Việc thực hiện lồng ghép tín dụng ưu đãi trong nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh Quảng Ngãi đạt được nhiều kết quả đáng kể, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân khu vực nông thôn.
"Cú huých" giúp người dân thoát nghèo
Thực hiện Nghị định 78/2022/NÐ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã cho hơn 678.363 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh vay hơn 12.355 tỷ đồng. Ðồng thời, vốn tín dụng chính sách còn đầu tư xây dựng 90.804 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với tổng số tiền hơn 1.212 tỷ đồng; cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở vay hơn 36,2 tỷ đồng để xây dựng 2.448 nhà phòng tránh lũ lụt cho hộ nghèo.
Tỉnh Quảng Ngãi có năm huyện miền núi với thế mạnh là phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp; trong đó, kinh tế rừng luôn được địa phương chú trọng phát triển, tạo sinh kế cho người dân. Với lãi suất thấp, thời hạn cho vay tính từ khi trồng đến khi khai thác chính theo chu kỳ kinh doanh của từng loại cây trồng, nhưng không quá 20 năm của Nghị định 75/2015/NÐ-CP ngày 9/9/2015, đã có 65 lượt hộ vay vốn để trồng rừng sản xuất và phát triển chăn nuôi với tổng số tiền gần ba tỷ đồng. Ngoài ra, có 6.481 lượt hộ vay hơn 118,5 tỷ đồng thực hiện dự án trồng rừng (WB3). Từ các nguồn vốn này, người nông dân có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư mua cây, con giống, phân bón, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông, lâm nghiệp.
Gia đình anh Ðinh Văn Cầm, ở xã Long Mai, huyện miền núi Minh Long trước đây có cuộc sống rất khó khăn, thiếu vốn sản xuất. Ðược sự quan tâm của xã, cùng sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Long, anh mạnh dạn vay 15 triệu đồng để đầu tư nuôi trâu, bò theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Dành dụm vốn liếng từ chăn nuôi, anh Cầm tiếp tục vay 50 triệu đồng để đầu tư trồng hơn 5 ha keo lai và 1 ha sắn. Từ việc chăn nuôi và trồng keo, sắn, gia đình anh Cầm đã trả hết nợ ngân hàng và xây dựng được nhà cửa khang trang, vững chãi.
Không chỉ ở huyện Minh Long, từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ gia đình ở Quảng Ngãi đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa kiên cố.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung đánh giá, kết quả đầu tư tín dụng ưu đãi trong nông nghiệp, nông thôn đã giúp người dân có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đối với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 1,64%, riêng tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm 5,37% theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 97 xã và hai huyện là Tư Nghĩa và Nghĩa Hành đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đạt 95,5%. Diện mạo vùng nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa thị trường có nhu cầu và giá trị kinh tế cao.
Những bài học kinh nghiệm
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quang Trung, qua thực tiễn thực hiện lồng ghép vốn tín dụng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Quảng Ngãi, cơ quan chức năng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Thứ nhất là sự vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại địa đương; quán triệt, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) và Quyết định số 401/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Thứ hai, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội gắn với việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Trong đó, các sở, ngành chuyên môn sẽ thực hiện tốt công tác tham mưu Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh. Ngân hàng Chính sách xã hội là đầu mối tổng hợp xây dựng kế hoạch vốn tín dụng chính sách hằng năm, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách khác; tham mưu các cấp chính quyền triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng mới của Chính phủ, quan tâm chuyển vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh để thực hiện cho vay.
Thứ ba, cần sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp (nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh và Ðoàn thanh niên), từ khâu bình xét cho vay, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả; đôn đốc hộ vay trả lãi, gửi tiết kiệm và trả gốc đúng hạn; bảo toàn nguồn vốn tín dụng chính sách.