Theo Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Ngân hàng Nhà nước) Tô Huy Vũ, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu COP26 và Tuyên bố chính trị về thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam.
Theo ông Tô Huy Vũ, Việt Nam tích cực đàm phán tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động tín dụng xanh |
Trước bối cảnh yêu cầu về chống biến đổi khí hậu đã trở nên cấp thiết, với những cam kết và tuyên bố chính trị với cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đang nhanh chóng triển khai một loạt các hành động để hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, chuyển đổi năng lượng.
“Trong đó, Ngân hàng Nhà nước được giao thực hiện huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh, rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, cơ chế chính sách, chế tài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng xanh, nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh”, ông Tô Huy Vũ cho biết.
Nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của Ngân hàng Trung ương trong việc thúc đẩy tín dụng xanh và xanh hóa ngành ngân hàng, Chuyên gia Tài chính cao cấp của Ngân hàng Thế giới, ông Martijn Regelink cũng khẳng định, hiện các cơ quan chính phủ, các bộ ngành, bao gồm cả Ngân hàng Nhà nước đã và đang xây dựng kế hoạch hành động để đạt được tầm nhìn trên, tìm kiếm và huy động các nguồn lực kỹ thuật và tài trợ như một phần của quá trình này. Các công cụ “xanh” của Ngân hàng Trung ương có tiềm năng tạo điều kiện thuận lợi cho tín dụng và tài chính xanh.
Là đơn vị trực tiếp nghiên cứu và triển khai các giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh của Ngân hàng Nhà nước, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện định hướng, chiến lược phát triển tín dụng xanh; hướng dẫn hoạt động tín dụng cho các ngành/lĩnh vực xanh, quản lý rủi ro môi trường xã hội.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn hoạt động tín dụng cho các ngành/lĩnh vực xanh; ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Nhờ đó, đã có 39/129 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ xanh, đạt hơn 500.524 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4,2% dư nợ tín dụng của nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (chiếm tỷ trọng 46,7%) và nông nghiệp xanh (chiếm tỷ trọng hơn 31%).
Giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng xanh bình quân đạt gần 23%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Để tiếp tục góp phần hiện thực hóa cam kết Net Zero năm 2050, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với các mục tiêu tăng trưởng xanh; hoàn thiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành ngân hàng như hạ tầng số, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển bền vững; đào tạo để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương về ngân hàng xanh, tín dụng xanh và cán bộ thực hiện nghiệp vụ tín dụng xanh của ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế như tham gia các diễn đàn về tài chính xanh, ngân hàng xanh để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực xây dựng, hoạch định và triển khai chính sách tín dụng xanh, tài chính xanh; tích cực đàm phán tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động tín dụng xanh, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực và dự thảo điều khoản tham chiếu hỗ trợ thực hiện JETP.
“Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách tín dụng xanh và thực tiễn triển khai cũng rất cần thiết để hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, định hướng và thực hiện tốt vai trò của một Ngân hàng Trung ương trong thúc đẩy tăng trưởng”, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Tô Huy Vũ cho biết.