Còn vướng mắc trong văn bản pháp luật
Chiều 31/10, làm rõ ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, công tác thực hành tiết kiệm thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tốt, thể hiện ở những thành tựu trong nhiệm kỳ vừa qua.
Một số kết quả nổi bật có thể kế đến tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,8%; thu ngân sách đạt 6,9 triệu tỷ đồng, gấp 1,66 lần của nhiệm kỳ trước, chiếm 25% của GDP; nợ công cũng giảm từ 63,7% xuống còn 55,9% năm 2020; tỷ trọng chi đầu tư từ 22,9% đã lên đến 29%; bội chi ngân sách 3,37%...
Đặc biệt, đối với việc tinh giản bộ máy cũng như giảm công chức và các đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã thực hiện một cách mạnh mẽ, các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 13,85%, công chức giảm 10,01% và viên chức giảm 11,2%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cũng chỉ rõ, đất nước ta hiện nay là đất nước đang phát triển và đang đổi mới một cách mạnh mẽ, cho nên vấn đề quy định của pháp luật thường đi sau thực tiễn, do đó cần thiết phải được hoàn thiện một cách kịp thời và nhanh chóng, tạo đà cho phát triển và cũng là nền tảng cho việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
“Chúng tôi rất mong Quốc hội hết sức thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ, hỗ trợ Chính phủ để hoàn thiện pháp luật một cách nhanh nhất, tạo ra 1 “đường băng” để kinh tế phát triển”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Bộ trưởng cũng nêu một số nguyên nhân tác động đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và khẳng định đây là lĩnh vực có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương và nhiều đơn vị, nên vấn đề văn bản quy phạm pháp luật cần phải được hoàn thiện, cũng như tiếp tục hoàn thiện các giải pháp cho vấn đề về quản trị, điều hành, về trách nhiệm của cơ quan quản lý và giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại.
Video Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. |
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng chỉ ra nhiều vướng mắc trong Luật Đầu tư công dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần. “Luật Đầu tư công quy định phải bố trí vốn thì mới lập được dự án và thiết kế, mà chưa có vốn thì không lập được dự án, không lập được dự án lại đòi hỏi có dự án mới được vay vốn. Cho nên, khi được vay vốn rồi thì bắt đầu mới lập dự án mất 1 năm, đền bù giải phóng mặt bằng mất 1 năm nữa, có khi mất 2 năm chưa giải ngân được”, Bộ trưởng nêu thực trạng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu những vướng mắc trong Luật Đất đai hiện hành dẫn tới tình trạng chậm tiến độ, thu hồi đất khó, bởi sau khi có quyết định thu hồi, cơ chế để đền bù, bồi thường cho nhà đầu tư đã đầu tư trên đất vẫn nằm trên giấy, không triển khai được ở thực địa.
Chỉ rõ trách nhiệm về những thiệt hại, lãng phí
Đại biểu Bế Trung Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh. Ảnh: THỦY NGUYÊN |
Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh) ghi nhận, báo cáo kết quả giám sát thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế với những minh chứng số liệu thuyết phục, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp.
Đại biểu cho rằng, dù đã đạt được nhiều thành công trong việc khắc phục những tồn tại hạn chế, nhưng cũng theo số liệu của báo cáo vẫn còn nhiều nội dung thiếu tích cực, cần được chỉ đúng nguyên nhân của “bệnh” để “kê đơn thuốc trị bệnh” chính xác.
Theo đại biểu Bế Trung Anh, nếu nhận định sai nguyên nhân cũng là một lãng phí, và nguyên nhân cho toàn bộ hạn chế là “việc chấp hành luật pháp còn chưa nghiêm”. Đại biểu nhấn mạnh cần chỉ rõ ai, tổ chức nào chấp hành luật chưa nghiêm và nếu đúng thế rồi thì theo luật phải làm thế nào?
Nếu nhận định sai nguyên nhân cũng là một lãng phí.
Đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh (Trà Vinh)
“Nếu chưa thực hiện được hai công đoạn này có nghĩa chúng ta có luật nhưng chưa làm theo hoặc chưa dùng đến, tức là lãng phí luật. Trên thực tế, số lượng các vụ án xử chưa tương xứng với thực tiễn những hạn chế, tồn tại mà báo cáo nêu, chấp hành kỷ cương pháp luật chưa nghiêm mà không bị kỷ luật thích đáng thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi phạm, lãng phí tiếp tục tiếp diễn”, đại biểu nêu quan điểm.
Do đó, đại biểu Bế Trung Anh kiến nghị tìm chính xác các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế; nên cải cách thể chế theo định hướng tăng năng suất chịu trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và không nên lãng phí luật.
Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: THỦY NGUYÊN |
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cũng cho rằng, báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát đã chỉ ra rất cụ thể các mặt còn tồn tại, gây thất thoát, lãng phí cũng như chỉ rõ nguyên nhân của các tồn tại đó. Điều đó cho thấy Quốc hội đã chọn trúng và đúng vấn đề giám sát, tuy nhiên vấn đề quan trọng đặt ra tiếp theo là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó, giải pháp để xử lý tiếp theo các tồn tại đó như thế nào?
Đại biểu bày tỏ mong Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, làm rõ các vi phạm thất thoát, lãng phí, đồng thời sớm có các giải pháp để xử lý dứt điểm các tồn tại đã nêu trong báo cáo giám sát, xác định thời gian, lộ trình xử lý phù hợp, tránh để kéo dài từ nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác.
Đại biểu Lê Hữu Trí cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm rà soát các hệ thống pháp luật hiện hành, các chính sách quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực gây ra sự lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và của xã hội, đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn, nhằm sớm hạn chế sự lãng phí các nguồn lực quốc gia và xã hội.
“Điều quan trọng, cốt lõi hơn là Đảng và Nhà nước ta cần có chiến lược xây dựng cho được trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức và toàn xã hội văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm, tư duy làm việc hiệu quả dù là việc nhỏ nhất, gắn với việc thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật và chế tài mạnh đối với các hành vi gây lãng phí, thất thoát tài sản công mới tạo được sự chuyển biến tích cực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: THỦY NGUYÊN |
Từ thực tiễn công tác giám sát tại địa phương và qua nghiên cứu báo cáo của Đoàn giám sát, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) đề nghị Quốc hội tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng pháp điển hóa các hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sát thực tiễn và tăng chế tài xử lý, bảo đảm việc thực hiện nghiêm chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đại biểu cũng đề nghị Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về định mức, tiêu chuẩn phù hợp với thực tiễn, bởi hiện nay nhiều định mức tiêu chuẩn quá thấp, gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.