Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được ban hành đã có nhiều tác động tích cực trong thực tế cuộc sống.
Vượt khó nhờ vốn tín dụng ưu đãi
Trước đây, gia đình bà Đặng Thị Ngọc Hải ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Bảy người trong gia đình sống nhờ vào 0,8ha đất trồng lúa. Cha mẹ lớn tuổi, 2 con lần lượt học trung học phổ thông và đại học, khó khăn của gia đình thêm chồng chất.
Gia đình bà Hải được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang cho vay tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 4 triệu đồng/học kỳ để lo chi phí học tập cho người con bước vào đại học, và được cho vay giải quyết việc làm với số tiền 20 triệu đồng, lãi suất 6,6%/năm, thời hạn vay 24 tháng.
Từ nguồn vốn đó, gia đình bà Hải bắt tay chăn nuôi heo. Sau 2 năm, gia đình bà Hải xuất chuồng được 6 lứa, trừ hết chi phí còn lãi 20 triệu đồng, trả được nợ gốc đúng hạn.
Làm ăn hiệu quả và có phương án sản xuất khả thi, gia đình bà Hải được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay thêm 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để nuôi thêm 10 con bò.
Bà Đặng Thị Ngọc Hải tâm sự: “Những đồng vốn từ chính sách tín dụng giúp con tôi không phải dở dang việc học hành, cuộc sống của gia đình tôi được cải thiện rõ rệt…”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Nhanh ở phường 2, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chỉ có vỏn vẹn 1 công (sào) đất để cất nhà và trồng trọt, gia đình ông vất vả nuôi 4 người con ngày càng khôn lớn.
Gia đình ông Nhanh được địa phương bình xét thuộc diện hộ nghèo, được hỗ trợ một phần và giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang thông qua chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhằm trang trải học phí cho các con. Tổng cộng, gia đình ông Nhanh được vay 134 triệu đồng cho 3 trong số 4 người con đi học.
Ông Nguyễn Văn Nhanh cho hay: “Vốn và lãi ngân hàng gia đình tôi đã trả gần xong. Đến nay, 4 đứa con cũng ra trường và đều có việc làm ổn định. Nếu không có những đồng vốn chính sách tín dụng, gia đình tôi không biết đến khi nào mới thoát nghèo, các con tôi có được thành quả như ngày hôm nay…”.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang Dương Văn Hoàng cho biết, 20 năm qua, ngân hàng đã giải ngân cho khoảng 790 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay, góp phần giúp cho gần 130 nghìn hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo, thu hút hơn 99 nghìn lao động có việc làm; khoảng 92 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng hơn 217 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn; hơn 2.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ, gần 13 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách…
Thu hoạch rau xanh ở xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. |
Để tín dụng chính sách thực sự hiệu quả
Tỉnh Tiền Giang phấn đấu 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do ngân hàng chính sách xã hội địa phương cung cấp.
Tỉnh cũng tập trung cho vay các chương trình mới, ưu tiên đầu tư cho các xã, phường có hộ nghèo, cận nghèo cao; các địa phương xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao…
Theo ông Dương Văn Hoàng, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; quan tâm bố trí ngân sách chuyển vốn hằng năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ngân hàng tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng, bảo đảm vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ khi đến hạn; duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết, đến nay, tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, của người nghèo và của các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, để tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.
Trong đó, địa phương đặc biệt chú ý đến việc xét duyệt cho vay phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng; không để bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng chính sách tín dụng ưu đãi để chiếm dụng, sử dụng vốn sai mục đích, bảo đảm nguồn vốn Nhà nước luôn bảo tồn và ngày càng tăng trưởng.
Có thể khẳng định, việc đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến kịp thời với hộ nghèo và các đối tượng chính sách là yếu tố quan trọng giúp Tiền Giang thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương...