Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình nắng nóng, khô hạn xảy ra trên diện rộng, nhiệt độ ban ngày vào giữa trưa ở mức từ 34-36 độ C, làm cho lượng nước bốc hơi nhanh.
Tại Hậu Giang, qua kiểm tra thực tế tại các khu rừng trên địa bàn, mực nước dưới chân rừng đã xuống thấp và đang dần khô cạn; thực bì, dây leo tại một số lô rừng đã có hiện tượng chết khô.
Để chủ động triển khai có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại tối đa do cháy rừng gây ra trong mùa khô năm 2024, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang quyết định nâng cấp dự báo cháy rừng từ cấp I (thấp) lên cấp III (cấp cao) từ ngày 15/3/2024.
Theo đó, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang đề nghị Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cùng với đó, tổ chức huấn luyện thao tác, thực tập chữa cháy rừng cho các lực lượng chữa cháy rừng của đơn vị, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác chữa cháy rừng.
Các chủ rừng tập trung nạo vét các tuyến kênh, mương tạo thông thoáng; theo dõi sát tình hình hạn mặn để vận hành hệ thống cống, đập, tranh thủ lấy nước ngọt vào rừng trong các đợt triều cường.
Các phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng phải luôn trong tư thế sẵn sàng, cơ động và vận hành tốt. Đồng thời, tổ chức ứng trực, tuần tra bảo vệ rừng ở khu vực trọng điểm xuyên suốt, kể cả thứ bảy, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng các huyện và các đơn vị chủ rừng; chủ động theo dõi, cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo cháy rừng theo từng thời điểm…
Hậu Giang có diện tích đất rừng hơn 5.883 ha, trong đó, có gần 3.800ha có rừng. Qua kiểm tra phương án phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2023-2025 của các đơn vị chủ rừng, xác định các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng là 1.656ha.
Hiện, các đơn vị được trang bị 27 máy chữa cháy chuyên dùng, 4 máy bơm tràn. Hầu hết Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã đều được trang bị 1 máy chữa cháy cơ động và 43 camera phục vụ việc giám sát tại các khu rừng trên địa bàn.