Hành trình chinh phục bầu trời của Đoàn bay 919

NDO - Cách đây 65 năm, đúng vào Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1959, tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội), Trung đoàn Không quân vận tải 919, đơn vị bay vận tải quân sự-hàng không dân dụng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được thành lập. Đây cũng là đơn vị tiền thân của Đoàn bay 919 thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham gia giao lưu, tọa đàm "Hành trình chinh phục bầu trời".
Các đại biểu tham gia giao lưu, tọa đàm "Hành trình chinh phục bầu trời".

Trong 65 năm phát triển, những phi công của Đoàn bay 919 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ vững truyền thống hào hùng, hiện thực hóa khát khao chinh phục bầu trời, vươn tầm thế giới; đồng thời là lực lượng dự bị tin cậy trong những tình huống quốc phòng, an ninh của Tổ quốc.

Những kỷ niệm không quên

Tại chương trình giao lưu với chủ đề: “Hành trình chinh phục bầu trời" do báo Quân đội nhân dân tổ chức ngày 23/4, ông Trần Hữu Thọ hiện đang nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên sĩ quan dẫn đường của một trong các tổ bay Ilyushin 14 (IL-14), là lớp phi công thế hệ thứ hai của Đoàn bay 919 đã chia sẻ nhiều kỷ niệm xúc động về những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong chuyện kể về hành trình chinh phục bầu trời những ngày tháng sinh tử ấy, ông đã nhiều lần rơi nước mắt.

Hành trình chinh phục bầu trời của Đoàn bay 919 ảnh 1

Các đại biểu tham gia tọa đàm.

Năm 1968, trong một trận xuất kích, bay trên khu vực Khe Sanh (Quảng Trị)-vĩ tuyến 17 quê nhà, qua cửa kính máy bay, ông cảm thấy hết sức đau xót khi khung cảnh làng mạc phía dưới bị bom đạn kẻ thù tàn phá.

Trong tiếng động cơ nổ vang rền, lòng ông trào dâng niềm xúc động, nhớ đến bố mẹ nơi quê hương, lòng thầm nói: “Mẹ ơi, trên đầu mẹ là máy bay của chúng con, không phải máy bay địch. Giờ con đã trưởng thành, về đây chiến đấu trả thù cho bố mẹ, cho quê hương!”

Trong giai đoạn năm 1965-1967, những phi công quân sự như ông Thọ liên tục thực hiện các chuyến bay thả dù, chi viện biên giới cho Lào, có chuyến vào miền nam. Nhiều chuyến bay thả hàng cứu trợ, ông Thọ phải điều khiển máy bay với khoảng cách rất gần mặt đất và căn chỉnh làm sao để thả hàng không bị quá xa khu vực người dân sinh sống.

Hành trình chinh phục bầu trời của Đoàn bay 919 ảnh 2
Ông Trần Hữu Thọ xúc động kể lại những kỷ niệm không quên trong đời phi công quân sự.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời phi công quân sự của tôi là dịp Tết năm 1967, lúc hoàn thành nhiệm vụ, bay trở về đơn vị đúng vào thời khắc giao thừa thì tôi và đồng đội bất ngờ được nhận quà của Bác Hồ gửi tặng, động viên, gồm có bánh mứt, bó hoa và một lá thư trong đó có bài thơ xuân của Bác”, ông Thọ cảm động rưng rưng.

Ông Phạm Huy Vận, nguyên Phó Đoàn trưởng Đoàn bay 919, lớp phi công thứ 3 của Trung đoàn Không quân vận tải 919 cũng chia sẻ những nỗi vất vả, khó khăn trong quá trình học, chiến đấu và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Lúc ấy, nước ta đang trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ. Lớp đào tạo phi công khóa đó phải học tại nhà dân hoặc đình chùa. Có những trận đánh, phía Mỹ nhiều lần rải bom trúng vào nhà dân, các học viên vừa học vừa phải sơ tán, tìm chỗ trú ẩn tránh bom là thường xuyên.

