Từ năm 2005, khi Việt Nam phát hiện khoảng 4.000 cá thể gấu bị nuôi nhốt để lấy mật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (WAP) ban hành Quyết định số 02/2005/QĐ-BNN nhằm quản lý và từng bước chấm dứt tình trạng này.
Theo quy định, các cá thể gấu bị nuôi nhốt phải được gắn chíp điện tử để quản lý và quy trình đăng ký, gắn chíp đã hoàn thành vào năm 2006. Từ đó đến nay, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã phối hợp Tổ chức Động vật châu Á (AAF), Four Paws và Free The Bears để cứu hộ gấu, thúc đẩy thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc không sử dụng mật gấu.
Sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu
Theo đại diện Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (WAP), việc đăng ký và gắn chíp cho các cá thể gấu là một trong những bước quan trọng đầu tiên được thực hiện vào năm 2005. Dù đây là một hành trình gian nan, nhưng hoạt động nuôi nhốt gấu đang dần chấm dứt, tiến tới sẽ sớm bị xóa bỏ hoàn toàn tại Việt Nam là thành tích đáng ghi nhận.
Biểu dương tổ chức, cá nhân có thành tích. |
Đại diện ENV cho biết, tính đến tháng 8, số lượng gấu bị nuôi nhốt trên cả nước đã giảm mạnh từ khoảng 4.000 cá thể vào năm 2005 xuống còn 192 cá thể tại 60 cơ sở trên toàn quốc.
Hiện tại, 46/63 tỉnh, thành phố đã hoàn toàn không còn tình trạng nuôi nhốt gấu. Các địa phương như Lâm Đồng, Bình Dương là những điểm sáng trong việc thuyết phục thành công các chủ nuôi tự nguyện chuyển giao gấu đến các trung tâm cứu hộ. Tuy nhiên, Hà Nội hiện vẫn còn là địa phương có số lượng gấu bị nuôi nhốt lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 49% tổng số gấu còn lại, với 94 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt tại 16 cơ sở tư nhân, phần lớn tập trung tại huyện Phúc Thọ.
Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ tình trạng nuôi nhốt gấu còn tồn tại ở một số địa phương, cộng đồng xã hội mong muốn các cơ quan quản lý liên quan cần có thêm các biện pháp mạnh mẽ hơn để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu…