Hai nhà giáo “bắc cầu yêu thương” bằng âm nhạc cho trẻ vùng cao

NDO - Đinh Phương Anh, nữ nhạc sĩ hiếm hoi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, mới đây đã cho ra mắt ca khúc “Bắc cầu yêu thương” đặc biệt dành cho các em nhỏ vùng cao. Ca khúc là những lời yêu thương dành cho chặng đường đi tìm con chữ của các em, dù còn rất nhiều khó khăn gian khổ, nhưng vẫn có sự lạc quan và hướng tới ngày mai tươi sáng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sĩ Đinh Phương Anh. (Ảnh: NVCC)
Nhạc sĩ Đinh Phương Anh. (Ảnh: NVCC)

“Bắc cầu yêu thương” đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao giải C trong cuộc thi Sáng tác ca khúc dành cho học sinh” nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô và hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Cuộc thi thu hút khoảng hơn 1000 tác phẩm tham gia.

“Bắc cầu yêu thương” kể câu chuyện con đường các em nhỏ vùng cao đi học mỗi ngày. Đó là những con suối, dòng sông sâu, đó là những chiếc cầu xinh xinh, là ngọn gió theo những bước chân nhỏ tới trường.

Bài hát có ca từ giản dị, dễ thương và giai điệu trong sáng, tươi vui: “Sáng sáng em đi học, qua chiếc cầu xinh xinh. Dang tay em đón gió, vui bước chân đến trường. Biết bao bạn mến thương, phải vượt qua con suối, phải vượt qua sông sâu…”. Sự kết hợp hài hòa giữa lời ca và tiếng nhạc tạo nên một ca khúc đáng yêu, dễ nhớ, dễ thuộc, rất phù hợp với lứa tuổi học trò.

Điều thú vị của bài hát là nhạc sĩ Đinh Phương Anh đã phổ nhạc từ bài thơ của nhà giáo Hoàng Mai Lê. Nhà giáo Hoàng Mai Lê là Tiến sĩ Toán học, từng có 17 năm tham gia giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học và THCS tại tỉnh Thái Nguyên; từ năm 2004, ông về công tác tại Vụ Giáo dục Tiểu học cho đến nay.

Hai nhà giáo “bắc cầu yêu thương” bằng âm nhạc cho trẻ vùng cao ảnh 1

Nhà giáo Hoàng Mai Lê.

Nhà giáo Hoàng Mai Lê chia sẻ, lời bài hát Bắc cầu yêu thương được ông viết từ tản mạn trong chuyến công tác tại Quảng Ngãi năm 2018. Sáng sớm hôm ấy, ông đi bộ trên cầu bắc qua sông Trà Khúc, được “giang tay đón gió”, ông nghĩ đến các em nhỏ vùng cao phải vượt suối đến trường và trăn trở phải làm thế nào để “bắc cầu” giúp các em cùng đến lớp, “nối các bờ vui”.

Những cảm xúc của nhà giáo, Tiến sĩ Hoàng Mai Lê đã được nhạc sĩ Đinh Phương Anh chắp cánh thành bài hát và được các em nhỏ tỉnh Lào Cai thể hiện đầu tiên vào năm 2018. Sau 6 năm, ca khúc được “làm mới”, tham gia dự thi “Sáng tác ca khúc dành cho học sinh” và giành được giải thưởng.

Những cảm xúc của Hoàng Mai Lê đã được nhạc sĩ Đinh Phương Anh chắp cánh thành bài hát và được các em nhỏ tỉnh Lào Cai thể hiện đầu tiên vào năm 2018. Sau 6 năm, ca khúc được “làm mới”, tham gia dự thi “Sáng tác ca khúc dành cho học sinh” và giành được giải thưởng.

Bản thân nhạc sĩ Đinh Phương Anh cũng đang là một nhà giáo. Hiện tại chị đang là cô giáo dạy nhạc ở một trường học tại Hà Nội và tại trung tâm nghệ thuật do mình sáng lập. Công việc gắn bó nhiều với trẻ nhỏ đã khiến chị thêm nhiều cảm xúc để sáng tác cho thiếu nhi. Rất nhiều bài hát thiếu nhi của chị được các em học sinh thuộc và hát trong các hội diễn văn nghệ như “Đến chơi nhà bạn”, “Đom đóm”, “Như búp măng non”, “Những trái tim hồi sinh”…

Là một trong số những nữ nhạc sĩ hiếm hoi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đinh Phương Anh đã có tới hơn 10 năm sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp. Chị có rất nhiều bài hát được công chúng yêu thích như “Nơi ấy tình yêu”, “Phím đàn buồn”, “Nơi anh gặp em”, “Nỗi nhớ theo chiều mưa”, “Niềm tin theo anh” (ca khúc nhạc phim của bộ phim truyền hình dài 30 tập “Bốn cuộc tình và một người đàn ông”).

Đinh Phương Anh cũng từng giành nhiều giải thưởng âm nhạc như Top 10 bài hát xuất sắc nhất năm 2014 của Hội Âm nhạc Hà Nội với ca khúc “Hà Nội bên khung cửa mùa thu”, giải C của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2016 với ca khúc “Hà Nội trong nỗi nhớ”, giải B cuộc thi sáng tác ca khúc măng non của Hà Nội... Điều khiến âm nhạc của Đinh Phương Anh hấp dẫn khán giả nhất chính là giai điệu và ca từ trong sáng, ngọt ngào, thiết tha.

Đinh Phương Anh bày tỏ, chị muốn thực hiện chuỗi ca khúc gắn liền với các nội dung bài giảng trong nhà trường, để các em có thể tiếp thu các bài học giáo dục một cách tự nhiên, giản dị và hào hứng. Những ca khúc đó sẽ được làm nên từ chính chất liệu trong đời sống nhà trường, gần gũi và dễ nhớ, dễ thuộc như những bài đồng dao. “Mơ ước của tôi là thực hiện được một CD gồm các sáng tác thiếu nhi gắn với học đường để tặng cho các thầy cô làm tư liệu hỗ trợ bài giảng, cũng từ đó khơi gợi tình yêu âm nhạc đối với trẻ nhỏ”, Đinh Phương Anh cho biết.