Mới đây phụ huynh học sinh một trường tiểu học ở thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) đã gửi đơn kiến nghị và file ghi âm là bằng chứng về cô giáo chủ nhiệm đã nhiều lần dùng những ngôn từ rất thiếu chuẩn mực để đe nẹt, xúc phạm các em học sinh trong lớp.
Trước đó không lâu, cũng tại một cơ sở giáo dục ở thành phố Ninh Bình, một giáo viên mầm non đã có những hành động thiếu chuẩn mực, thậm chí thô bạo khi ép một cháu bé ăn…
Ngay sau sự việc trên, ngành giáo dục và chính quyền thành phố Ninh Bình đã khẩn trương vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc.
Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Ninh Bình, sự việc sẽ được điều tra mở rộng, không chỉ đối với những trường hợp cụ thể nêu trên, mà cần phải xem xét trách nhiệm của nhà trường trong công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ giáo viên nhà trường.
Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Ninh Bình Phan Thành Công cho biết, sự bức xúc bột phát, thiếu kiềm chế của giáo viên dẫn tới những hành động thô bạo với học trò, đấy là những hình ảnh phản sư phạm. Những sự vụ nêu trên không chỉ là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, mà còn là trách nhiệm bảo vệ tâm hồn và sự phát triển của thế hệ tương lai.
Giáo viên dạy cấp tiểu học cần có kỹ năng vừa dạy vừa dỗ để trẻ cảm thấy thoải mái, an toàn và hứng thú khi đến trường.
Ở lứa tuổi này, các em đang phát triển cả về nhận thức và cảm xúc, vì vậy ngoài việc truyền đạt kiến thức, giáo viên còn đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tình yêu học tập, rèn luyện nhân cách và giúp các em phát triển toàn diện. Do đó, sở đã chỉ đạo phải xử lý thật nghiêm những trường hợp vừa diễn ra.
Ninh Bình tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn
Cần khẳng định rằng, những hành vi bạo hành về mặt tinh thần, xúc phạm học sinh phải được xử lý nghiêm để làm gương, bảo đảm rằng không có sự thỏa hiệp với những hành vi thiếu đạo đức nghề nghiệp.
Mức phạt cần đủ răn đe, có thể bao gồm việc tạm đình chỉ công tác hoặc thậm chí cấm giảng dạy nếu tái phạm. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và phổ biến rộng rãi các mô hình giáo dục tích cực, trong đó giáo viên được đào tạo về cách khích lệ, động viên học sinh. Ngoài ra, cần và nhân rộng những tấm gương giáo viên gương mẫu, hết lòng vì lớp vì trường, vì các em học sinh thân yêu.
Trường học cần được xây dựng thành một môi trường học sinh cảm thấy an toàn, được tôn trọng và yêu thương. Điều này không chỉ đến từ giáo viên mà còn từ sự phối hợp của toàn bộ hệ thống giáo dục, từ lãnh đạo nhà trường, phụ huynh đến chính các em học sinh trong nhà trường.
Một giáo viên nhân hậu, yêu thương trẻ sẽ dễ dàng xây dựng được niềm tin và sự yêu quý từ học sinh.
Thực tế, trong khi ở nhiều vùng biên giới, hải đảo, nơi điều kiện còn khó khăn, các giáo viên đã kiên trì, nỗ lực bám trường, bám lớp, chăm sóc học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy từng con chữ, hiểu từng hoàn cảnh học sinh, động viên, khích lệ các em đến trường.., thì ở những nơi có điều kiện tốt hơn như tại các thành phố lại xảy ra những vụ việc giáo viên “bạo lực” tinh thần với học sinh.
Điều này tạo ra sự đối lập rất lớn, không chỉ gây thất vọng cho phụ huynh mà còn làm xấu đi hình ảnh của ngành giáo dục.