhà, một chiếc máy xát mới đang nằm im lìm sau vụ lúa mới.

“Cựu bếp trưởng” bảo: Nhà anh còn có 2 con trâu đang thả tự do ở đồi xa. Con trai cả học cấp 3 ngoài huyện. Thế hệ tiếp theo của anh sẽ có con chữ để tránh những sai lầm như cha, anh chúng đã từng. "So với trước kia, đời sống đã ổn định, khấm khá hơn nhiều rồi. Giờ chúng tôi chỉ mong bình yên để tập trung làm ăn, theo Đảng, theo Nhà nước".

Hồi sinh trên đất cũ Huổi Khon ảnh 7

"Bếp trưởng" Giàng A Dơ, sau 13 năm, đã có một căn nhà khang trang. Phía trước, anh treo ảnh Bác, cờ Tổ quốc một cách nghiêm trang...

Trong khi đó, trưởng bản Thào A Da thì hớn hở khoe: Hôm nay, cuộc sống của đồng bào tại Huổi Khon nói riêng, Nậm Kè nói chung đang ngày càng tốt lên nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Điện, đường, trường, trạm được dựng xây đủ đầy. Nhiều hộ được Bộ Công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cấp, ngành hỗ trợ làm nhà vững chãi. Người dân bản cũng chủ động cấy lúa, làm ngô, trồng chít hay chăn con trâu, con lợn chứ không còn trông chờ vào những thế lực siêu nhiên mà kẻ xấu tuyên truyền nữa.

“Chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất gieo trồng nên không lo đói. Trong bản hầu như nhà nào cũng được hỗ trợ trâu sinh sản để phát triển chăn nuôi. Từ con giống được hỗ trợ, đến nay nhiều hộ còn nhân rộng được đàn gia súc. Nhà tôi đến nay cũng đã có tới 3 con trâu rồi”, Thào A Gia thả một hơi thuốc lào nhẹ bẫng vào thinh không, thủng thẳng cười và nói.

Tết này, theo đúng như phong tục người H'Mông, Thào A Gia sẽ thịt một con lợn to đang nuôi trong nhà và mời tất cả cán bộ xã, mời cả Trung tá Lý A Tung đến chung vui cùng. Đất cũ Huổi Khon đã bình yên trở lại…

Hồi sinh trên đất cũ Huổi Khon ảnh 8

Đến lượt mình, thế hệ tiếp theo tại bản Huổi Khon đang tiếp tục lớn lên, chung sức để phát triển mảnh đất biên cương này...

(Còn tiếp)

back to top