“Đặc biệt, những mô hình học về bay không có, khi bay chúng tôi phải nhớ lại những lời huấn luyện của phi công đi trước mà thực hành theo. Những phi công lớp trước trở thành giáo viên đào tạo lại cho phi công lớp sau. Có điều chắc chắn là thế hệ phi công lớp trước chúng tôi chưa từng qua lớp sư phạm nào, cũng không có giáo trình, chỉ truyền đạt lại bằng kinh nghiệm bay của chính bản thân, nhưng tất cả chúng tôi đều hoàn thành nhiệm vụ”, ông Vận khẳng định.

Trong quá trình bay, lớp phi công như ông Vận gặp vô vàn khó khăn thử thách mà có lẽ hiện nay thế hệ phi công cũng không thể biết hoặc nghĩ tới. Những phi công quân sự giai đoạn đó gặp phải rất nhiều tình huống bất ngờ, chưa được huấn luyện nhưng vẫn phải vượt qua. Khi đối mặt với khoảnh khắc sinh tử, phi công phải hết sức bình tĩnh, linh hoạt để xử lý.

Hành trình chinh phục bầu trời của Đoàn bay 919 ảnh 4

Ông Phạm Huy Vận, nguyên Phó Đoàn trưởng Đoàn bay 919.

“Ngày ấy, khoa học công nghệ chưa phát triển, dòng máy bay cường kích Il-2 của Liên Xô chế tạo rất thô sơ, không có điều hòa, nhà vệ sinh. Bay càng cao thì tác động của nhiệt độ bên ngoài càng lớn, giá lạnh và ảnh hưởng áp suất. Có lúc đang bay, vô tình chạm tay vào cửa máy bay mà tôi có cảm giác như bị điện giật vì quá lạnh. Do không có radar dẫn đường, máy bay không tránh được đám mây, cứ mặc nhiên chui vào, nhìn ra thấy ánh sáng ở đâu thì điều khiển bay ra khỏi đám mây. Thậm chí, có lần đang bay, tự dưng tôi không nghe tiếng nổ động cơ, nhìn ra ngoài thấy cánh quạt đứng yên, mới biết vì lạnh quá nên động cơ bị chết, máy bay chỉ bay theo quán tính. Trong giây lát, tôi nhớ lại cách “mồi” của động cơ khi trời lạnh không nổ được, xử lý bằng cách cầm vào cần ga mồi nhẹ để kích nổ trở lại cho động cơ”, ông Vận chia sẻ.

Với quyết tâm học tập, vượt qua mọi khó khăn, ông Vận cùng các học viên khác đã hoàn thành khoá học vào năm 1968. Là hoa tiêu dẫn đường nên khi tốt nghiệp, ông có thể bay tất cả các máy bay mà Trung đoàn 919 có. Một vài năm sau, các học viên khóa đào tạo của ông cũng được cử đi huấn luyện bay thêm ở Séc.

Màu cờ, sắc áo hàng không

Năm 1989, ngành hàng không dân dụng Việt Nam có sự chuyển đổi cơ chế quan trọng, tách khỏi quân đội, chuyển sang trực thuộc Chính phủ. Ngày 29/8/1989, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam trên cơ sở Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

Theo cơ chế mới, Đoàn bay 919 trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Đây cũng là bước ngoặt chuyển đổi quan trọng của hoạt động kinh doanh vận tải hàng không phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Hành trình chinh phục bầu trời của Đoàn bay 919 ảnh 5
Đội ngũ phi công của Đoàn bay 919liên tục được đào tạo, chuyển loại, cập nhật kiến thức để nhanh chóng làm chủ công nghệ mới

“Chúng tôi cảm thấy rất tự hào trong cuộc đời vì giai đoạn đầu tiên được mặc bộ quân phục của không quân quân đội nhân dân Việt Nam. Giai đoạn 2, khi chuyển sang hàng không dân dụng, phi công quân sự lại mặc bộ sắc phục mang màu cờ sắc áo của hàng không Việt Nam. Được phục vụ cho ngành hàng không non trẻ nhưng cũng là bộ mặt của đất nước là niềm hạnh phúc vô bờ bến của chúng tôi!” ông Vận không giấu được niềm tự hào.

