Những năm qua, với chủ trương đưa công an chính quy về xã của Bộ Công an, lực lượng công an chính quy trên cả nước đã nỗ lực bám địa bàn, phát huy tốt vai trò là chỗ dựa tin cậy của quần chúng nhân dân, giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự; đồng thời xử lý nhiều vụ việc, cảm hóa nhiều đối tượng lầm lỡ nhằm từng bước chuyển hóa địa bàn trọng điểm và khẳng định được hiệu quả mô hình công an xã chính quy, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân. Tại hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc ngày 3/6/2022, theo số liệu báo cáo Công an các địa phương đã quyết liệt, bài bản, khoa học trong việc điều động, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã. Đến nay, Công an 63/63 địa phương đã điều động hơn 48.000 cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 100% xã, thị trấn trên toàn quốc. Trong những ngày cuối năm Quý Mão, nhóm phóng viên Báo Nhân Dân đã có chuyến đi thực tế tại các huyện vùng biên tỉnh Điện Biên để ghi nhận hiệu quả từ quyết sách đúng đắn này. |
CHUYỆN XÓA SỔ CÂY THUỐC PHIỆN Ở SÍN THẦU
Hơn hai thập kỷ trước, nhắc đến Sín Thầu, ngay cả những người năng đi nhất cũng phải rùng mình, chùn chân. Mảnh đất nằm lọt thỏm giữa rừng già tít tận ngã ba biên giới, chót cùng cực Tây Tổ quốc xa ngái và hiểm trở như một… giấc mơ.
Từ thành phố Điện Biên Phủ, vượt 200km mới tới được huyện lỵ Mường Nhé. Từ đây, người bạo dạn thì cuốn thừng, cuốn xích vào bánh xe, chằng thêm can xăng 20 lít phía sau để bắt đầu hành trình 1 ngày tròn. Mãi tới tận năm 2007, khu vực này mới có đường ô-tô chạy vào xã. Thời ấy, Sín Thầu thậm chí còn được mệnh danh là “đại bản doanh” thuốc phiện, với cái đói, cái nghèo trường kỳ đeo đẳng.
Nằm dưới chân đỉnh Khoang La San hùng vĩ, nơi đặt mốc 0 cực Tây Tổ quốc, xã Sín Thầu từng là nơi "thâm sơn, cùng thủy" của tỉnh Điện Biên. |
Ông Pờ Dần Xinh, nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch xã vẫn chưa thể quên nỗi đau mà thuốc phiện gây ra với cộng đồng. Ông kể: “Trước đây dân Sín Thầu nghiện nhiều lắm, bản nào cũng có người nghiện, cả xã có hơn 1.000 người mà hơn 120 người nghiện. Những năm 1990 Sín Thầu vẫn biệt lập, hầu như nhà ai cũng có nương thuốc phiện”.
Thuốc phiện khi ấy được người dân dùng như… cơm bữa. Chuyện mất trộm con gà, con lợn, thậm chí cả trâu bò thả trên nương, trên núi cao cũng thường xuyên xảy ra. Nương rẫy bỏ hoang, nghèo đói lẩn khuất khắp bản làng.
Bản thân có mẹ vợ là người nghiện, Pờ Dần Xinh, khi ấy là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Công an xã quyết định phải hành động. Ông mạnh dạn đăng ký với cán bộ đồn biên phòng, lãnh đạo huyện, tỉnh để đưa toàn bộ người nghiện đi cai.
Ông Pờ Dân Xinh vẫn khỏe mạnh và minh mẫn dù đã cao tuổi. Đứng trước trụ sở xã khang trang, ông hồi tưởng lại những câu chuyện... cũ tại Sín Thầu. |
“Chúng tôi đi tới từng bản một, cùng bộ đội, dân quân phá nương thuốc phiện. Vất vả lắm. Người thì khóc, người thì chửi nói chúng tôi bị ma quỷ ám. Nhưng tất cả vẫn quyết tâm, vừa phá, vừa giải thích”, ông Xinh kể.
