Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm chủ yếu thuộc 2 giai đoạn: Mỹ thuật Đông Dương, Mỹ thuật kháng chiến và đều nằm trong bộ sưu tập của 20 nhà sưu tập thành viên Câu lạc bộ Sưu tập nghệ thuật Ngọc Hà.
50 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm phong phú về chất liệu: sơn mài, sơn dầu, lụa, giấy… gắn liền với tên tuổi các họa sĩ nổi tiếng: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung, Phan Kế An, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Huyến, Phan Thông, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Văn Thiện… Bên cạnh đó còn có những tác phẩm đặc sắc của các bậc thầy hội họa người Pháp từng tham gia sáng lập, giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, như: Victor Tardieu, Joseph Inguimberty…
Với đề tài “Sắc xuân Hà thành”, các bức tranh được thành viên câu lạc bộ đề cử, chọn lọc và thông qua nhà giám tuyển tập trung vào đề tài phong cảnh thiên nhiên, lao động sản xuất… với vẻ đẹp uyển chuyển, sinh động, mê hoặc… của con người, cảnh vật, chứa đựng những dấu ấn đậm nét của văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Câu lạc bộ Ngọc Hà thể hiện niềm đam mê nghệ thuật và nỗ lực thúc đẩy đời sống nghệ thuật phát triển tích cực, lành mạnh của các thành viên. Ở đó, các nhà sưu tập tranh ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước thường xuyên gặp gỡ, giao lưu, lan tỏa tinh hoa nghệ thuật; đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể để cùng mang đến cho công chúng cơ hội thưởng thức những tác phẩm hội họa có về giá trị cao, vị trí quan trọng đời sống nghệ thuật và tinh thần văn hóa.
Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, các nhà sưu tập trong câu lạc bộ quyết định sẽ thường xuyên tổ chức triển lãm tranh vài tháng một lần và nét đặc biệt không thể không nhắc tới đó là cách chọn lựa không gian cho triển lãm. Thay vì tổ chức tại những địa điểm như nhà triển lãm, khách sạn… câu lạc bộ lại chọn những không gian đậm nét di sản, gắn bó đời sống người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung, đó là những ngôi nhà di sản, các quán cà-phê tranh…
Trước đó, từ ngày 28/8 đến 6/9/2020, nhà sưu tập Trần Ngọc Lâm từng triển lãm bộ sưu tập cá nhân tại một quán cà-phê ở Hàng Bông. Đúng giai đoạn dịch Covid-19, người xem tranh không tập trung, cũng không thể truyền thông, nhưng ông Lâm nhận thấy ngay trong giai đoạn đời sống đầy khó khăn, biến động, con người vẫn cần có nhu cầu được thưởng thức vẻ đẹp của nghệ thuật. Đó là niềm tin, hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn, cũng chính là tiền đề cho các triển lãm sau này của câu lạc bộ.
Nhà sưu tập Trần Ngọc Lâm bên bức tranh của Vua Hàm Nghi. |
Chia sẻ về việc lựa chọn một địa điểm “vì công chúng”, nhà sưu tập Trần Ngọc Lâm cho biết, đây là phong cách rất phù hợp với tôn chỉ, tinh thần của một câu lạc bộ mang cái tên rất Hà Nội này. Các thành viên đều mong muốn, ngày càng có nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật đặc sắc, có giá trị cao để giới thiệu tới đông đảo khách tham quan và công chúng.
Những không gian gần gũi này cũng mang lại sự thuận lợi cho các nghệ sĩ trẻ, nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên… tìm đến để cảm nhận, trải nghiệm thêm về hội họa Việt Nam. Trong tương lai gần, với sự chia sẻ tích cực từ nhiều nhà giám tuyển, họa sĩ từ nước ngoài trở về, câu lạc bộ mong muốn có những triển lãm lưu động ở nhiều tỉnh thành của cả nước nhằm góp phần đưa giá trị tinh hoa hội họa đến gần hơn với công chúng.
Ngay tại ngày khai mạc, người thưởng thức triển lãm bày tỏ sự xúc động trước tình cảm, tâm huyết của các nhà sưu tập đã mang đến cho họ cơ hội được thưởng thức những tác phẩm hội họa giá trị cao, bởi không phải ai cũng có điều kiện vào bảo tàng, khách sạn hay một không gian sang trọng nào đó. Cách tiếp cận gần gũi, quảng đại quần chúng của câu lạc bộ đã mang đến không khí thực sự cởi mở và lan tỏa một cách tự nhiên nhất.
Cuộc quy tụ của các nhà sưu tập cũng mang lại những dấu ấn đáng nhớ. Có những nhà sưu tập sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, cũng có những người đến từ nhiều tỉnh, thành phố, và đặc biệt có nhà sưu tập đã bước sang tuổi 90. Một trong những tác phẩm thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng là bức tranh sơn dầu chủ đề phong cảnh của Vua Hàm Nghi thuộc bộ sưu tập của ông Trần Ngọc Lâm.
Tác phẩm hội họa đặc biệt của Vua Hàm Nghi. |
Theo Asian Art, Vua Hàm Nghi đã tìm thấy trong nghệ thuật một nơi ẩn náu, một không gian cá nhân để suy tư, để thanh thản, tạo ra một loại hình nghệ thuật làm phong phú thêm cuộc sống đầy tâm trạng, thăng trầm. Bức tranh sơn dầu kích thước 38 x 55cmtrên cũng có một “số phận” rất đặc biệt trước khi thuộc sở hữu của nhà sưu tập.
Triển lãm kéo dài từ ngày 3/3 đến hết 13/3 cùng nhiều hoạt động giao lưu, chia sẻ giữa các nhà sưu tập với văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, công chúng yêu hội họa.