Khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin

NDO - Đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát cần quy định cụ thể hơn việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ứng dụng công nghệ thông tin, cho rằng điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nguồn kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thời gian tới dự kiến còn tăng lên.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) tham gia ý kiến thảo luận tại phiên họp sáng 31/10. Ảnh: DUY LINH
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) tham gia ý kiến thảo luận tại phiên họp sáng 31/10. Ảnh: DUY LINH

Sáng 31/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Tăng cường kết nối giữa các cơ sở dữ liệu để tránh chồng chéo, trùng lắp

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) nêu rõ, thời gian qua việc ứng dụng công nghệ thông tin nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong nhận thức.

Theo đại biểu, có lẽ chưa bao giờ chuyển đổi số được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay. Tuy nhiên việc quản lý, sử dụng, đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin còn có những tồn tại, thất thoát, lãng phí.

Đại biểu phản ánh, hiện nay tình trạng cùng một nội dung nhưng có nhiều ứng dụng khác nhau đang khá phổ biến. Điển hình như trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid- 19, có thời điểm trong điện thoại của người dân có đến 4-5 ứng dụng về khai báo y tế.

“Có thể việc xây dựng các ứng dụng này không sử dụng ngân sách nhà nước nhưng đó cũng là nguồn lực của xã hội, chưa tính đến việc còn gây lúng túng, tốn kém thời gian của người dân trong quá trình sử dụng” - đại biểu Hiếu nói.

Bên cạnh đó, một số dịch vụ công trực tuyến còn yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải kê khai, cung cấp thông tin nhiều lần. Nhiều người dân phản ánh việc thao tác nộp hồ sơ trực tuyến không thực sự thuận tiện và thông suốt, còn tình trạng phải nhờ công chức hướng dẫn trực tiếp thì mới thực hiện được việc khai báo hồ sơ…

Khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin ảnh 1

Các đại biểu dự phiên họp sáng 31/10. Ảnh: DUY LINH

Việc đầu tư không đồng bộ cũng gây lãng phí trong ứng dụng công nghệ thông tin. Có tình trạng các ứng dụng công nghệ thông tin được xây dựng phổ cập vào nguồn lực của dự án, nhưng không tính đến phương án tổ chức vận hành, nên sau khi dự án kết thúc các ứng dụng này không được sử dụng thường xuyên, sau đó một thời gian ngắn lại được nâng cấp hoặc xây dựng mới.

Ngoài ra, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu còn thiếu tầm nhìn và thiếu quy hoạch. Theo thống kê gần đây, mới có khoảng 1/3 số bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục các cơ sở dữ liệu, dẫn đến tình trạng trùng lắp, thiếu kết nối trong việc tổ chức các cơ sở dữ liệu.

Từ những thực trạng trên, đại biểu Hiếu đề nghị trong dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát của Quốc hội cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đại biểu, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nguồn kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thời gian tới dự kiến còn tăng lên.

Bên cạnh đó, cần có các công cụ để đánh giá sự cần thiết và tính hiệu quả trong việc xây dựng hoặc nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, việc xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phải lấy tính tiện dụng, tính thuận lợi của người dân làm trọng tâm, tránh mất thời gian, công sức của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ này.

Đại biểu cũng đề nghị cần sớm hoàn thành việc xây dựng danh mục tổng thể các cơ sở dữ liệu trong các cơ quan nhà nước; phân định rõ trách nhiệm của từng ngành, lĩnh vực trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của nhà nước và tăng cường kết nối giữa các cơ sở dữ liệu để tránh chồng chéo, trùng lắp, qua đó vừa bảo đảm tính hiệu quả, vừa không gây phiền hà, mất thời gian đối với người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tạo ra sự đồng bộ trong việc chuyển đổi, từ việc cung cấp các dịch vụ công theo hình thức trực tiếp với các tài liệu giấy sang hình thức trực tuyến với các tài liệu điện tử. “Nếu không có sự đồng bộ này, việc xử lý song song sẽ là sự lãng phí rất lớn cả về thời gian và nguồn lực” - đại biểu Hiếu nói.

Cần có chính sách phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực

Tán thành với nhiều nhận xét, đánh giá và giải pháp được đề cập trong Báo cáo của Đoàn giám sát, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng, việc Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có tác động làm chuyển biến về nhiều mặt cả nhận thức và thực tiễn đối với các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân.

Cho ý kiến về nội dung lãng phí nguồn nhân lực, đại biểu Nghĩa nêu rõ, nước ta có lực lượng lao động đông đảo, đang ở vào thời kỳ dân số vàng, có nhiều tiềm năng phát triển; tuy nhiên, nút thắt là ở chất lượng lao động chưa cao, nếu không có chính sách tận dụng thời kỳ dân số vàng sẽ là sự lãng phí rất lớn cơ hội phát triển.

Khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin ảnh 2

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: DUY LINH

Đại biểu cho biết, chất lượng lao động là chìa khóa tăng năng suất lao động, là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất nguồn nhân lực. Đây cũng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

“Trong thời gian qua, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta đã có những bước tiến đáng trân trọng, tuy nhiên, năng suất lao động của chúng ta so với các nước trong khu vực vẫn còn khiêm tốn, nếu không có giải pháp quyết liệt thì sẽ gây lãng phí lớn” - đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.

Theo đại biểu, tình trạng sinh viên ra trường đi làm trái ngành, giáo viên nghỉ việc là hồi chuông báo động về lãng phí nhân lực ở môi trường giáo dục gia đình, doanh nghiệp, xã hội, thậm chí còn cho thấy có sự lãng phí về niềm tin yêu với nghề nghiệp.

Để bảo đảm sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, tránh lãng phí, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó là Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030; Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu kỹ năng như Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, Hội đồng kỹ năng nghề theo nhóm ngành.

Ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động; đồng thời, xây dựng Chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam, từng bước nói không với nhân công giá rẻ.

Cùng với các chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, đại biểu Nghĩa lưu ý cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia.