Mường Nhé phát huy hiệu quả công tác dân vận giúp xoá bỏ các "điểm nóng" về an ninh trật tự

Là địa bàn đặc thù với phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, có thời kỳ huyện biên giới Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) được nhắc tới là “điểm nóng” về tình trạng hoạt động tôn giáo trái pháp luật, phá rừng, di cư tự do. Tuy nhiên, đến nay Mường Nhé đã xóa bỏ hoàn toàn các tà đạo; an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn ổn định, nhân dân các dân tộc tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền…
0:00 / 0:00
0:00
Không kể ngày hay đêm, cứ mỗi khi người dân trên địa bàn sắp xếp được thời gian là cán bộ, chiến sĩ công an huyện Mường Nhé cùng cán bộ xã về tuyên truyền, phân tích luận điệu các tà đạo để người dân hiểu.
Không kể ngày hay đêm, cứ mỗi khi người dân trên địa bàn sắp xếp được thời gian là cán bộ, chiến sĩ công an huyện Mường Nhé cùng cán bộ xã về tuyên truyền, phân tích luận điệu các tà đạo để người dân hiểu.

Nhắc lại vụ tụ tập đông người tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè xảy ra hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2011, ông Tạ Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé thoáng trầm ngâm. Bấm đốt ngón tay, ông Sơn nói: Nhờ sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ nhiều mặt của tỉnh và các cấp, các ngành, người dân ở Huổi Khon nói riêng, xã Nậm Kè nói chung đã dần quên “việc không hay” ngày ấy. Nhưng với cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé thì sự việc Huổi Khon mãi là bài học “xương máu” trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân ở cơ sở. Từ sự việc Huổi Khon, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé phân tích, chỉ rõ nguyên nhân sâu xa là do đối tượng xấu lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo đã xúi giục, kích động những người dân kém hiểu biết, nhẹ dạ cả tin làm theo kế hoạch của chúng hòng chia rẽ đoàn kết, gây mất an ninh trật tự địa bàn.

Hiểu rõ nguyên nhân đó cho nên trong các cuộc họp thường kỳ, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé luôn nhất quán phương châm chỉ đạo xuyên suốt là phải “sát cơ sở, nắm dân, vững địa bàn”, với yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang phải sâu sát, gắn bó, đồng hành với người dân các bản, làng. Riêng Công an huyện - đơn vị chủ công trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, tuyên truyền phòng chống tà đạo phải phân công cán bộ, chiến sĩ phụ trách từng địa bàn, nắm từng khu dân cư không để kẻ xấu, người xấu thực hiện ý đồ chia rẽ kích động.

Bám sát chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, khi triển khai thực hiện các chương trình dự án: Đề án 79, chương trình làm nhà đại đoàn kết, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... tại cơ sở, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều kết hợp thông tin nội dung, ý nghĩa, phương thức thực hiện từng chương trình. Các cán bộ, chiến sĩ khéo léo đưa nội dung phòng chống tà đạo để người dân dễ nắm bắt, đề cao cảnh giác không bị lợi dụng.

Trong đợt cao điểm dịch Covid-19 hoành hành các năm trước, nhiều đối tượng theo tà đạo “Bà cô Dợ” đã lợi dụng dịch bệnh để xuyên tạc, gây hoang mang trong nhân dân, làm một bộ phận người dân tộc H’Mông lo sợ, không tiêm vắc-xin phòng bệnh. Cũng thời điểm đó, một số đối tượng theo các tà đạo khác, như: “Ân điển cứu rỗi”, “Đức chúa trời toàn năng” đã lợi dụng lôi kéo người dân ở bản Huổi Thanh (xã Nậm Kè), một nhóm người dân tộc Dao ở xã Pá Mỳ tin theo.

Nắm rõ thực trạng nêu trên, theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Nhé về việc chủ động nhận diện, đấu tranh các tà đạo đội lốt tôn giáo, các phòng, ban, tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp ủy, chính quyền các xã đã thành lập các tổ công tác về địa bàn gặp gỡ các tín đồ, chức sắc, chức việc thông tin tình hình mọi mặt; đồng thời cập nhật thông tin hoạt động của các đối tượng có ý đồ lợi dụng tôn giáo xuyên tạc chủ trương, chính sách.

Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Bùi Minh Hải, cho biết: Thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật, bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng của người dân, Mường Nhé đã và luôn chủ động đối thoại, gặp gỡ, giải đáp các ý kiến của nhân dân, tín đồ tôn giáo trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn. Với những người tin theo các tà đạo, như là “Bà cô Dợ”, “Ân điển cứu rỗi”, “Đức chúa trời toàn năng”, huyện cũng tổ chức đối thoại thẳng thắn; đồng thời phân tích, chỉ rõ luận điệu của kẻ xấu. Định kỳ hằng tháng, Thường trực Huyện ủy chủ trì họp đánh giá tình hình, kết quả đấu tranh ngăn chặn tà đạo để kịp thời rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp khắc phục khó khăn.

Là lực lượng chủ công trong vận động, đấu tranh đẩy lùi tà đạo ở địa bàn nên mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mường Nhé hiểu rõ từng khó khăn khi về cơ sở. Trung tá Vũ Văn Hưng, Trưởng Công an huyện Mường Nhé chia sẻ: Đấu tranh, đẩy lùi tà đạo vốn đã rất khó khăn song ở Mường Nhé việc đấu tranh, đẩy lùi tà đạo càng khó hơn rất nhiều. Địa bàn huyện rộng, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, dễ bị xúi giục, lợi dụng, thế nên Mường Nhé thường được các “tà đạo” hướng đến. Thống kê của cơ quan chuyên môn, từ năm 2015 trở lại đây, Mường Nhé có bốn tà đạo xâm nhập, với tổng số 528 người ở 11 xã theo.

Hầu hết số người bị ảnh hưởng tà đạo ở Mường Nhé là anh em họ hàng, người trong gia đình, dòng họ, cho nên lực lượng chức năng khó tiếp cận để tuyên truyền, giải thích. Song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp huyện, xã và sự bám nắm địa bàn của lực lượng công an xã kiên trì về từng gia đình, thậm chí về từng nương giúp người dân gieo hạt, thu hái cho nên dần dần đã gặp gỡ, tiếp xúc và thuyết phục được người theo tà đạo. Công tác đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn đạt hiệu quả, tạo thành trì vững chắc chống lại luận điệu xuyên tạc, chia rẽ.

Anh V.A.S., người dân tộc H’Mông ở bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé là một trong số hàng trăm người đã từng bỏ đạo Tin lành để theo “Bà cô Dợ”, vì tin lời ngon ngọt của các đối tượng xấu là theo “Bà cô Dợ” không làm vẫn có ăn, ốm đau không cần thuốc tự khỏi, không bị Covid-19. Khi được công an xã, bộ đội biên phòng và cán bộ xã Nậm Kè đến nhà phân tích đúng, sai thì gia đình anh và nhiều người khác trong bản Huổi Khon 2 đã nhận ra bản chất của tà đạo này. Anh V.A.S. cho biết: “Đợt dịch Covid-19, gia đình tôi được các anh công an xã, cán bộ xã, huyện hướng dẫn cách phòng bệnh; các tổ chức đoàn thể, cán bộ y tế trao thuốc, tiêm vắc-xin cho nên mọi người trong nhà, trong bản đều khỏe mạnh. Từ đó, tôi tự nguyện bỏ tà đạo trở về với cuộc sống đời thường, yên tâm sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, gia đình tôi được chính quyền xã, huyện ghi nhận là hạt nhân tích cực trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở địa phương.

Cũng tin theo tà đạo “Bà cô Dợ” như anh V.A.S., thời gian cao điểm nhất, toàn huyện Mường Nhé có 49 hộ với gần 300 người ở bảy bản thuộc bốn xã: Mường Toong, Huổi Lếch, Nậm Kè và Chung Chải đã bỏ bê việc nhà để chờ đợi được cứu rỗi, được cho tiền. Thế nhưng đến nay 100% số người theo tà đạo “Bà cô Dợ” và các tà đạo khác đều tự nguyện từ bỏ và ký cam kết không theo tà đạo, không nghe lời kẻ xấu xúi giục để yên tâm lao động, sản xuất và góp sức giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ vùng đất biên giới bình yên.

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Mường Nhé giảm xuống còn 47,3% (giảm 7,47% so với năm 2022); kết nạp được 202 đảng viên (vượt 34,7% kế hoạch); chủ quyền biên giới quốc gia, đường biên tiếp tục được giữ vững; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.