Phá nương xong, cuộc… “tổng cai nghiện” chính thức bắt đầu. Tất cả người nghiện được tập trung và phân loại. Nhóm trên 45 tuổi, sức khỏe yếu được tập trung tại trung tâm xã cùng nhau để cai. Số còn lại hoặc lên đồn biên phòng, hoặc gùi gạo, muối, củi lên Tả Lao San khai hoang, dựng lán, làm nhà. Đồn Biên phòng hỗ trợ cán bộ quản lý quân số, cán bộ quân y và thuốc men.
Nhưng để bà con tin và nghe theo, ông Xinh đã vận động mẹ vợ là bà Pò Lò Sứ và em vợ Sừng Sừng Khai cai trước. Khi ấy, bà Sứ lúc ấy có thâm niên… 37 năm nghiện. Còn Sừng Khai “không may” vướng vào “nàng tiên nâu” khi bị bệnh mà… gia đình cúng mãi không khỏi. Thương con, mỗi lần con không khỏe, bà Sứ lại cho Khai… hút thuốc phiện. Sừng Khai khỏi bệnh, nhưng cũng không thể rời xa loại độc dược này được nữa. Của cải trong nhà dần vơi đi, như chính sức khỏe ngày càng héo mòn của người con Hà Nhì trên đỉnh trời Tây Bắc.
Cai cho Sừng Khai thì dễ vì Khai quyết tâm, từng tự đập đầu vào thành giường đến khi bật máu. Nhưng bà Sứ lại là một… ca khó. “Mẹ vợ tôi từng tuyên bố: Thà mày giết tao còn hơn bắt tao đi rồi lăn ra ốm. Nhưng chúng tôi vẫn phải làm. Sáng sáng, cùng với gia đình Sừng Khai, chúng tôi cáng mẹ từ nhà ra trung tâm xã cai nghiện, chiều lại đưa bà về. Khổ không đâu cho hết. Phải mất tới 3 lần, bà mới bỏ thành công”, ông Xinh cười nhớ lại, “Dân bản thấy thế mới dần tin theo. Nhưng cũng có nhiều người không cai nổi thì bỏ trốn sang Lào”.
Ông Pờ Dần Sinh kể lại chuyện... cai nghiện cho bà con Hà Nhì tại ngã ba biên giới. |
Trong khi đó, nhóm “trẻ hơn” lúc này đang tạm cư tại Tả Lao San xa nguồn thuốc phiện, xa dân cư. Họ cùng làm, cùng ăn và cùng nhau cai nghiện. Sau thời gian dài, họ trở về bản với sức vóc và niềm tin mới. Để ngăn chặn từ xa, chính quyền xã giao cho từng gia đình, từng cặp chồng vợ tự giám sát nhau, nếu tái nghiện phải ngay lập tức báo cáo.
Với cách làm ấy, chỉ trong vòng 2 năm 1998-1999, Sín Thầu đã sạch bóng “nàng tiên nâu”. Cũng năm đó, xã được Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu cũ, nay là Điện Biên tặng Bằng khen về mô hình cai nghiện tại cơ sở thành công. Ông Xinh bảo, sau rất lâu, “Sín Thầu mới được nghe thấy nhiều tiếng cười… trôi vào rừng như thế”.
KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT VỮNG BỀN DƯỚI CHÂN ĐỈNH KHOANG LA SAN
Giải quyết xong giặc nghiện, Sín Thầu tiếp tục bắt tay dẹp giặc dốt và đói nghèo. Từng là người Hà Nhì đầu tiên gùi gạo, đeo muối đi bộ, băng rừng hơn 200km ra Mường Tè “nhặt chữ” trong hơn 10 năm, hơn ai hết, ông Xinh hiểu tầm quan trọng của tri thức nên động viên con cháu bằng mọi giá phải đi học. Lần lượt Pờ Mỳ Lế, Pờ Chinh Phạ, Pờ Hùng Sang… lại bước trên con đường ông Xinh đã từng đi. Họ trưởng thành, quay về với các bản làng của huyện Mường Nhé giữ các trọng trách khác nhau.