Theo ông Vận, trong quá trình lịch sử phát triển và hình thành, hãng hàng không Vietnam Airlines đã mạnh mẽ áp dụng chuyển đổi công nghệ mới khi tiếp cận những dòng máy bay tiên tiến, hiện đại. Đây là bước ngoặt thể hiện quyết tâm cao, quyết sách đúng để đi đúng hướng trong hoạt động kinh tế và hội nhập.

Ông Tô Ngọc Giang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, Đoàn trưởng Đoàn bay 919 cho biết, trong suốt quá trình 30 năm phát triển của Vietnam Airlines, Đoàn bay 919 luôn được đánh giá là đơn vị nòng cốt, then chốt trong các hoạt của Tổng Công ty.

Hành trình chinh phục bầu trời của Đoàn bay 919 ảnh 6

Ông Tô Ngọc Giang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, Đoàn trưởng Đoàn bay 919.

“Đoàn bay 919 đã nhận và đưa vào khai thác các dòng máy bay hiện đại nhất của Vietnam Airlines trong từng thời kỳ như A320, B777, A330, đến nay là B787 và A350. Đoàn bay cũng đảm nhận những chuyến bay chở khách, chuyên cơ, bảo đảm chỉ số đúng giờ cao cũng góp phần lớn vào nâng cao chất lượng dịch vụ” ,ông Giang nói.

Phi công Đoàn bay 919 cũng tham gia các nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng, dân sinh như thực hiện các chuyến bay giải cứu lao động Lybia, bay thẳng vào vùng dịch Covid-19 để sơ tán công dân Việt Nam về nước,… Hiện tại, các phi công Đoàn bay 919 vẫn giữ được chất lính, phẩm chất Anh bộ đội cụ Hồ, giữ vững “màu cờ, sắc áo” hàng không.

Thiếu tướng Bùi Tố Việt, Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân cho biết, Trung đoàn không quân năm xưa, nay là Đoàn bay 919 đã trở thành nòng cốt của ngành hàng không dân dụng Việt Nam, xây dựng nên Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, rất có uy tín, vị thế trong bản đồ hàng không thế giới.

Theo Thiếu tướng Bùi Tố Việt, Đoàn bay 919 là bộ phận không thể tách rời, không thể thiếu trong hội nhập, đối ngoại quốc tế, là cầu nối quảng bá văn hóa, đất nước con người Việt Nam ra thế giới, đóng góp hiệu quả, to lớn trong sự phát triển kinh tế đất nước.

“Về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Đoàn bay 919 là lực lượng dự bị hùng hậu, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, lực lượng dự bị được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng”, Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân nhấn mạnh.

Hành trình chinh phục bầu trời của Đoàn bay 919 ảnh 8
Phát triển nguồn nhân lực là hành trình kéo dài không ngừng nghỉ, không chỉ riêng cho Đoàn bay 919 mà còn của hãng hàng không Vietnam Airlines.

Đối với ngành hàng không dân dụng Việt Nam, Đoàn bay 919 là nơi cung cấp nhiều thế hệ phi công Việt Nam cho hàng không nước nhà. Họ là những sứ giả đưa Việt Nam kết nối với bạn bè thế giới cũng như góp phần thúc đẩy giao thương, văn hoá, chính trị qua những chuyến bay.

Đơn vị cũng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh khi có tình huống, cũng như đồng hành cùng cả nước trước thiên tai, dịch họa với những chuyến bay đặc biệt. Đoàn bay 919 xứng đáng là niềm tự hào của Vietnam Airlines và ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

Tại chương trình, nhiều phi công trẻ của Vietnam Airlines bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ và biết rõ hơn về sự mất mát, hy sinh to lớn của thế hệ trước để có được Đoàn bay hiện nay và cam kết phấn đấu với tinh thần quyết tâm cao, chăm chỉ rèn luyện, vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành phi công có bản lĩnh vững vàng, vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử hào hùng của Đoàn bay 919.