Sớm chủ động tự đào tạo phi công ở trong nước

Theo dự kiến, đến năm 2020, nước ta cần khoảng 2.680 phi công thương mại. Việc chủ động đào tạo bay trong nước là một vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự đầu tư đúng hướng của ngành hàng không.

Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên (bên trái) hướng dẫn thực hành bay cho học viên.
Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên (bên trái) hướng dẫn thực hành bay cho học viên.

Gần 10 tháng sau khi bắt tay hợp tác kinh doanh với nhà sản xuất thiết bị mô phỏng buồng lái hàng đầu Ca-na-đa (CAE Inc), mới đây, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã đưa vào khai thác Tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái (SIM). Bài toán khó về đào tạo phi công ngay ở trong nước đã tìm ra lời giải.

Đầu tư bài bản

Trang thiết bị kỹ thuật không đồng bộ so với yêu cầu phát triển của ngành hàng không hiện đại được xem là khó khăn chính khiến việc đào tạo bay trong nước trước đây tưởng như quá xa vời. Từ năm 2003, ý tưởng hình thành một trung tâm huấn luyện bay trong nước đã được nhen nhóm, do Cục Hàng không Việt Nam cấp phép đào tạo phi công. Khi ấy, toàn bộ công tác huấn luyện, đào tạo phi công đều phải thực hiện ở nước ngoài. Đến năm 2012, để tiết kiệm chi phí và chủ động trong việc huấn luyện, đào tạo, VNA đã đầu tư trang thiết bị mô phỏng buồng lái SIM A320-200 đầu tiên để huấn luyện phi công tàu bay A321 tại trung tâm huấn luyện bay trong nước.

Tính đến tháng 12-2014, việc các phi công A321 được huấn luyện bay tại Việt Nam, theo tính toán của VNA đã tiết kiệm khoảng 130 tỷ đồng so với việc đưa phi công đi huấn luyện tại nước ngoài. Đây là căn cứ quan trọng hình thành, xây dựng một trung tâm huấn luyện bay với tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái quy mô lớn, mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đón đầu phát triển. Tháng 10-2017, VNA hợp tác kinh doanh cùng nhà sản xuất thiết bị mô phỏng buồng lái Ca-na-đa (CAE Inc), lắp đặt thêm một thiết bị mô phỏng buồng lái máy bay A321. Đến năm 2018, lần lượt hai thiết bị mô phỏng buồng lái A350 và Boeing 787 được CAE hoàn tất trang bị để hoàn thiện Tổ hợp SIM tại trung tâm huấn luyện bay.

Như vậy, nước ta đã có một trung tâm huấn luyện bay đủ tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ huấn luyện bay cho phi công thương mại, phi công chuyển loại cho cả thị trường trong nước và quốc tế. Theo lãnh đạo VNA, mục tiêu sắp tới của trung tâm là đứng trong tốp 5 các trung tâm đào tạo bay hiện đại, chuyên nghiệp, uy tín tầm khu vực.

Hiện nay, mức thu nhập trước thuế của một số phi công VNA dao động từ 62 triệu đồng đến gần 300 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, để có được thu nhập đáng mơ ước này, các học viên phải đáp ứng được yêu cầu đặc biệt, trải qua khâu tuyển chọn rất khó khăn về thể hình và thể lực, cùng khoản chi phí đào tạo ước tính lên tới vài tỷ đồng để trở thành một phi công trình độ cơ bản. Sau đó, sẽ phải tiếp tục đào tạo, tham dự các khóa học tại các trường huấn luyện uy tín trên thế giới để có được bằng lái quốc tế.

Trước đây, VNA phải bỏ nguồn kinh phí lớn huấn luyện chuyển loại và định kỳ sáu tháng một lần tại các trung tâm SIM ở nước ngoài đào tạo phi công cơ bản thành phi công khai thác, điều khiển các dòng máy bay chủ lực của hãng. Chưa kể việc gửi phi công thương mại ra nước ngoài huấn luyện bay phụ thuộc rất nhiều vào thời gian, chương trình của phía đối tác.

Đại diện Trung tâm huấn luyện VNA chia sẻ, tính đến thời điểm hiện tại, trung tâm đã cung cấp dịch vụ đào tạo cho hơn 10 hãng hàng không trong khu vực. Việc đồng bộ hóa thiết bị và công nghệ song song với những bổ sung về đội ngũ nhân sự đào tạo phi công thương mại nhiều kinh nghiệm là căn cứ để bảo đảm việc trung tâm hoàn toàn có thể đào tạo bay thương mại và chuyển loại ở trong nước ngay từ năm 2018 này.