Pờ Mỳ Lế, cô gái Hà Nhì đầu tiên “dám” đi học, giờ là Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu. Pờ Chinh Phạ là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Pờ Hùng Sang, con trai ông Xinh, cũng là bạn học cùng lớp Đại học với tôi, hiện làm Bí thư Đảng ủy xã Pá Mỳ.
Từ những tấm gương ấy, nhiều người thuộc các dòng họ khác nhau cũng quyết tâm vượt khó khăn tới lớp. Quan niệm rằng đi học là để… trốn lao động dần dần bị xóa bỏ khỏi tư duy cố hữu. Chưa dừng lại, ông Xinh tiếp tục vận động xin mở lớp, mở trường ngay tại xã, thành lập thư viện đầu tiên tại cực Tây; hướng dẫn nhân dân trồng lúa, nuôi cá, xây nhà mái ngói, rồi hiến đất làm đường, xây trường, xây trụ sở Ủy ban xã khang trang như bây giờ.
Sau nhiều năm, nhờ khối đại đoàn kết toàn dân, Sín Thầu đã vươn mình mạnh mẽ. Sín Thầu cũng trở thành xã đầu tiên của huyện Mường Nhé đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021. |
Nhắc chuyện cũ, ông Xinh không quên tự hào khoe: Sín Thầu là xã đầu tiên của huyện Mường Nhé đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021. Từ một xã “bốn không”: không điện, đường, trường, trạm vài thập niên trước, mảnh đất biên viễn đã trở thành xã điển hình trong phát triển kinh tế-xã hội cũng như phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trung tá Lý Xú Tư, Trưởng công an xã cho biết, trên địa Sín Thầu hiếm khi xảy ra các vụ án hình sự. Hiện, xã còn 1 đối tượng án treo, 10 người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy. Toàn bộ đều được lập hồ sơ đưa vào diện quản lý, giám sát chặt chẽ để không phát triển thêm.
[Ảnh] Một ngày của công an xã nơi cực tây Tổ quốc
Với sự đồng lòng, chung tay của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang, trong đó có công an chuyên trách, tình hình an ninh chính trị tại xã Sín Thầu tiếp tục được giữ vững và ổn định, thế trận an ninh nhân dân ngày càng củng cố, phát triển vững mạnh, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội địa phương.
Lực lượng Công an xã chính quy đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh trật tự thông qua việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ. Khi có công an chính quy về xã, bà con nhân dân yên tâm lao động, sản xuất. Bởi công an xã thường xuyên bám nắm cơ sở, giải quyết các vấn đề từ sớm dù nhỏ nhất, không để người dân bức xúc, tạo thành điểm nóng phức tạp. Các chỉ tiêu như thực hiện Ðề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; thu hồi vũ khí, vật liệu nổ đều đứng nhóm đầu toàn tỉnh.
Trung tá Lý Xú Tư, trưởng công an xã Sín Thầu khi xuống bản. |
Đặc biệt, Sín Thầu là địa bàn duy nhất của huyện Mường Nhé chưa từng xuất hiện di cư tự do hay tà đạo. Về vấn đề này, ông Pờ Dần Xinh kể, giai đoạn năm 2011, hàng nghìn người Mông từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh nghe lời dụ hoặc của các đối tượng xấu đã kéo nhau về “vùng đất hứa” Mường Nhé khiến tình hình an ninh-chính trị trở nên hết sức phức tạp. Tại các điểm di cư tự do, người dân thường bị các đối tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng truyền đạo trái pháp luật và dụ dỗ gây rối trật tự, lôi kéo người vượt biên trái phép.
“Các xã bên ngoài như Mường Toong, Chung Chải, người Mông tới rất đông. Lúc này, tôi vẫn đang trực tiếp phụ trách Ban Công an xã nên đã yêu cầu thành lập ngay các tổ an ninh, phối hợp cùng bộ đội biên phòng và dân quân tự vệ thường xuyên tuần tra, kiểm soát. Khi phát hiện bất kỳ người lạ nào vào địa bàn xã, lực lượng này sẽ yêu cầu họ phải đi ra. Lực lượng của xã sẵn sàng cưỡng chế người di cư tự do. Nếu họ giả vờ đau không đi được, anh em sẽ chặt cây, đóng bè, khiêng họ ra bằng trâu bò kéo. Bà con ai cũng tham gia, ai cũng cảnh giác nên Sín Thầu mới không có vấn đề di cư tự do hay tà đạo”, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu chia sẻ.
