Phú Thọ: Trên 78 nghìn hộ thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng chính sách

NDO - Ngày 16/9, UBND tỉnh Phú Thọ tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách ngay tại cơ sở.
Người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách ngay tại cơ sở.

Theo Ngân hàng Chính sách tỉnh Phú Thọ, sau 20 năm thực hiện chương trình, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng của tỉnh Phú Thọ đạt hơn 5.170 tỷ đồng, tăng 27,81 lần so với cuối năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 17,8%/năm; tổng số khách hàng còn dư nợ hơn 110 nghìn khách hàng; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,11%/tổng dư nợ...

Các chương trình tín dụng chính sách đã và đang triển khai góp phần hỗ trợ trên 722 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn; giúp trên 78.200 hộ thoát nghèo; có gần 216 nghìn lao động được tạo việc làm; hỗ trợ kinh phí cho trên 7.800 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tạo điều kiện cho trên 97 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây mới, cải tạo và sửa chữa hơn 345 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ mua, sửa chữa, xây mới 339 căn nhà ở xã hội và 15.729 căn nhà cho hộ nghèo…

Đến nay, vốn tín dụng chính sách đã tiếp cận hầu hết các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, thôn, xóm, bản, làng; chương trình còn được triển khai đến nhiều đối tượng với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện.

Có thể khẳng định, vốn tín dụng chính sách đã giúp bà con nông dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chủ động nguồn tài chính để mua sắm thiết bị máy móc, phân bón, cây con giống... chủ động phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách còn giải quyết được những vấn đề bức xúc trong xã hội như nhà ở, việc làm, môi trường, học tập nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống trong nhân dân giữa các vùng, miền, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn ngày càng phát triển.

Phú Thọ: Trên 78 nghìn hộ thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng chính sách ảnh 1

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mở rộng chuồng trại, phát triển kinh tế gia đình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng cho biết, tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh thực sự đi vào cuộc sống, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với các dịch vụ tài chính ngân hàng; từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo; trở thành công cụ hữu hiệu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần ổn định, phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng tại địa phương.

Để vốn tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cần tập trung huy động vốn để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp và các tổ chức có liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách; lồng ghép có hiệu quả các chương trình cho vay, thực hiện tốt các nội dung ủy thác nhằm bảo đảm chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.