Cần nhận thức đúng, sâu sắc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

NDO - Sáng 31/10, trong phiên thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, các đại biểu Quốc hội nêu rõ sự cần thiết phải hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan, đồng thời có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội sáng 31/10. Ảnh: DUY LINH
Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội sáng 31/10. Ảnh: DUY LINH

Thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang - ghi nhận, việc ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm đã mang lại những kết quả rất tích cực, giúp cho việc quản lý, sử dụng nguồn lực công tiết kiệm, hiệu quả, có nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội các năm qua.

“Theo báo cáo giám sát giai đoạn 2016-2021, chúng ta đã ban hành hệ thống chính sách pháp luật tiêu chuẩn, định mức chương trình kế hoạch khá toàn diện, đầy đủ phục vụ quản lý, điều hành và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tổng số tiết kiệm vốn ngân sách nhà nước theo báo cáo của Chính phủ lên đến hơn 350 nghìn tỷ đồng”, đại biểu Lê Minh Nam nêu rõ.

Cần nhận thức đúng, sâu sắc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ảnh 1

Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang. Ảnh: DUY LINH

Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy trong các lĩnh vực được giám sát đều có những vướng mắc, bất cập, lãng phí, đòi hỏi phải sớm có các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả hơn, đại biểu chỉ rõ, cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó phải nhận thức việc tuân thủ pháp luật là quan trọng nhất, vì chấp hành nghiêm túc định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo tiêu chuẩn của pháp luật sẽ là nền tảng để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại biểu lưu ý đặt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để xem xét một cách đồng bộ, toàn diện, tổng thể, trong cả ngắn hạn, dài hạn và trong từng hoàn cảnh cụ thể.

“Trong nhiều trường hợp, không phải cứ tiêu nhiều tiền là không tiết kiệm hay là lãng phí, mà quan trọng là kết quả đạt được như thế nào”, đại biểu Lê Minh Nam nhấn mạnh.

Trong nhiều trường hợp, không phải cứ tiêu nhiều tiền là không tiết kiệm hay là lãng phí, mà quan trọng là kết quả đạt được như thế nào.

Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang

Đại biểu Lê Minh Nam cũng bày tỏ nhất trí cao với việc Đoàn giám sát cũng đã đề xuất từ năm 2023 phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân.

Đại biểu nhấn mạnh cùng với việc tăng cường quản lý, thúc đẩy tuân thủ pháp luật thì cuộc vận động và phong trào thi đua sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và xây dựng văn hóa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hiệu quả hiệu lực thực chất và đạt được nhiều thành tựu cao hơn cũng rất là mong qua kết quả giám sát lần này.

Đưa giáo dục pháp luật về thực hành tiết kiệm vào chương trình đào tạo

Cùng chung quan điểm về việc đẩy mạnh tuân thủ pháp luật, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) cho rằng, cần thiết phải đưa thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào nền nếp, trở thành ý thức pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và trong đời sống xã hội. Theo đó, đại biểu kiến nghị cần đưa công tác giáo dục pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào các chương trình đào tạo.

Dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”, đại biểu nêu rõ, hiện nay trong chương trình giáo dục phổ thông đã đưa chương trình pháp luật vào giảng dạy để học sinh phân biệt được những hành vi hợp pháp và hành vi trái pháp luật.

“Đây là một điều đáng mừng vì ít nhất thì ngay từ khi ngồi ở ghế nhà trường đã trang bị cho các em xác định được hành vi nào là hành vi hợp pháp. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chương trình giảng dạy”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) kiến nghị cần đưa giáo dục pháp luật về thực hành tiết kiệm vào chương trình đào tạo.

Đại biểu cũng nêu quan điểm cần đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó tùy vào lĩnh vực mà xây dựng chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho phù hợp, bên cạnh tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật.

Theo đại biểu, các cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm trong việc hoàn thiện pháp luật. Trong báo cáo đã phản ánh rất rõ nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung sai phạm là do văn bản pháp luật chưa hoàn thiện hoặc chưa đồng bộ.

“Vậy có khi nào chúng ta thử xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chưa hoàn thiện pháp luật để cho các đơn vị trực thuộc hoặc trực tiếp quản lý xảy ra sai phạm? Đã đến lúc cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan chủ quản dưới cấp độ chưa làm tốt vai trò hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực ngành mình quản lý”, đại biểu Siu Hương kiến nghị.

Giải pháp ưu tiên để cải thiện lãng phí

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu và xuyên suốt của những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra đó là thể chế liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều bất cập.

Cần nhận thức đúng, sâu sắc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) phát biểu tranh luận. Ảnh: DUY LINH

Đại biểu nêu rõ, qua kết quả giám sát cho thấy, công tác tham mưu xây dựng, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, có trường hợp còn sơ hở dẫn đến lãng phí, thất thoát lớn về nguồn vốn, tài sản nhà nước, tài nguyên đất đai, khoáng sản, nguồn nhân lực.

Qua đó, đại biểu Nguyễn Việt Thắng đề xuất Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu quy định các thể chế, các chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá thực trạng bố trí nguồn lực cho hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, qua đó có giải pháp bố trí hợp lý cả về kinh phí, nhân lực, trong đó chú trọng đội ngũ công tác làm công tác pháp chế và các điều kiện cần thiết khác, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, cải cách thể chế, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn tới.

Các cơ quan, đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt khi trình các văn bản luật, các Bộ, ngành cần phải tham mưu Chính phủ chuẩn bị đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành nếu có, nhằm khắc phục triệt để tình trạng luật đã có hiệu lực thi hành nhưng cần phải chờ nghị định và các văn bản dưới luật mới thực hiện được, đại biểu Nguyễn Việt Thắng nêu rõ.