Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Văn Cao do Báo Nhân Dân phối hợp với Hội đồng Lý luận Văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức, nhằm khẳng định một lần nữa sự tài hoa của Văn Cao không chỉ trong âm nhạc, thi ca mà còn cả trong hội họa.
Triển lãm thu hút rất nhiều nhạc sĩ, họa sĩ, nhà phê bình nghệ thuật, các nhà báo, nhà văn và đặc biệt là những người luôn yêu mến và thán phục tài năng của Văn Cao.
Bộ sưu tập bất ngờ và giá trị
Có thể nói, bộ sưu tập 100 tranh minh họa và tranh sơn dầu cùng 100 bìa sách văn học do Văn Cao vẽ minh họa nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhạc sĩ là một bất ngờ đối với người xem. Bởi Văn Cao là một nghệ sĩ tài hoa bậc thầy trong âm nhạc và cũng để lại nhiều tác phẩm đặc sắc trong thi ca, nhưng với hội họa là lĩnh vực chưa được nhiều người biết tới. Để có được bộ sưu tập 100 bức tranh vẽ quý hiếm này, họa sĩ Văn Thao (con trai ông) đã bỏ nhiều thời gian, công sức đến nhiều thư viện và nhiều nơi khác để tìm kiếm và thu thập.
Chia sẻ về những bức tranh minh họa và tranh sơn dầu được trưng bày tại triển lãm, họa sĩ Văn Thao tâm sự: “Tôi đã phải đi nhiều nơi, nhọc công tìm kiếm mỗi ngày, scan lại rất nhiều sản phẩm rồi mang về chọn lọc và in ấn. Tranh của cha không ít, nhưng nằm rải rác và rất khó tìm. Dù thế, tôi vẫn quyết tâm tìm cho bằng được để gìn giữ những tác phẩm hội họa quý báu ấy và để công chúng yêu mến cha có cơ hội được chiêm ngưỡng”.
Khu vực trưng bày 100 tranh minh họa và tranh sơn dầu quý hiếm của Văn Cao tại Báo Nhân Dân. |
Còn 100 cuốn sách có bìa do Văn Cao vẽ minh họa lại là bộ sưu tập kỳ công của nhà sưu tầm Nguyễn Bình Phương. Đây là những sản phẩm có tình trạng bìa tốt nhất trong tổng số 250 cuốn mà anh đã kỳ công săn lùng, tìm mua suốt một thập kỷ qua. Thậm chí, có cuốn trong đó anh phải đánh đổi bằng không ít cuốn sách quý hiếm khác của mình.
“Cuốn rẻ nhất trong bộ sưu tập này có giá 30 nghìn đồng, được mua khi tôi đang đi lang thang quanh các sạp sách cũ trên đường Láng trong nhiều đêm. Còn cuốn đắt nhất thì chẳng thể quy ra giá. Điểm mấu chốt của việc sưu tầm sách nằm ở sự công phu. Phải có tình yêu đủ lớn với Văn Cao cùng những rung động trước các tác phẩm của ông, tôi mới có thể kiên trì theo đuổi công việc này suốt 10 năm ròng rã như thế”, nhà sưu tầm Nguyễn Bình Phương chia sẻ.
Điểm mấu chốt của việc sưu tầm sách nằm ở sự công phu. Phải có tình yêu đủ lớn với Văn Cao cùng những rung động trước các tác phẩm của ông, tôi mới có thể kiên trì theo đuổi công việc này suốt 10 năm ròng rã như thế.
Nhà sưu tầm sách Nguyễn Bình Phương
Cũng có thể nói, đây là lần đầu tiên, công chúng được tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa Văn Cao vẽ trong suốt một thời gian dài.
Tranh thủ chụp lại những bức tranh của Văn Cao tại triển lãm, chị Nguyễn K.A (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Triển lãm thực sự là cơ hội hiếm có để những người yêu quý Văn Cao thưởng thức và tìm hiểu về các tác phẩm hội họa, một khía cạnh khác trong những di sản nghệ thuật mà ông để lại. Các tranh minh họa của ông có những nét mới mẻ trong cách khắc họa con người và cảnh vật”.
Có những bìa sách đã thu hút sự chú ý của công chúng ngay từ cái nhìn đầu tiên, điển hình là bìa minh họa tập “Quê biển” của Nguyễn Xuân Sanh và tập hồi ký “Người Hà Nội”.
“Sử dụng nhiều mẩu báo nhỏ để làm mái cho những ngôi nhà san sát nhau trên phố cổ với ngụ ý mỗi gia đình đều có câu chuyện riêng. So với thời điểm việc minh họa sách, báo ngày càng được ưa chuộng một cách rộng rãi bấy giờ, ý tưởng này được nhận xét là vô cùng sáng tạo và mới mẻ” - lý giải của anh Nguyễn Bình Phương về bìa cuốn hồi ký “Người Hà Nội”.
Tập nhật ký thơ "Quê biển" của tác giả Nguyễn Xuân Sanh (ở giữa) được Văn Cao minh họa gây ấn tượng bởi ý tưởng và cách khai thác hình ảnh mới mẻ. |
Với bìa sách “Quê biển”, người xem ấn tượng bởi cách vẽ đơn giản nhưng uyên sâu của Văn Cao. Ông vẽ biển nhưng không dùng bất cứ đường cong nào để phác họa những con sóng, thay vào đó, ông chỉ dùng vài đường thẳng, đặt chéo lên nhau theo hình zic-zắc, cùng sắc trắng và xanh dương đan xen để kể chuyện biển.
“Việc tận dụng tối đa tính gợi mở của nghệ thuật tạo hình đã giúp Văn Cao mô phỏng ra một “Quê biển” cho tác phẩm, đồng thời cũng tạo nên một “Quê biển” của riêng mình”, nhà sưu tầm Nguyễn Bình Phương bình luận thêm.
“Nếu phát triển về hội họa, Văn Cao sẽ là một họa sĩ tiên phong”
Nhận xét về những tác phẩm của Văn Cao tại Triển lãm này, nhạc sĩ Doãn Nho cho biết: “Những tác phẩm đặc sắc được trưng bày tại triển lãm cho thấy Văn Cao là một họa sĩ thực thụ. Tôi bị thu hút bởi chất thơ và tính nhạc trong các tác phẩm hội họa của ông. Không phải họa sĩ nào vẽ cũng có tứ, có ý như Văn Cao. Mọi chi tiết trong tranh rất gần gũi, truyền cảm và hòa quyện vào nhau”.
Chia sẻ về điểm này, PGS, TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định: “Những bức họa của Văn Cao có đường nét rất giản dị, mộc mạc lấy từ đời sống. Nhưng những nét chấm phá ấy lại có cái hồn riêng. Chất liệu từ hiện thực cuộc sống đã thâm nhập trong từng đường nét mà ông vẽ”.
Một số tác phẩm sơn dầu của Văn Cao được trưng bày tại Triển lãm. |
Lối phối màu độc đáo và tính hiện đại cũng là hai đặc điểm trong phong cách minh hoạ tranh của Văn Cao được giới chuyên môn và người xem trao đổi rất nhiều tại triển lãm lần này.
Màu sắc trong tranh của ông thường có sắc độ vừa phải, mang đến cho người xem cảm giác hài hòa. Thậm chí, với những gam màu nóng, ông cũng khéo léo tô, vẽ để mang đến cảm giác dịu nhẹ trong cách nhìn.
Bàn về kỹ thuật sử dụng màu sắc của họa sĩ Văn Cao, TS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: “Màu sắc mà Văn Cao dùng trong các tác phẩm hội họa rất tiết chế và tối thiểu. Đây có lẽ là sự thâm thúy của ông theo tinh thần “less is more” mà nhiều nhà văn, người làm nghệ thuật các lĩnh vực trên thế giới theo đuổi và thành công. Đặc biệt, thành công dạng này thường mang lại sự ám ảnh xao động dài lâu cho người thưởng thức, cảm nhận”.
Triển lãm trưng bày các tác phẩm minh họa sách, báo và tranh sơn dầu của Văn Cao thu hút những người luôn yêu mến và thán phục tài năng của ông đến tham quan. |
Bức “Chân dung bà Băng” vẽ bằng sơn dầu vào năm 1961 là một thí dụ điển hình. Tranh không có quá nhiều chi tiết ngoài những mảng màu đơn sắc. Các chiều kích không gian được nhìn qua lăng kính của ông phản ánh rõ sự ảnh hưởng chủ nghĩa lập thể và chủ nghĩa hiện thực trong kỹ thuật vẽ.
Tính hiện đại cũng là điểm nhấn trong các tác phẩm minh họa của Văn Cao. Đặc trưng này thể hiện ở sự giao thoa với lĩnh vực đồ họa thông tin. Theo họa sĩ Nguyễn Thành Chương, đồ họa của nghệ sĩ Văn Cao trí tuệ, uyên bác. “Người khác có thể vẽ giỏi, nhưng các bức minh họa của ông lại sáng láng và đặc biệt theo một cách riêng, rất khó để bắt chước. Đến giờ nhìn lại, chúng vẫn mới mẻ, không hề lạc hậu”, họa sĩ Nguyễn Thành Chương nhấn mạnh thêm.
Mỗi bìa sách do Văn Cao minh họa đều sở hữu những nét độc đáo, hiện đại, mang đậm phong cách nghệ thuật của ông. |
Họa sĩ Văn Thao cho biết: “So với thời điểm trước đây, tranh của cha tôi đã thể hiện rõ tính hiện đại. Hiện đại trong cách sử dụng đường nét, trong màu sắc và cả bố cục mảng, miếng. Ông đã không ngừng tìm tòi, khám phá để tìm ra cách biểu đạt đơn giản, đầy đủ nhưng phù hợp với xu hướng của nghệ thuật ở trong và ngoài nước”.
Về minh họa và đồ họa, Văn Cao là một họa sĩ thiết kế thực thụ, rất chuyên nghiệp. Chúng tôi lấy làm tiếc vì ông chẳng phát triển con đường này. Nếu không, ông cũng sẽ là một họa sĩ tiên phong.
Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng
Là một trong số các chuyên gia nghiên cứu khá sâu về phong cách hội họa của Văn Cao, nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng đánh giá: “Văn Cao không có phong cách già dặn hoặc phát triển liên tục như các họa sĩ khác, nhưng tranh của ông trông rất mới và rất trẻ, tức là ông vẫn giữ nguyên từ đầu đến cuối một phong cách. Về minh họa và đồ họa, Văn Cao là một họa sĩ thiết kế thực thụ, rất chuyên nghiệp. Chúng tôi lấy làm tiếc vì ông chẳng phát triển con đường này. Nếu không, ông cũng sẽ là một họa sĩ tiên phong”.
Không để lại một di sản đồ sộ và lừng lẫy như trong lĩnh vực âm nhạc, thậm chí chỉ bước chân vào hội họa như một lãng khách và để mưu sinh, nhưng với hàng trăm bức tranh minh họa sách văn học, báo chí và tranh sơn dầu, Văn Cao đã ghi tên mình đầy ấn tượng trong làng mỹ thuật bởi cá tính hội họa độc đáo.
Như nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha khẳng định, dù đã bay lên cùng Thiên thai, “nhưng thời gian không những không lãng quên Văn Cao, mà trái lại qua thời gian, tên tuổi của ông càng hiện diện, càng ngời sáng, càng lấp lánh như một vì sao trên đất nước thân yêu của mình”. Và hội họa chính là một lĩnh vực góp phần làm nên tên tuổi đó của thiên tài nghệ thuật Văn Cao.