Hỗ trợ kiến thức quản lý đất, kỹ thuật chăm sóc cho nông dân

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ đối với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ” (gọi tắt là Dự án SACCR) do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đang giúp cho nông dân sản xuất canh tác bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự án SACCR hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng thích ứng của nông hộ nhỏ, phụ nữ, dân tộc thiểu số, dễ bị tổn thương đối với tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Dự án tập trung quản lý rủi ro khí hậu ngày càng tăng trong sản xuất nông nghiệp thông qua bảo đảm nguồn nước, áp dụng các thực hành nông nghiệp mang tính chống chịu khí hậu và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin khí hậu nông nghiệp mang tính thực hành, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và thị trường.

Hỗ trợ kiến thức quản lý đất, kỹ thuật chăm sóc cho nông dân ảnh 1
Nông dân nghe cán bộ Trung tâm Khuyến nông tập huấn.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, từ năm 2023 đến nay, tỉnh có 9/10 điểm mô hình quản lý đất và sinh khối (viết tắt là CRA) nằm trong dự án SACCR. Hiện tại, các mô hình đang chăm sóc theo kỹ thuật CRA đều nằm trục đường thuận lợi cho hộ dân trong vùng học tập, nên tham gia đều nhiệt tình trong khâu chăm sóc vườn theo hướng dẫn.

Tuy nhiên, các điểm CRA còn gặp một số khó khăn như: đa phần các hộ đều nghèo, cận nghèo nên điều kiện kinh tế khó khăn do đó khả năng đối ứng đầy đủ nguồn vật tư để chăm sóc cho cây trồng còn ở mức thấp; một số hộ chưa nắm bắt được nhiều kỹ thuật canh tác nên hiệu quả còn thấp; các hộ có áp dụng quy trình kỹ thuật do Trung tâm hướng dẫn nhưng việc ghi chép các thông tin; số liệu theo dõi chưa đầy đủ và còn nhiều hạn chế.

P
Cán bộ hướng dẫn trồng cây điều đan xen với cây trồng khác.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngoài việc hỗ trợ vật tư và giống cây trồng, cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra hằng tháng, giám sát tiến độ kỹ thuật, hướng dẫn mô hình các biện pháp chăm sóc như bón phân, tưới tiêu nước, cắt tỉa cành, chong đèn thanh long và biện pháp phòng, chống sâu bệnh hại tổng hợp cho các cây trồng. Trong đó, chú trọng khâu vệ sinh vườn sạch sẽ giảm nguồn bệnh và chăm sóc cây khỏe để chống chịu với sâu bệnh.

Hỗ trợ kiến thức quản lý đất, kỹ thuật chăm sóc cho nông dân ảnh 2
Trung tâm Khuyến nông mở các lớp tập huấn cho nông dân.

Đơn cử, mô hình canh tác cây điều xen bắp tại xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam). Cây điều đang bước vào giai đoạn 2,5 tuổi kiến thiết cơ bản cây tập trung phát triển cành và thân là chính. Mật độ trồng 200 cây/ha. Sau 2 năm thực hiện điểm CRA, cây điều sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, hộ nhiệt tình đầu tư công chăm sóc và thực hiện các biện pháp canh tác CRA theo hướng dẫn. Đối với cây bắp trồng xen, nông hộ đang làm đất, cày ải và phơi đất, hướng dẫn xử lý đất, bón lót phân hữu cơ trước khi xuống giống bắp.

Bên cạnh đó, nông dân thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn hộ chăm sóc tốt cho cây điều và và ghi chép thông tin đầy đủ nhật ký để theo dõi tình hình đầu tư, chăm sóc của 2 cây trồng qua đó làm cơ sở để đánh giá kết quả điểm CRA và đề xuất các giải pháp để đạt tốt hơn.

