Hỗ trợ sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển

Nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển, thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội với nhiều cơ chế, giải pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Một gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Triển lãm sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2024.
Một gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Triển lãm sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2024.

Theo Sở Công thương Hà Nội, thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, giai đoạn 2021-2024 đã có 114 doanh nghiệp với 172 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội, đạt hơn 100% so với mục tiêu giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, năm 2024 dự kiến công nhận 63 sản phẩm của 35 doanh nghiệp. Những sản phẩm này đều là sản phẩm nổi bật, tiêu biểu trong các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; điện, điện tử; công nghệ thông tin; dệt may, da giày; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm; công nghiệp vật liệu xây dựng và thủ công mỹ nghệ.

Các sản phẩm công nghiệp chủ lực đóng vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp Thủ đô phát triển. Mỗi năm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt doanh thu gần 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp thành phố. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD, tạo việc làm cho gần 80.000 lao động. Tại Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam, sản phẩm lò đốt rác phát điện công suất 500 tấn/ngày đêm là sản phẩm chủ lực của Tập đoàn.

Ông Lê Văn Quảng, Giám đốc kinh doanh của đơn vị này chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực Hà Nội sẽ phát huy được vai trò "đầu đàn"; luôn chủ động, sáng tạo, tận dụng các cơ hội để tìm kiếm và mạnh dạn đi đầu trong đổi mới công nghệ, thiết bị…, góp phần tăng khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Hiện T-Tech đã có 100 dự án phát triển tại 32 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng thời, đang vận hành ba nhà máy xử lý rác tại Nghệ An và Phú Yên với công suất 240 tấn/ngày đêm. Thông qua chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội, T-Tech mong muốn tìm được thêm nhiều khách hàng tiềm năng, tiếp tục vươn xa ra thị trường Đông Nam Á và các nước G7".

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, xác định công nghiệp chủ lực đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025 và kế hoạch thực hiện; trong đó, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy các sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển. Đến nay, Hà Nội đã tổ chức khởi công, động thổ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 28 cụm trong tổng số 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020, tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp với các tỉnh, thành phố của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc trong đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, phát triển sản phẩm mới…

Để tăng cường hợp tác, liên kết xúc tiến thương mại, từ ngày 16 đến 18/10/2024, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội, thu hút hơn 200 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực thành phố, tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường và có thế mạnh xuất khẩu thay thế hàng nhập khẩu…

Trong thời gian diễn ra hội chợ, Sở Công thương Hà Nội còn tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp thành phố Hà Nội với các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn doanh nghiệp lớn. Thông qua hội nghị này, các tập đoàn lớn đã thông tin về nhu cầu tìm kiếm các doanh nghiệp địa phương. Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất của Hà Nội cũng thông tin về năng lực sản xuất và nhu cầu tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn…; qua đó, hai bên gặp gỡ, kết nối tạo chuỗi cung ứng hiệu quả.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường kết nối các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực với các viện nghiên cứu, trường đại học để hai bên cùng nhau trao đổi công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm. Sở Công thương Hà Nội đã nhận được gần 100 đề tài, công trình nghiên cứu, giải pháp khoa học trong nhiều lĩnh vực như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, chuyển đổi số… Qua đó, thông tin đến các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực để đặt hàng, đưa nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất thực tế.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội Nguyễn Công Cường khẳng định, việc chuyển giao công nghệ từ các trường đại học và viện nghiên cứu mang lại nhiều lợi ích như: giúp doanh nghiệp giảm chi phí nguyên liệu và năng lượng; rút ngắn thời gian sản xuất, tăng độ chính xác và nâng cao chất lượng sản phẩm. Quan trọng hơn, công nghệ hiện đại cho phép doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm thiểu rào cản thương mại. Đây là những yếu tố quan trọng để sản phẩm công nghiệp chủ lực thật sự khẳng định được vai trò, vị trí của mình.