Từng bước khẳng định năng lực

Hiệu trưởng Trường đào tạo phi công Bay Việt Nguyễn Nam Liên, từng là cơ trưởng dòng siêu tàu bay Boeing 787 cho rằng, xã hội hóa huấn luyện phi công không đồng nghĩa với chất lượng thấp, mà là thực tiễn toàn cầu được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các hãng hàng không trên thế giới. Vấn đề đặt ra là hãng hàng không phải đưa ra tiêu chuẩn yêu cầu đầu vào phù hợp và theo dõi sát sao hoạt động huấn luyện nhằm kiểm soát chất lượng phi công khi tuyển dụng.

Việc tài trợ huấn luyện phi công thông thường chỉ xảy ra ở một trong ba trường hợp: Khi điều kiện kinh tế - xã hội không cho phép đầu tư của tư nhân; các hãng hàng không mới phát triển cần quy hoạch nguồn lực phi công theo kế hoạch phát triển đội tàu bay hoặc một số hãng hàng không lớn muốn duy trì chất lượng huấn luyện nghiêm ngặt theo chuẩn đặc thù của hãng. Nhược điểm của phương án đầu tư tài trợ chi phí huấn luyện phi công là giá thành chi phí cao, cơ chế xin - cho dễ phát sinh tiêu cực và khó dự báo được số lượng thành công.

Thực tiễn xã hội hóa huấn luyện phi công giải quyết được nhược điểm của các phương án nêu trên bởi ưu thế về sự lựa chọn ứng viên rộng, chất lượng bảo đảm khách quan và tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư tạo nguồn nhân lực của hãng hàng không. Thí dụ, giai đoạn 2009-2010, VNA có đề án đào tạo 200 phi công cơ bản, chi phí đầu tư 650 tỷ đồng. Nhưng với chính sách xã hội hóa từ năm 2013, chưa tính các nguồn khác, VNA đã tuyển dụng được 210 phi công cơ bản chỉ riêng từ Bay Việt mà không phải đầu tư chi phí gì từ ngân sách.

Tính đến năm 2018, khoảng 30 phi công cơ bản tốt nghiệp từ Bay Việt đã về làm việc tại các hãng hàng không trong nước khác. Chương trình huấn luyện tại Bay Việt bắt đầu từ khâu tuyển chọn với ba vòng thi tuyển khách quan nhằm đánh giá ứng viên từ tiếng Anh cơ bản trên máy tính đến kiểm tra kỹ năng và năng khiếu về độ thích ứng với nghề. Số lượng ứng viên trúng tuyển nằm trong khoảng 40 đến 50% tổng số ứng viên dự thi. Khi trở thành học viên của Bay Việt, các học viên sẽ trải qua sáu tháng huấn luyện với 14 môn học lý thuyết phi công vận tải hàng không.

Sau khi hoàn thành lý thuyết, học viên sẽ lựa chọn trường huấn luyện bay tại nước ngoài nằm trong danh sách đối tác của Bay Việt được các nhà đương cục uy tín trên thế giới phê chuẩn, Cục Hàng không Việt Nam công nhận. Đối với nhiệm vụ xã hội hóa đào tạo phi công, Bay Việt hướng tới mục tiêu cung cấp ít nhất 50% nguồn lực phi công trong nước và khu vực vào năm 2022; triển khai huấn luyện toàn bộ giai đoạn bay thực hành tại Việt Nam vào năm 2022 và chắc chắn việc thành lập trường phi công dân dụng tại Việt Nam là thực tiễn không xa.

Theo dự báo kế hoạch phát triển đội tàu bay đến năm 2026, VNA sẽ khai thác 117 tàu bay; trong đó, chủ yếu là tàu bay thân rộng hai lối đi A350 và Boeing 787. Việc chuẩn bị phát triển nguồn nhân lực làm chủ cả ba dòng máy bay chủ lực của VNA được xác định là cần thiết. Không chỉ tiết kiệm về chi phí, phi công được đào tạo bay ở trong nước mà còn chủ động về thời gian, công nghệ và không phụ thuộc vào các đối tác đào tạo.