Tình huống giả định, người trực camera quan sát thấy có cháy xảy ra tại Khoảnh 72, Trạm bảo vệ rừng Long Phụng, thuộc phân khu Dịch vụ-Hành chính của Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, rừng tràm trồng năm 1995, hướng gió đông, tốc độ gió mạnh, vật liệu cháy dày và khô nên lửa lan nhanh. Sau khoảng 45 phút phát sinh thêm đám cháy mới cách đám cháy thứ nhất khoảng 200m về hướng tây. Nguyên nhân, dự đoán ban đầu do người dân đốt phá rừng.
Tại buổi họp rút kinh nghiệm, các thành viên Ban chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đều đánh giá buổi diễn tập diễn ra thành công theo kịch bản, phương án đã đề ra, điểm cháy được khống chế tốt và thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”, nhất là bảo đảm an toàn cho người tham gia chữa cháy. Đặc biệt, điểm mới của buổi thực tập chữa cháy là có bay flycam trên cao để quan sát được bao quát tình huống, từ đó giúp cho công tác chỉ đạo được nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời.
Tăng cường các giải pháp phòng chống cháy rừng
Về một số điểm cần lưu ý trong thực tập lần này là cần linh hoạt hơn với mọi tình huống trong thực hiện chữa cháy theo tình hình thực tế, không nên quá cứng nhắc theo kịch bản. Việc báo cháy cũng cần thông báo nhanh chóng cho chủ rừng và Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy cấp huyện để có sự phối hợp chữa cháy đạt hiệu quả; đồng thời trang bị thêm bộ đàm để công tác chỉ huy đạt hiệu quả hơn...
Lực lượng chữa cháy tại chỗ phun nước ngăn chặn cháy lan. |
Theo ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang, qua đợt thực tập chữa cháy lần này, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng và quần chúng nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, tích cực phòng ngừa không để cháy xảy ra rừng; đồng thời, giúp nâng cao năng lực chỉ huy, kỹ năng, kỹ thuật chữa cháy của lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng tại chỗ, làm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra. Nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng Công an, Quân sự, Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng trong chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ.
Hậu Giang có diện tích đất rừng trên 5.883ha, trong đó, có gần 3.800ha có rừng. Qua kiểm tra phương án phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2023-2025 của các đơn vị chủ rừng, xác định các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng là 1.656ha...