Những kỷ niệm khó phai của Đoàn bay 919

NDO -

Từng có nhiều đóng góp quan trọng trong cuộc kháng chiến của dân tộc và quá trình xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, Đoàn bay 919 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam hãng hàng không (Vietnam Arlines) mang trong mình những chiến tích hào hùng của một thời không thể nào quên.

Những kỷ niệm khó phai của Đoàn bay 919

Tự hào đoàn bay 60 năm tuổi…

Ngày 1-5-2019, Đoàn bay 919 (thuộc Vietnam Airlines) sẽ tròn 60 năm tuổi. Tiền thân là Trung đoàn Không quân vận tải 919 (Cục Không quân - Bộ Quốc phòng), Đoàn bay 919 là đơn vị bay vận tải quân sự - hàng không dân dụng đầu tiên của đất nước. Những phi công của Đoàn bay 919 năm xưa mỗi khi nhắc về quá khứ, thường tự nhận là chất lính không quân luôn chảy trong huyết quản của mình cho dù đã bao nhiêu năm trôi qua.

Cựu phi công Nguyễn Văn Sửu từng là thành viên Tổ bay IL-14, chia sẻ rằng ông sẽ không bao giờ quên ký ức về những lúc xuất kích cùng phi đội mang mật danh T-14. Trong hồi ức năm đó, ông cùng đồng đội chia thành hai tốp làm nhiệm vụ ném bom đồn Mang Cá và thả hàng xuống vùng Tam Giang, phía tây TP Huế, phục vụ cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 của Mặt trận Giải phóng Dân tộc Miền Nam. Để kịp thời chi viện cho mặt trận Huế đang gặp khó khăn, Đội bay IL chia làm sáu tổ, mỗi tổ năm người nhận nhiệm vụ lái những chiếc IL-14, loại máy bay chở hàng nhưng được kỹ sư của ta cải tiến, lắp thêm giá bên ngoài thành máy bay ném bom.

Những kỷ niệm khó phai của Đoàn bay 919 ảnh 1

Hôm đó thời tiết xấu, mưa phùn giăng kín, mây mù dày đặc và màn đêm đen kịt. Để bảo đảm yếu tố bí mật và bất ngờ, T-14 quyết định không sử dụng đài dẫn đường và phi công phải thực hiện phương châm “tự đi, tự dẫn, tự đánh”, căn cứ vào những tham số đã tính toán từ trước mà điều khiển, giữ vững tốc độ, độ cao, hướng bay theo quy định rồi ước lượng thời gian bay để tìm ra mục tiêu. Khi bị máy bay địch phát hiện và bám theo, phi công ta nhiều lần bay ngoặt để đánh lạc hướng radar và hạ xuống độ cao 300 m, khiến máy bay địch không dám bám đuôi. Có tổ bay kiên nhẫn lượn nhiều vòng tìm vị trí, đến khi đèn đỏ báo hiệu cạn nhiên liệu đã không kịp hủy bom, buộc phải mang cả bom hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm dù biết là rất nguy hiểm.

Sáng 13-2-1968, Đài BBC đưa tin: “Lần đầu tiên, không quân Bắc Việt Nam đã ném bom xuống cửa biển Thuận An, đánh chìm một tàu và bắn hỏng hai tàu khác”. Nhưng thành công nào mà chẳng có đánh đổi. Sau khi lập nên chiến công ấy, cả hai tổ bay đã không về. Đời lính không quân được ghi dấu bằng những chuyến bay quả cảm, mỗi khi ra mặt trận, cố liên lạc mà không nhận được tín hiệu của đồng đội là biết đã có những tổn thất, hy sinh.

Chỉ tính riêng quá trình tham gia và chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh, các máy bay của Trung đoàn Không quân vận tải 919 đã thực hiện 163 chuyến bay; cơ động 4.250 cán bộ, chiến sĩ; vận chuyển 120,7 tấn vũ khí, phương tiện kỹ thuật. Trong đó có 48 tấn đạn pháo cho xe tăng và bản đồ thành phố Sài Gòn, biểu ngữ, truyền đơn, thuốc men... đáp ứng các nhu cầu cấp bách cho chiến dịch.

… và những dấu mốc khó quên

Những kỷ niệm khó phai của Đoàn bay 919 ảnh 2

Ngày 22-12-1990, toàn bộ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp của Đoàn bay 919 được chuyển ngành tại chỗ, ra khỏi quân đội để xây dựng ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

Năm 1993, Đoàn bay 919 chính thức trở thành đơn vị trực thuộc Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (kể từ năm 1995 trực thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam). Đây là bước chuyển đổi quan trọng của Đoàn bay 919 sang hoạt động kinh doanh vận tải hàng không phục vụ phát triển kinh tế quốc dân, là tiền đề ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh sau này.

Cùng với thời gian, thế hệ phi công trẻ của Đoàn bay 919 ngày nay tiếp tục kế thừa và phát huy khí chất anh hùng của những bậc tiền bối. “Đoàn bay 919 là một thương hiệu rất lớn không chỉ đối với ngành hàng không trong nước mà từ lâu đã được hàng không khu vực và quốc tế biết đến, bởi Đoàn bay 919 trưởng thành từ quân đội với những trận không chiến đã đi vào lịch sử giữ nước của dân tộc, với những tấm gương anh hùng được Tổ quốc ghi công. Truyền thống hào hùng ấy nhắc nhở chúng tôi - những người đi sau phải tiếp nối bằng việc vươn lên làm chủ công nghệ mới”, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, nguyên Đoàn trưởng Đoàn bay 919 Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ.

Sở hữu những điều kiện thuận lợi hơn, ngày nay, các phi công của Đoàn bay 919 được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và nhanh chóng tiếp cận các công nghệ tàu bay mới nhất của thế giới như Airbus A350-900, Airbus A321, hay Boeing 787-9.

Những kỷ niệm khó phai của Đoàn bay 919 ảnh 3

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết thêm, cách đây khoảng 10 năm, Đoàn bay 919 mới có chưa đến 35% phi công là người Việt Nam. Khi xây dựng chiến lược phát triển, Đoàn bay 919 đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ phi công nước ngoài xuống còn 25% và đưa tỷ lệ phi công Việt Nam lên 75%. Đến nay, mục tiêu này đã sắp hoàn thành, Đoàn bay 919 hiện có khoảng 1.200 phi công thì chỉ có 30% phi công nước ngoài mang gần 60 quốc tịch khác nhau, còn lại là phi công người Việt.

Trên hành trình không ngừng hoàn thiện của Đoàn bay 919, những câu chuyện hào hùng của quá khứ luôn là ngọn lửa cháy mãi qua năm tháng, để mỗi phi hành đoàn của Vietnam Airlines vững tâm và tự hào thực hiện trọng trách mang hình ảnh của Tổ quốc vươn ra thế giới qua những cánh bay.