Bên lề Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV

Đổi mới công tác giám sát để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

NDO - Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, thời gian qua, các đoàn giám sát của Quốc hội đã có nhiều cách làm mới, với nhiều đổi mới trong cả cách thức và nội dung giám sát, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
0:00 / 0:00
0:00

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội dành cả ngày 31/10 để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Đây là nội dung được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm, trước tình trạng lãng phí đang gây thất thoát ngân sách, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.

Qua trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc đổi mới cả nội dung và hình thức giám sát như thời gian qua đã góp phần giúp nâng cao hiệu quả giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đổi mới công tác giám sát để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, một trong các cách làm hiệu quả là thành lập các tổ công tác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cử các tổ công tác này đến địa phương ghi nhận thực tế, sau đó hoàn thành báo cáo gửi cho đoàn giám sát của Quốc hội nghiên cứu trước khi đến làm việc trực tiếp với địa phương.

“Khi thành lập các tổ công tác này rất có lợi cho tổ chức bộ máy. Các chuyên gia phát hiện ra được nhiều vấn đề để báo cáo với đoàn giám sát rà soát, trước khi đoàn giám sát chính thức làm việc với các cơ quan chịu sự giám sát, đặc biệt là các địa phương và các Bộ, ngành. Đây là 1 mô hình rất hiệu quả”, đại biểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, việc đoàn giám sát xuống tới địa phương cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực, và đó cũng là một điểm đổi mới trong công tác giám sát.

Đổi mới công tác giám sát để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ảnh 2

Đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An).

Đây cũng là quan điểm của đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An). Theo đó, đại biểu cho rằng cán bộ, chuyên gia ở các ngành đã phát huy trách nhiệm, đóng góp được nhiều ý kiến cho đoàn giám sát, giúp cho Quốc hội có đánh giá khách quan, toàn diện về các hoạt động của Chính phủ cũng như ở địa phương.

Tại buổi làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, đoàn giám sát chỉ ra những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những thí dụ cụ thể, điển hình gây lãng phí, qua đó vừa nâng cao hiệu quả thời gian làm việc, vừa nhanh chóng tạo sự chuyển biến.

Với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về kế hoạch chi tiết, đề cương của đoàn giám sát chuyên đề trong tổ chức thực hiện và giám sát đã huy động sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Đoàn đại biểu Quốc hội, qua đó thu thập báo cáo của các Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố về vấn đề giám sát. Đây là cách làm mới, có hiệu quả trong quá trình giám sát.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh) trao đổi về những cách làm mới, hiệu quả trong giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. (Video: TRUNG HƯNG)

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước Khu vực 4 để tổ chức đoàn giám sát về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thông qua các cuộc làm việc, đoàn đã có những kiến nghị đối với đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan liên quan.

Thực hiện Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 của Quốc hội về Chương trình giám sát tối cao năm 2022 và Nghị quyết số 18/2021/QH15 ngày 27/7/2021 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Đoàn giám sát đã làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan.

Kết quả hoạt động giám sát chuyên đề này bước đầu đã có tác động làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ban hành kế hoạch, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của Đoàn giám sát.