Tương tự, mô hình canh tác cây điều xen bắp tại xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam). Định kỳ cán bộ vẫn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn hộ kỹ thuật chăm sóc, ghi chép nhật ký công việc hằng ngày (ngày bón phân, phun thuốc phòng ngừa sâu, bệnh...) để theo dõi. Tuy nhiên, hộ đồng bào dân tộc còn hạn chế về chữ nên ngại ghi chép, cập nhật không đầy đủ vào sổ ghi chép.

Hỗ trợ kiến thức quản lý đất, kỹ thuật chăm sóc cho nông dân ảnh 3
Tập huấn cho xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số

Đối với mô hình canh tác cây điều bền vững kết hợp xen cỏ tại xã Tân Hà (huyện Hàm Tân). Cây điều đang 5 năm tuổi năng suất đạt 1,5 tấn/ha, tăng 50% so với năm 2023, cao hơn năng suất sản xuất đại trà năm 2024 là 50%. Cây điều đã giáp tán nên cỏ voi thân phát triển cao không còn phù hợp, cỏ đậu ở tầng thấp vẫn duy trì và phát triển tốt; tuy nhiên do nắng hạn kéo dài trong thời gian qua làm thiếu nước tưới nên cỏ có thiệt hại nhiều.

Bên cạnh việc theo dõi tình hình sinh trưởng cây trồng, việc hướng dẫn hộ ghi chép cũng thực hiện đầy đủ hộ ghi chép chưa cụ thể và đầy đủ các thông tin về công lao động số lượng điện dùng cho máy bơm để tưới nước trong mùa khô…

Hỗ trợ kiến thức quản lý đất, kỹ thuật chăm sóc cho nông dân ảnh 5
Hướng dẫn mô hình canh tác cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ.

Mô hình canh tác cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ xã Đông Hà (huyện Đức Linh). Cuối năm 2023, toàn vùng tiêu của xã bị dịch bệnh gây chết phần lớn diện tích các hộ trồng tiêu hầu hết chuyển đổi cây trồng, trong đó có hộ CRA.

Trước đây, vườn tiêu chủ yếu sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong diệt cỏ dại và trừ sâu bệnh là chủ yếu. Nông dân chưa áp dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh và canh tác, chưa kết hợp hài hòa các biện pháp chăm sóc, bón phân hợp lý, cân đối.

Hỗ trợ kiến thức quản lý đất, kỹ thuật chăm sóc cho nông dân ảnh 6
Hướng dẫn nông dân trồng thanh long bền vững theo định hướng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Ngoài ra, còn có mô hình canh tác điều bền bền vững kết hợp xen canh cỏ, bắp tại xã Trà Tân (huyện Đức Linh) và mô hình thâm canh cây thanh long bền vững theo định hướng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại xã Tân Lập, xã Tiến Thành, xã Tân Thuận, xã Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam).

Nhìn chung các điểm CRA có sự chuyển biến tích cực, các hộ nhiệt tình chăm sóc vườn, tuân thủ áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cây trồng sinh trưởng và phát 5 triển tốt hơn; có thường xuyên ghi chép nhật ký các công việc chăm sóc hằng ngày để theo dõi.

Hỗ trợ kiến thức quản lý đất, kỹ thuật chăm sóc cho nông dân ảnh 7
Lớp tuấn huấn thường có nhiều nông dân tham dự.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đề xuất các biện pháp để hướng dẫn hộ thực hiện tốt các điểm CRA. Về quản lý dinh dưỡng cây trồng cần tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, góp phần nâng cao độ phì cho đất thông qua sự tăng cường hoạt động của các hệ vi sinh vật, góp phần hạn chế lệ thuộc quá nhiều vào phân bón vô cơ. Kiểm tra pH đất, nước thường xuyên và tăng cường các biện pháp ổn định pH đất, nước ở ngưỡng trung tính để cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu, bệnh gây hại nhằm tránh tồn dư chất bảo vệ thực vật gây thoái hoá đất. Khuyến khích hộ tiến hành ủ thêm phân chuồng để bón lót bổ sung thêm cho các loại cây trồng.

back to top