Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.
Đáng chú ý, nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn không ngừng được cải thiện… qua đó đã góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được trong quá trình triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong chặng đường 20 năm qua.
Đồng chí Phan Việt Cường đồng thời đề nghị Ban đại diện Hội đồng quản trị chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Kết luận của Ban Bí thư, Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luân số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên để thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trung hạn và hàng năm của địa phương.
Kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội, thực hiện giảm nghèo là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu, đồng chí Phan Việt Cường nói.
Lãnh đạo tỉnh Quang Nam yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng vốn hiệu quả, lồng ghép các chương trình dự án phát triển sản xuất; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong tổ chức triển khai thực hiện.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tích cực huy động nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, ngoài nguồn vốn từ Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, các đối tượng chính sách; phấn đấu 100% hộ nghèo, đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn và tiếp cận các dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội...
Dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trao Bức trướng cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Quảng Nam, với nội dung: “ Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, vì mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội”.
Tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Hằng đã trao Bằng khen tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ.
Thông qua các hội đoàn thể và các tổ tiết kiệm vay vốn, trong 20 năm qua, đã có hơn 809 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách ở Quảng Nam đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tính đến cuối tháng 8/2022, tổng dư nợ các chương trình vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 6.163 tỷ đồng, tăng 30 lần so với năm 2002 (tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm 19,5%), với gần 164 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ trong đó, nguồn vốn dư nợ Trung ương đạt 5.685 tỷ đồng, chiếm 92,2%.
Đáng nói, từ nguốn vốn vay ưu đãi, đã góp phần giúp gần 162 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm, tăng thu nhập cho gần 243 nghìn lao động; giúp hơn 123 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập... góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Nam từ mức 30,29% (giai đoạn 2005-2010), xuống còn 4,4% (cuối năm 2021)…