Chương trình được tổ chức dưới hình thức như một lễ hội, học sinh mang cây đã được chấm điểm tới đổi lấy phần quà và giải thưởng. Đây là những cây thuốc do học sinh tự gieo hạt hoặc sưu tầm dựa trên việc tìm hiểu danh mục các cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu do Trung ương Hội Đông y Việt Nam và Tổ chức Động vật châu Á đồng biên soạn.
Ngày hội này là kết quả của một cuộc thi nhằm động viên khuyến khích sự cố gắng của học sinh tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên và trồng các loại cây thảo dược có tác dụng thay thế cho mật gấu. Trước đó, vào ngày 4-10, Tổ chức đã phát động cuộc thi “Trồng cây bảo vệ gấu”, kêu gọi các em nhỏ hãy tìm hiểu thêm về các loài cây thuốc thay thế mật gấu, góp phần bảo vệ gấu và môi trường xanh sạch đẹp. Cuộc thi này còn khuyến khích các em học sinh tìm hiểu về tái chế nhựa thành những vật dụng có ích. Sau gần hai tháng phát động, đã có hơn 712 cây dự thi trên tổng số 852 học sinh toàn trường.
Ban tổ chức đã trao 104 giải nhất, 294 giải nhì và 314 giải khuyến khích cho tất cả các em học sinh có cây tham dự.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm, Tổ chức Động vật châu Á, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương cùng Trường tiểu học Phụng Thượng trao giải cho các em học sinh.
Chương trình thực sự là một lễ hội đối với các em nhỏ. Mỗi em học sinh đều háo hức, bê cây do mình chăm sóc, trang trí, viết thông điệp bảo vệ gấu tới sân trường và đổi lấy một phần quà. Cây do các em học sinh trồng và chăm sóc chăm sóc từ hạt giống do Tổ chức Động vật châu Á cung cấp trước đó như hạt ngưu tất, ích mẫu, bạch chỉ hoặc do các em sưu tầm từ vườn nhà hoặc khu vực xung quanh như cây nghệ, cây mã đề, cây ngải cứu. Nhiều học sinh có cây sinh trưởng tốt, chỉ từ những hạt giống nhỏ xíu đã thành những khóm cây cao tới 30-40 cm và có hoa. Hầu hết các em nhỏ đều thể hiện sự sáng tạo của mình trong việc tái chế nhựa thành những chậu cây rất dễ thương. Việc chăm sóc cây trong suốt hai tháng là dịp để các phụ huynh và gia đình cùng hỗ trợ các em nhỏ mới chỉ học tiểu học tìm hiểu về một cách bảo vệ loài gấu rất thân thiện, bồi đắp kĩ năng sống xanh, thân thiện với thiên nhiên. Từ đó, chính các em sẽ là những tuyên truyền viên tới gia đình và cộng đồng khuyến khích sử dụng các loại cây thuốc, vị thuốc thay thế tác dụng chữa bệnh của mật gấu, dần chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật và bạo hành động vật vô lý.
Những gương mặt háo hức mang cây đi đổi quà.
Tổ chức hướng tới mục tiêu giới thiệu các cây thảo dược có tác dụng thay thế mật gấu, và cùng với nhà trường đã xây dựng một vườn sinh học rộng 200 m2 trong khuôn viên trồng nhiều cây thảo dược thay thế mật gấu nhằm giúp học sinh được tiếp nhận thông tin một cách trực quan, sinh động, đồng thời các em nhỏ có thể tự tay đóng góp xây dựng vườn trường thêm xanh, ý nghĩa, cũng như góp sức tuyên truyền chấm dứt việc sử dụng mật gấu để bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
Xã Phụng Thượng, thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội rộng khoảng 6km 2 với dân số khoảng 15.000 người. Xã Phụng Thượng cũng là địa phương có khoảng 200 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong các hộ dân, chiếm đến ¼ số lượng gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại trên khắp cả nước. Trường tiểu học Phụng Thượng có hơn 850 em học sinh là người dân địa phương. Cách cổng trường học của các em không xa, có rất nhiều trang trại nuôi nhốt gấu vẫn còn tồn tại trên địa bàn.
Một bé trai với cây ích mẫu gieo từ hạt giống.
Trong rất nhiều năm nay, Tổ chức Động vật châu Á đã cùng phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền tại khu vực theo hướng tiếp cận thân thiện và tôn trọng cộng đồng.
Thực hiện kế hoạch tuyên truyền bảo vệ gấu năm 2018 tại địa bàn xã Phụng Thượng, Tổ chức Động vật châu Á và Hạt Kiểm lâm Đan Phượng thuộc Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và UBND xã Phụng Thượng phối hợp cùng thực hiện kế hoạch tuyên truyền với nhiều hình thức như tư vấn khám sức khỏe miễn phí và phát thuốc mẫu thảo dược thay thế mật gấu cho bà con, trồng vườn thảo dược mẫu và tuyên truyền cho học sinh Trường tiểu học Phụng Thượng, Hà Nội.
Ý thức bảo vệ gấu được "gieo" trên sân trường của xã còn nuôi gấu nhiều nhất Việt Nam.