Hiện thực sinh động trong hội họa đương đại Việt Nam

NDO - Dẫu hòa vào dòng chảy của mỹ thuật đương đại, các họa sĩ sáng tác dòng tranh hiện thực vẫn giữ lối đi riêng, mang đến sự sống động qua từng ý tưởng, màu sắc và chất liệu.
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm "Địa đàng" của Nguyễn Văn Chung thu hút sự quan tâm của công chúng thưởng lãm.
Tác phẩm "Địa đàng" của Nguyễn Văn Chung thu hút sự quan tâm của công chúng thưởng lãm.

Triển lãm "Hiện thực +" vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã giới thiệu đến công chúng gần 50 bức tranh của các họa sĩ nhóm Hiện thực gồm: Phạm Bình Chương, Nguyễn Toán, Lê Thế Anh, Nguyễn Văn Bảy, Đoàn Văn Tới, Lưu Tuyền, Lê Cù Thuần và Vũ Ngọc Vĩnh; cùng sự tham gia của một số tác giả khác là Trịnh Lữ, Hồ Hưng và Nguyễn Văn Chung.

Khơi dậy sức sống của vạn vật

Mỗi tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm “Hiện thực +” đều mang đậm dấu cá nhân và phong cách sáng tạo của các họa sĩ. Từ cảnh vật, thiên nhiên, đến hình ảnh con người đều được họ khắc họa một cách sinh động và chân thực, thậm chí là siêu thực.

Càng vẽ những điều giản dị ở đời thường bằng tình yêu chân thành thì cái đẹp càng được thể hiện thật trong trẻo. Họa sĩ là người biết khơi dậy nét sống từ tĩnh vật, để rồi mỗi tác phẩm ra đời đều là kết tinh của sự giao đãi giữa vạn vật chung quanh và thế giới tâm hồn của người vẽ.

Họa sĩ Trịnh Lữ

Lê Cù Thuần trung thành với lối vẽ cổ điển, đặt mình vào cuộc sống của người dân tộc thiểu số. Cùng chủ đề đó, nhưng Lê Thế Anh tạo sự sống động qua những gam màu rực rỡ, phối với sắc độ tương phản để tô điểm cho đôi mắt trong, chiếc má ửng hồng của những đứa trẻ vùng cao. Phạm Bình Chương tập trung vào những thay đổi của cuộc sống đô thị. Vũ Ngọc Vĩnh vẫn trăn trở về thân phận người phụ nữ hiện đại. Nguyễn Văn Chung chạm đến thế giới siêu thực với “Địa đàng”.

Ở không gian khác của triển lãm, Đoàn Văn Tới tiếp tục khai thác đề tài Phật pháp dưới hình thức gần gũi, trẻ trung hơn trước. Bút pháp của Nguyễn Toán ngày càng chắt lọc kỹ lưỡng về hình, màu và ý tứ. Nguyễn Văn Bảy tìm về góc ao quê như tìm lại sự tĩnh lặng trong tâm hồn.

Vẽ người, quả và hoa, tranh của Trịnh Lữ vẫn đầy cảm xúc. Lưu Tuyền bước ra khỏi vỏ bọc của nội tâm để đến với "Thiên đường hoàn hảo", chấp nhận sự hiển nhiên và hữu hạn của đời người qua những nét nứt vỡ trên bề mặt sự vật mà anh khắc họa.

Hiện thực sinh động trong hội họa đương đại Việt Nam ảnh 1

Tác phẩm "Góc phố cuối thu" của Phạm Bình Chương.

Cốt lõi của vẽ hiện thực là diễn tả cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở bắt chước hay sao chép một cách khô khan thì hẳn rằng trường phái này đã không có sức sống mạnh mẽ trong hội họa đến thế. Đôi khi, hiện thực chỉ là cái cớ để các họa sĩ thăm dò vào thế giới nội tâm của chính mình qua cách phản ánh những sự vật, sự việc được đưa vào tranh.

Họa sĩ Trịnh Lữ cho biết: “Càng vẽ những điều giản dị ở đời thường bằng tình yêu chân thành thì cái đẹp càng được thể hiện thật trong trẻo. Họa sĩ là người biết khơi dậy nét sống từ tĩnh vật, để rồi mỗi tác phẩm ra đời đều là kết tinh của sự giao đãi giữa vạn vật chung quanh và thế giới tâm hồn của người vẽ”.

Đối sánh cái thực trong hội họa và nhiếp ảnh

Bấy lâu nay, điểm khác biệt trong cách phản ánh hiện thực giữa hội họa và nhiếp ảnh vốn là câu chuyện được giới phê bình nghệ thuật ở Việt Nam và trên thế giới luận bàn sôi nổi. Kể từ khi chiếc máy ảnh ra đời, nhiều người đồ rằng, nó đã làm hết công việc của họa sĩ.

Ngay lập tức, các danh họa đã khai phá ra chủ nghĩa hiện thực ảnh và chủ nghĩa cực thực trong mỹ thuật như một lời hồi đáp để minh chứng cho việc nếu sao chép, hội họa còn làm chi tiết và cảm xúc hơn nhiếp ảnh.

Chức năng của nhiếp ảnh là ghi lại những hình ảnh nhìn thấy bằng mắt thường thông qua các thiết bị, máy móc. Thế nhưng, cái thực trong hội họa được tái hiện bằng sự tỉ mẩn của đôi tay với cọ và sơn màu.

Họa sĩ Phạm Bình Chương nhận định: “Nhiếp ảnh là sự kết hợp giữa yếu tố ánh sáng, màn trập, sự phản chiếu… và thông qua tác động vật lý để lưu dấu khoảnh khắc. Cho dù có sự sắp đặt thì tất cả vẫn nằm trọn trong thời điểm bấm máy. Còn hội họa lại khác, mỗi một nét vẽ được đưa vào tranh đã là sự biên tập, chắt lọc của người nghệ sĩ. Bao nhiêu cái hay, cái dở của họ đều bộc lộ rõ trong tranh. Vậy nên, cùng một đối tượng tác nghiệp, chụp ảnh khó đoán định tác giả, nhưng hội họa lại dễ hơn nhiều”.

Hiện thực sinh động trong hội họa đương đại Việt Nam ảnh 2

Buổi trao đổi với khán giả bên lề Triển lãm "Hiện thực +" của các họa sĩ.

Chia sẻ thêm về hành trình theo đuổi dòng tranh hiện thực, Phạm Bình Chương nhớ lại, trước khi gắn bó với các đề tài về đô thị, anh đã thử sức ở trừu tượng, biểu hiện và cả dân gian đương đại. Anh đến với trường phái nghệ thuật này như một cơ duyên, rồi gắn bó với nó suốt hơn 20 năm qua. Tranh của Chương thường tập trung vào những góc hẹp, phóng chiếu ánh nhìn để quan sát thật chi tiết những biến chuyển của cuộc sống đời thường.

Trên phương diện kỹ năng thực hành, dòng tranh hiện thực đòi hỏi người vẽ thạo việc mô phỏng ngoại vật, biết quan sát tinh tế các chuyển động sáng-tối, giỏi nắm bắt hình khối cùng phác thảo bố cục. Và họa sĩ là người kể chuyện qua những hiện thực sống động trong tranh bằng thứ ngôn ngữ đầy màu sắc: ngôn ngữ hình ảnh.

Trả lời cho câu hỏi “Tại sao vẽ hiện thực?” trong buổi thảo luận bên lề Triển lãm “Hiện thực +”, họa sĩ Phạm Bình Chương tiết lộ, nhiều người chọn vẽ hiện thực đơn giản bởi đó là cái tạng của họ. Họ xem hiện thực như một phương tiện để thể hiện góc nhìn và cá tính hội họa của bản thân.

Họa sĩ Trịnh Lữ lại cho hay: “Làm nghệ thuật có trăm nghìn lý do và kiểu cách. Lý do nào cũng chính đáng. Song vẽ gì cũng là tự họa. Đi tìm cái khác biệt chưa chắc đã là chân lý của nghệ thuật. Trái lại, nghệ thuật đơn giản chỉ là hành trình khám phá hiện thực bên trong mỗi con người”.