Giáo dục Ninh Bình trước áp lực dân số tăng nhanh

NDO - Trước áp lực tăng dân số nhanh, mật độ dân số ở một số vùng đông khiến một số trường tiểu học tại tỉnh Ninh Bình gặp khó khăn do thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa hoàn chỉnh, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh trường mầm non xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh, Ninh Bình.
Học sinh trường mầm non xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh, Ninh Bình.

Tỉnh Ninh Bình hiện có 477 cơ sở giáo dục. Trong đó có 155 trường mầm non, 146 trường tiểu học, 134 trường trung học cơ sở, 27 trường trung học phổ thông, còn lại là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trung tâm đào tạo tin học, ngoại ngữ.

Ưu tiên cân đối các nguồn vốn đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trước năm học mới 2022-2023, ngành giáo dục Ninh Bình đã đầu tư sửa chữa xây mới 426 phòng học; 36 phòng hiệu bộ, 162 phòng bộ môn, 176 phòng chức năng, 216 nhà vệ sinh và hàng nghìn mét sân, tường bao.

Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 88,6 %, tăng 0,4% so với năm học trước. Năm 2022, tỉnh đã bố trí hơn 78 tỷ đồng cho ngành giáo dục để mua sắm thiết bị dạy học tối thiếu cho lớp 3, lớp 7 và lớp 10...

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình, mặc dù cơ sở vật chất, trường lớp học đã được quan tâm đầu tư, nhưng trước áp lực tăng dân số, một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bị thiếu phòng học, phòng chức năng. Một số công trình trong một số trường học đã xuống cấp, chậm được cải tạo, sửa chữa. Một số xã, huyện còn tình trạng phòng học nhờ, học ghép ở cấp học mầm non. Ngay ở thành phố Tam Điệp còn thiếu 46 phòng học.

Tại Xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) có 12 thôn với 2.399 hộ dân và 8.019 nhân khẩu, trong đó số học sinh từ 6 tuổi đến 11 tuổi là 847 em. Trước số lượng học sinh ngày một tăng, các trường học trên địa bàn xã thiếu nhiều phòng học chức năng, sân chơi cho học sinh, thậm chí thiếu cả giáo viên, khiến nhiều người dân lo lắng về việc học tập của con em mình. Huyện miền núi Nho Quan thiếu 25 phòng học, huyện Yên Khánh thiếu 24 phòng học...

Tại một số địa phương có tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên cấp tiểu học và giáo viên mầm non. Huyện Hoa Lư có 178 nhóm lớp mầm non và 356 giáo viên mầm non. Theo Thông tư số 06 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm trong các cơ sở giáo dục mần non công lập, huyện còn thiếu 54 giáo viên mầm non, cấp tiểu học thiếu 35 giáo viên. Không chỉ có huyện Hoa Lư, mà ở tám huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình cũng có tình trạng tương tự.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo của tỉnh Ninh Bình còn hạn chế. Tỉnh thiếu biên chế tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Việc bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở theo Chương trình giáo dục phổ thông mới gặp nhiều khó khăn do giáo viên chưa được bồi dưỡng để giảng dạy tích hợp...

Để khắc phục tình trạng này, trong năm 2022, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Ninh Bình tích cực triển khai xây dựng 8 trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; nâng tỷ lệ phòng học kiên cố lên 88,8%, tham mưu bổ sung biên chế giáo viên cho cấp học mầm non, tiểu học; điều động giáo viên từ trường thiếu ít sang trường thiếu nhiều. Tỉnh sẽ ban hành các quy định và cơ chế chính sách phát triển giáo dục phù hợp với yêu cầu, thực tiễn và điều kiện kinh tế của địa phương; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động giáo dục trên cơ sở huy động các nguồn lực của xã hội.