“Xanh hóa” nguồn vốn tín dụng ngân hàng

Tại Hội nghị COP26 Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam nói chung và hệ thống tài chính, ngân hàng Việt Nam nói riêng.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Chư Prông (Gia Lai).
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Chư Prông (Gia Lai).

Với vai trò là kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp định hướng dòng vốn tín dụng, đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của Việt Nam.

Phát triển bền vững là một loại hình phát triển mới, lồng ghép quá trình sản xuất với bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường. Để phát triển bền vững nền kinh tế, Việt Nam đã đưa ra chiến lược phát triển nền kinh tế xanh, được thể hiện rõ trong Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, hoạt động tín dụng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của Chiến lược này.

Xu hướng xanh bền vững

Con đường sản xuất theo hướng sạch, xanh đã được người chủ vườn Nguyễn Xuân Ri (tại xã Ia Kly, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) nhận thức từ rất sớm. Lớn lên từ vùng quê Hương Trà (Thừa Thiên Huế), nhưng anh Ri lại bén duyên với vùng đất Tây Nguyên từ năm 1999.

Những ngày đầu lập nghiệp, với số vốn chắt chiu từ gia đình và 30 triệu đồng vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Chư Prông, vợ chồng anh mua 2,5ha đất đầu tư trồng cây cà-phê, hồ tiêu và sầu riêng hạt truyền thống.

“Xanh hóa” nguồn vốn tín dụng ngân hàng ảnh 1

Vườn sầu riêng của hộ anh Ri (Gia Lai) được đầu tư hệ thống tưới hiện đại, áp dụng đúng quy trình tiêu chuẩn kỹ thuật nên đã được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu.

Sau đó, qua tìm hiểu và được biết đến giống sầu riêng Thái Lan có tên Monthong với nhiều ưu điểm vượt trội, hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Tây Nguyên, anh Ri đã mạnh dạn vay thêm tiền mua 200 cây giống để thay một loạt gốc cũ. Đến nay, trên tổng diện tích 12ha, vườn nhà anh có hàng nghìn gốc cà-phê, hồ tiêu, và 1.500 gốc sầu riêng.

Riêng năm 2022, vườn sầu riêng đã cho thu hoạch hơn 120 tấn, trừ chi phí gia đình anh còn lãi khoảng 3 tỷ đồng.

Điều đáng nói, một trong những “bí quyết” thành công của anh Ri nằm ở khâu chăm sóc kỹ thuật khi từ sớm anh đã đầu tư bài bản cho hệ thống tưới và thuê một đội ngũ kỹ thuật viên để hướng dẫn cách chăm sóc. Nhờ định hướng sản xuất sạch, thân thiện với môi trường ngay từ ban đầu, cho nên vườn nhà anh Ri đã được cấp mã vùng và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Không riêng với anh Nguyễn Xuân Ri, nhiều nhà vườn trên đất Tây Nguyên hôm nay đã lựa chọn các mô hình kinh tế mới, tránh trồng chuyên một loại cây mà thay vào đó là trồng xen cây công nghiệp dài ngày và cây ăn trái như một cách để chống lại các rủi ro về giá khi thị trường một mặt hàng nông sản biến động bất lợi.

Mặt khác, việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất của các nhà vườn cũng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn môi trường, hướng đến phát triển bền vững.

Tập trung cơ cấu lại kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số không chỉ là định hướng phát triển của riêng vùng Tây Nguyên mà của nhiều khu vực khác trên cả nước.

Bám sát định hướng này, Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cho biết, là ngân hàng thương mại dẫn đầu trong cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank nhận thức sâu sắc về những nguy cơ khi nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức từ biến đổi khí hậu.

Chính vì vậy, Agribank quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thúc đẩy tín dụng xanh. “Đến thời điểm hiện tại, có thể nói tín dụng xanh đã và đang nhận được sự quan tâm đúng mức của các ngân hàng thương mại. Agribank cũng đã đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng vay vốn triển khai các dự án có yếu tố xanh”, bà Nguyễn Thị Phượng cho hay.

Trong những năm qua, Agribank đã ban hành một loạt văn bản về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Từ năm 2016, Agribank cũng đã chú trọng đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao và triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch” với quy mô vốn không hạn chế, ban đầu là 50.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2022, doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình của Agribank đã đạt hơn 30.000 tỷ đồng, dư nợ đạt hơn 5.000 tỷ đồng với gần 4.000 khách hàng (trong đó có gần 100 khách hàng doanh nghiệp và 3.900 khách hàng là cá nhân).

