So với cùng kỳ các năm trước, số vụ cháy rừng ở khu vực miền trung năm nay không nhiều, nhưng đã xuất hiện một số vụ cháy gây thiệt hại lớn về rừng, làm ảnh hưởng môi trường sinh thái và đời sống người dân ở địa phương.
Thiệt hại hàng chục héc-ta rừng
Vào cuối tháng 4/2023, trong khi tuần tra, lực lượng chức năng phát hiện một đám cháy bốc lên tại khu rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn thôn Lạc Câu, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Sau đó, chính quyền xã Bình Dương đã huy động lực lượng hơn 50 người cùng phương tiện khẩn trương dập lửa. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Dương Nguyễn Thanh Vinh cho biết, vụ cháy xảy ra trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng các lực lượng ứng cứu gồm Đồn Biên phòng Bình Minh (đóng tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình); Trạm Kiểm lâm Thăng Bình, Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam và Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 tỉnh Quảng Nam đã có mặt kịp thời để phối hợp với lực lượng tại chỗ của xã Bình Dương. Theo thống kê, vụ cháy đã làm 20,86ha rừng bị thiệt hại. Số cây trồng bị thiệt hại chiếm hơn 70%, phần lớn là keo lưỡi liềm trồng theo Dự án Pacsa.
Cách đây một tuần, ngày 17/5, một đám cháy rừng xảy ra tại Tiểu khu 592A, thuộc địa phận xã Linh Trường, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Đây là khu rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải quản lý. Khu vực xảy ra cháy có thảm thực bì dày, nhiều cành lá khô, khiến việc ứng cứu gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Theo thống kê sơ bộ, vụ cháy xảy ra trên diện tích khoảng 18ha; trong đó, diện tích có rừng trồng 6ha, diện tích còn lại thuộc rừng trồng đã khai thác; thiệt hại ước tính khoảng 300 triệu đồng. Cũng trong ngày 17/5, một vụ cháy khác đã xảy ra tại khu vực rừng trồng ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), gây thiệt hại 3ha rừng keo 3 năm tuổi của người dân.
Sở dĩ năm nay, nắng nóng kéo dài mà ít xảy ra cháy rừng là do chính quyền các địa phương đã chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam Trần Văn Thu cho biết, ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm đã ban hành và tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị cơ sở và chủ rừng đẩy mạnh triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Chi cục thường xuyên đôn đốc, thông tin cho các địa phương, chủ rừng theo dõi, xác minh, cập nhật về cảnh báo sớm cháy rừng thông qua Hệ thống quản lý, giám sát rừng tỉnh Quảng Nam; kịp thời thông tin cấp dự báo cháy rừng đến các địa phương, đơn vị, chủ rừng và nhân dân, đặc biệt là cập nhật trên ứng dụng Zalo để chủ động thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; qua đó đã xác minh 1.629/1.689 điểm cảnh báo cháy (đạt 96,4%) trên hệ thống cảnh báo. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra một vụ cháy làm thiệt hại hơn 20ha rừng trồng tại huyện Thăng Bình.
Theo Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi Phạm Duy Hưng, số vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh qua các năm giảm dần; từ đầu năm đến nay, không xảy ra cháy rừng, song kết quả này chưa thật sự bền vững, nguy cơ cháy rừng vẫn rất cao. Ðể hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy rừng trong mùa khô 2023, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo đảm theo phương châm “4 tại chỗ”, lấy phòng ngừa là chính và xác định công tác phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.
Từ đầu tháng 3 đến nay, nắng nóng kéo dài diễn ra trên diện rộng, nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh luôn ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm, cho nên, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi liên tục phát đi thông tin cấp dự báo cháy rừng để các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó; đồng thời, phối hợp tổ chức diễn tập chữa cháy rừng quy mô cấp xã nhằm nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng chiến thuật; bồi dưỡng nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia chữa cháy rừng; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao; thường xuyên kiểm tra người, phương tiện ra vào rừng, tăng cường kiểm soát việc xử lý thực bì. Mặt khác, Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu các chủ rừng ký cam kết trong công tác phòng ngừa cháy rừng và sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia chữa cháy rừng.
Song song với các biện pháp phòng chống cháy rừng, các địa phương ở Quảng Ngãi còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt vùng, miền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về phòng, cháy chữa cháy rừng.
Điển hình như huyện miền núi Minh Long đã phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản trong việc chung tay bảo vệ rừng. Ông Đinh Liêu, ở xã Long Hiệp, huyện Minh Long thổ lộ, bảo vệ rừng là gìn giữ nguồn nước, là bảo vệ cuộc sống của chính mình. Với vai trò là già làng, ông luôn nhắc nhở con cháu nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ rừng, không được đốt ong trong rừng, khi đốt dọn thực bì và phải canh chừng để lửa không cháy lan.
Kịp thời ứng phó, chữa cháy rừng
Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, đơn vị phối hợp, tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng; đôn đốc Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các đơn vị chủ rừng, các cộng đồng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng và các hộ gia đình có rừng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, các cấp ngành, địa phương vận động người dân ký cam kết sử dụng lửa an toàn, thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy, nghiêm cấm việc xử lý thực bì bằng cách đốt lửa trong thời kỳ cao điểm của mùa khô, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng, phương tiện ra vào rừng.
Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi Phạm Duy Hưng cho biết, để nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ứng dụng công nghệ giám sát phòng chống cháy rừng qua vệ tinh nhằm kịp thời cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng.
Tại Chi cục, cán bộ kiểm lâm luôn túc trực theo dõi giám sát chặt chẽ các khu vực rừng trên địa bàn tỉnh. Khi trên hình ảnh vệ tinh có những điểm báo nguy cơ cháy rừng cao thì cán bộ kiểm lâm lập tức xác định tọa độ, yêu cầu kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương và chủ rừng kiểm tra thực địa, xác minh do cháy rừng hay người dân đốt thực bì, sau đó phản hồi lại cho Chi cục trong vòng 30 phút biết để chỉ đạo kịp thời.
“Việc triển khai giám sát phòng chống cháy rừng qua vệ tinh là một bước tiến mới, giúp ngành kiểm lâm và các địa phương triển khai phòng chống cháy rừng hiệu quả hơn, nhất là kịp thời triển khai nhanh phương tiện và lực lượng đến hiện trường khống chế đám cháy, không để cháy lan diện rộng”, đồng chí Phạm Duy Hưng bộc bạch.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức rà soát, xác định cụ thể đến cấp xã, thôn về các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để có phương án chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp.
Trong những ngày khô hạn kéo dài, Ủy ban nhân dân cấp xã, các chủ rừng phối hợp với lực lượng kiểm lâm bố trí ứng trực 24/24 giờ; kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng và sử dụng lửa trong và gần rừng; nghiêm cấm việc phát, dọn, đốt thực bì trong suốt thời gian nguy cơ cháy rừng cao.
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và “5 sẵn sàng” trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nghiêm chức trách quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; yêu cầu các ban quản lý rừng tiếp tục thực hiện nghiêm túc phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí phương tiện và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thường trực tại các vùng trọng điểm để theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh cần chuẩn bị lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các địa phương kịp thời chữa cháy rừng. “Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với kiểm lâm tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân các vụ cháy rừng và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật”, đồng chí Hồ Quang Bửu lưu ý n