Công an xã Sín Thầu tham gia giúp nhân dân địa phương trong công việc hằng ngày. |
Theo Trung tá Lý Xú Tư, học tập mô hình và cách làm của những người đi trước, hiện nay, Công an xã Sín Thầu cũng đẩy mạnh việc phát huy vai trò giám sát, tự giám sát của nhân dân địa phương. Hiện nay xã Sín Thầu có 7 tổ tự quản với 21 thành viên tham gia tự quản an ninh trật tự thôn, bản và 9 hộ với 54 khẩu đang tham gia quản lý đường biên mốc quốc giới.
Bên cạnh đó, công an xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, đề nghị bà con không bán đất cho những đối tượng di cư tự do. Đối với trường hợp xuất hiện người lạ, công an sẽ phối hợp với các lực lượng kiên quyết yêu cầu họ di chuyển ra ngoài địa phận xã.
Bên cạnh công an xã, những năm qua, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải cũng đã đồng cam cộng khổ, giúp đỡ đồng bào Hà Nhì. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm, giữ vững chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đồn cũng thường xuyên triển khai các hoạt động giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xoá đói, giảm nghèo.
Điển hình như các chương trình Nâng bước em tới trường hỗ trợ 5 học sinh với mức 6 triệu đồng/em/năm; dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” giúp đỡ 33 cháu trên địa bàn với số tiền 678,1 triệu đồng. Đồn cũng triển khai mô hình “Hũ gạo chiến sĩ”, hằng tháng đơn vị tặng 25kg gạo cho các hộ nghèo cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
Lực lượng bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng A Pa Chải và công an xã Sín Thầu thực hiện tuần tra, kiểm soát. |
Theo đồng chí Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sín Thầu: Với phương châm "bốn cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), các lực lượng vũ trang trên địa bàn xã nói chung đã góp công không nhỏ để làm nên một Sín Thầu từ “bốn không” xưa kia trở thành “nhiều có”: có chủ quyền vững chắc, có điện, đường, trường, trạm, có bình yên trong từng bản làng, đường biên.
Ngồi bên cạnh, “già làng” Pờ Dần Xinh cười nhẹ bẫng. Ông bảo, thật ra, ở Sín Thầu, bộ đội biên phòng, công an chính quy, các cấp ủy đảng, chính quyền hay nhân dân từ lâu nay đã được “cố kết” thành một khối thống nhất nhờ truyền thống ông cha, tình yêu với quê hương và niềm tin với Đảng.
Ngày rời Sín Thầu, ông Pờ Dần Xinh tiễn chúng tôi ra tận đầu cầu Mo Phí và nhắn nhủ hẹn gặp lại ở trung tâm huyện Mường Nhé. Ở đó, những thế hệ tiếp theo của gia tộc họ Pờ cũng đang đêm ngày làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương, Tổ quốc. Con trai ông, anh Pờ Hùng Sang hiện là Bí thư Đảng ủy xã Pá Mỳ. Các cháu Pờ San, Pờ Xuân công tác tại các đội nghiệp vụ của Công an huyện Mường Nhé. Cháu út, Pờ Bạch Thiện sau khi tốt nghiệp cũng đang là công an xã Mường Nhé.
Trong khi đó, ở cực Tây, Tết này, Trung tá Đặng Đình Hoan, Thiếu tá Bùi Quang Khải quyết định sẽ ở lại làm nhiệm vụ. Xa nhà, xa người thân, nhưng tôi tin, tình thân và khối đại đoàn kết toàn dân ở Sín Thầu nói riêng sẽ giúp các anh cảm thấy ấm lòng hơn trên hành trình tiếp nối-hành trình đã được Ban Công an xã anh hùng ngày nào thắp lửa, trao truyền qua nhiều thế hệ đến tận hôm nay…
(Còn tiếp)