Hỗ trợ phát triển tín dụng xanh

Tương tự Agribank, nông nghiệp sạch cũng là một trong những lĩnh vực xanh đang thu hút được nguồn tín dụng lớn từ các ngân hàng thương mại. Cụ thể số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, trong số 12 lĩnh vực xanh mà cơ quan này hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo (chiếm 47%) và nông nghiệp sạch (32%).

Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro đạt 2,283 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.

Cũng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng cho các dự án xanh đạt giá trị tương đương hơn 21 tỷ USD (khoảng 488 nghìn tỷ đồng), chiếm tỷ trọng hơn 4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng gần 13% so với cuối năm 2021. Trong giai đoạn từ 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh của Việt Nam có mức tăng trưởng bình quân hơn 23%/năm.

"Xét về tốc độ tăng trưởng thì trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân của cả nước khoảng 15%, có thể nói, đây là một tốc độ khá nhanh và cũng là một trong những định hướng về tập trung nguồn lực cho lĩnh vực kinh tế xanh đã được ngành Ngân hàng triển khai một cách khá hiệu quả", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Agribank đã dành ra một lượng vốn rất lớn nhưng để tìm được những mô hình đạt được tiêu chí của tín dụng xanh thì quả thật không hề dễ dàng.

Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank

Tuy nhiên, từ các con số thống kê nêu trên có thể thấy, tín dụng xanh dù đang ngày càng nhận được sự quan tâm hơn, nhưng thực tế vẫn còn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn, chỉ hơn 4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. "Bởi lẽ tín dụng xanh giữa các văn bản và thực tế vẫn còn có khoảng cách. Như Agribank cùng với ngành Ngân hàng đã ban hành rất nhiều cơ chế chính sách, nhiều chương trình tín dụng ưu đãi nhưng thật sự để lựa chọn những dự án đủ điều kiện cấp tín dụng xanh thì không có nhiều trên thực tế. Agribank đã dành ra một lượng vốn rất lớn nhưng để tìm được những mô hình đạt được tiêu chí của tín dụng xanh thì quả thật không hề dễ dàng" - bà Nguyễn Thị Phượng nhìn nhận.

Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cũng chia sẻ, để xu hướng được hiện thực hóa trong thời gian nhanh thì trước hết phải nhắc tới vai trò của các địa phương trong việc hướng dẫn các mô hình tổ chức sản xuất, mô hình dự án đạt được các tiêu chí của các chương trình xanh.

Hiện nay, tiêu chí xác định chương trình, dự án có yếu tố xanh như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch,… còn chung chung, chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí của dự án, nên các ngân hàng thương mại cũng thiếu căn cứ để xác định cho vay theo chương trình.

Để thúc đẩy tín dụng xanh phát triển bền vững tại Việt Nam, cần có sự phối hợp tạo được cơ chế, hành lang pháp lý tương đối thuận lợi, rõ ràng

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cũng cho biết thêm, để thúc đẩy tín dụng xanh phát triển bền vững tại Việt Nam, cần có sự phối hợp tạo được cơ chế, hành lang pháp lý tương đối thuận lợi, rõ ràng để các tổ chức tín dụng mạnh dạn tập trung nguồn lực cho lĩnh vực này.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có chỉ thị nêu rõ tập trung xây dựng cơ sở pháp lý để phát triển tín dụng xanh, xây dựng kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng để triển khai Chiến lược quốc gia về tín dụng xanh. Trong đó, ưu tiên tập trung vào việc phối hợp các tổ chức quốc tế để huy động các nguồn vốn quốc tế hỗ trợ phát triển tín dụng xanh.

Ngoài ra, theo TS Nguyễn Quốc Hùng-Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hệ thống pháp luật hiện vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý phục vụ cho hoạt động tín dụng xanh; thiếu hướng dẫn chuyên ngành của các cơ quan chuyên môn về danh mục các ngành, lĩnh vực xanh với tiêu chí cụ thể (khái niệm, quy định, tiêu chuẩn/điều kiện về danh mục các ngành/lĩnh vực xanh).

Thực trạng này dẫn đến thiếu cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng cơ chế, ưu đãi, khuyến khích hoạt động xanh và cấp tín dụng xanh. Chính vì vậy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cũng sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực nước ngoài đồng hành cùng dòng vốn ngân hàng vào các dự án xanh, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế.