Tăng cường giải pháp phòng, chống cháy rừng

Khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang trong thời kỳ đỉnh điểm mùa khô, nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất khó lường. Tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, ngành chức năng và người dân đang tăng cường nhiều giải pháp để phòng, chống cháy rừng.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng tại huyện Thạnh Hóa.
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng tại huyện Thạnh Hóa.

Ðể bảo vệ tài sản quốc gia và của nhân dân, chi cục kiểm lâm các tỉnh trên, các Ban quản lý rừng và chủ rừng kinh tế vùng Ðồng Tháp Mười, vùng ven biển đang triển khai nhiều giải pháp canh lửa, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tỉnh Long An hiện có hơn 21.800ha rừng tràm, trong đó, có hơn 17.900ha rừng tràm kinh tế và hơn 1.400ha rừng đặc dụng. Ðể hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng trong mùa khô 2023, Chi cục Kiểm lâm Long An yêu cầu Ban quản lý rừng đặc dụng và các chủ rừng không được chủ quan, lơ là, bố trí lực lượng canh lửa 24/24 giờ và tranh thủ lấy nước ngọt vào rừng; chủ động các phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng khi có tình huống xấu xảy ra.

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen ở xã Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng, Long An) có tổng diện tích gần 2.000ha rừng tràm, trong đó có hơn 1.400ha rừng đặc dụng từ 10 đến hơn 20 năm tuổi. Hiện tại, mực nước trong khu bảo tồn thấp hơn cùng kỳ năm 2022 từ 0,7 đến 1m đã làm lớp thực bì từ lá tràm rụng qua nhiều năm khô cằn, rất dễ cháy khi gặp lửa. Ban quản lý Khu bảo tồn bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại năm tháp canh lửa và những chốt bảo vệ rừng; vận động nhân dân khu vực vùng đệm ký cam kết không vào rừng bắt ong, sử dụng lửa gần khu vực rừng…

Ông Võ Văn Ðẹp, người dân tham gia bảo vệ rừng ở xã Vĩnh Lợi cho biết: Mỗi năm đến mùa khô, Ban quản lý Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen đến từng hộ dân sống giáp ranh khu bảo tồn tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và cho bà con ký cam kết không mang lửa vào rừng, không được đánh, bắt động vật hoang dã, không vứt rác bừa bãi khu vực chung quanh rừng, cùng tham gia chữa cháy rừng khi xảy ra tình huống. Trưởng phòng Tổ chức hành chính Khu bảo tồn Võ Thanh Tuấn cho biết: Ban lãnh đạo đơn vị đã bố trí lực lượng bảo vệ tiến hành ký cam kết với 200 hộ dân đang sinh sống vùng đệm giáp ranh khu bảo tồn để hỗ trợ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Toàn bộ lực lượng của khu bảo tồn ứng trực cả ngày lẫn đêm vào các tháng cao điểm phòng cháy.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa (Long An) Nguyễn Kinh Kha cho biết: Huyện hiện có 12.600ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Ngay đầu mùa khô, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân. Lực lượng liên ngành huyện Thạnh Hóa phối hợp các địa phương có rừng tăng cường tuần tra, kiểm tra an ninh tại các khu vực trọng điểm cháy trong những ngày nắng nóng; rà soát, xác định các vùng có nguy cơ cháy rừng, gắn các bản dự báo cấp cháy rừng và bản tin trực quan về công tác chống chặt phá rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng để người dân và các chủ rừng nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ tài sản quốc gia và của hộ gia đình.

Tại tỉnh Bến Tre, hiện có hơn 4.470ha rừng trải dài theo bờ biển của 11 xã thuộc ba huyện Ba Tri, Bình Ðại và Thạnh Phú. Trong đó, rừng phòng hộ gần 2.247ha, rừng đặc dụng 1.868ha và rừng sản xuất 355ha.

Rừng tại Bến Tre chủ yếu là rừng ngập mặn, đa phần là rừng trồng có vai trò rất quan trọng trong việc chắn gió, chắn sóng, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ bờ biển. Ðặc biệt, diện tích rừng phi lao dọc theo bờ biển và rừng hỗn giao khoảng 157ha đang trong tình trạng có nguy cơ cháy cao. Các đơn vị liên quan cùng chính quyền và người dân triển khai nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền trong nhân dân về việc bảo vệ rừng. Ðồng thời, hoàn thiện những công trình trữ nước, góp phần triển khai hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy khi có trường hợp cấp thiết xảy ra.

Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Quang Kiệt cho biết: Rừng phi lao được trồng trên những giồng cát ven biển với mục đích phòng hộ chắn gió, chắn cát. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô được địa phương rất quan tâm với những biện pháp, phương án cụ thể.

Rừng phi lao được trồng trên những giồng cát ven biển với mục đích phòng hộ chắn gió, chắn cát. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô được địa phương rất quan tâm với những biện pháp, phương án cụ thể.

Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Quang Kiệt

Tại tỉnh Tiền Giang hiện có gần 2.600ha rừng tràm, trong đó có 1.400ha rừng phòng hộ, phần diện tích còn lại là rừng sản xuất nằm trên vùng Ðồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước. Hiện tại, nhiều cánh rừng tràm trên địa bàn tỉnh có nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Trưởng phòng Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) Phan Văn Khải Minh cho biết: Ðể hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng trong mùa khô năm 2023, ngành chủ động phối hợp với lực lượng công an và các địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn địa phương các phương án chữa cháy tại chỗ, bố trí lực lượng ứng trực, phân công từng thành viên cụ thể, cách sử dụng máy bơm, kiểm tra các chòi canh lửa và kiểm soát người dân vào rừng.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang làm việc với các địa phương có rừng, kiểm tra, rà soát và xác định vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao và bố trí nguồn nhân lực, vật lực sẵn sàng ngăn chặn, xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng, không để cháy rừng lan rộng. Ðịa phương đã tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong những tháng cao điểm để canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp với diễn biến của thời tiết; bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện cần thiết cho hoạt động của các đội phòng cháy, chữa cháy rừng và lực lượng bảo vệ rừng.