Trong những năm qua, các cơ quan có trách nhiệm đã nỗ lực trong công tác kiểm tra, giám sát, quản lý việc nuôi gấu tại các hộ dân và đã thu được nhiều kết quả. Tuy vậy hiện nay, tại một số địa phương của thành phố Hà Nội, việc nuôi nhốt gấu vẫn còn diễn ra, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đề xuất các giải pháp hiệu quả để sớm chấm dứt tình trạng này...
Xử lý nghiêm vi phạm
Ngày 27/5/2022, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp Công an huyện Đan Phượng đã phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Văn Thao (trú tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ) đang vận chuyển trái phép 350 lọ mật gấu. Đây là vụ thu giữ số lượng mật gấu lớn nhất từng được ghi nhận tại Việt Nam từ trước đến nay.
Theo cơ quan chức năng, Thao khai nhận số mật gấu bị thu giữ nêu trên được chích hút trực tiếp từ các cá thể gấu ngựa đang nuôi, nhốt tại nhà của mình tại huyện Phúc Thọ. Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, Nguyễn Văn Thao hiện đang nuôi, nhốt bảy cá thể gấu tại nhà. Vụ việc đang được cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục điều tra, làm rõ.
Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Quang Hồng (Diễn Châu, Nghệ An) về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Hồng bị bắt giữ khi đang vận chuyển, tàng trữ và bán mật gấu tươi tại khu vực phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Tại cơ quan công an, Hồng khai nhận, từ tháng 8/2020, Hồng mua 130 lọ mật gấu tươi tại Nghệ An với giá 50.000 đồng cc, sau đó thông qua mạng xã hội rao bán sản phẩm với giá 100.000 đồng/cc. Qua giám định đây là mật gấu ngựa có tên trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Thực tế cũng đã có nhiều bản án nghiêm khắc đối với các hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã nói chung và loài gấu nói riêng. Đây là những nỗ lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc bắt giữ, khởi tố thành công, kịp thời đối với những đối tượng có hành vi vi phạm, qua đó tuyên truyền, giáo dục, răn đe để phòng, chống loại tội phạm này.
Gấu là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nằm trong danh mục IB của Nghị định 06/2019/NĐ-CP cho nên các quy định về quản lý, nuôi nhốt gấu phải theo quy định của pháp luật về quản lý động vật rừng quý hiếm, nguy cấp.
Theo quy định tại Điều 234 Bộ luật Hình sự, các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã… đều bị xem xét để xử lý hình sự. Hà Nội hiện vẫn là nơi tập trung lớn nhất về tình trạng nuôi, nhốt gấu, chiếm hơn một nửa số lượng gấu đang bị nuôi, nhốt trên cả nước. Trong đó, 93% số lượng gấu nuôi nhốt tại Hà Nội tập trung ở huyện Phúc Thọ. Tình trạng chích hút và buôn bán mật gấu tuy không công khai nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Số lượng mật gấu đặc biệt lớn bị thu giữ trong vụ án nêu trên cũng cho thấy tính chất phức tạp và quy mô lớn của hoạt động chích hút và buôn bán mật gấu tại một số cơ sở nuôi nhốt gấu trên địa bàn thành phố. Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát và bản án nghiêm khắc đối với các đối tượng vi phạm sẽ có tác dụng cảnh tỉnh những người đang có hành vi nuôi nhốt, chích hút mật gấu trái phép, khiến họ từ bỏ hoạt động này trong thời gian sớm nhất để từ đó đóng góp vào nỗ lực chung nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.
Gỡ khó cho các hộ nuôi nhốt gấu
Theo số liệu quản lý của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, tính đến quý I/2022, toàn thành phố có 179 cá thể gấu đang được nuôi nhốt, trong đó có 29 cá thể đang được chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội. Số còn lại 150 cá thể gấu đang được nuôi nhốt, có gắn chíp tại các hộ dân ở các địa phương: Mê Linh, Long Biên, Sơn Tây và Phúc Thọ. Huyện Phúc Thọ là nơi tập trung nhiều cơ sở nuôi nhốt gấu nhất của Hà Nội với 21 cơ sở nuôi chăn nuôi cùng số lượng lên tới hơn 130 cá thể.
Theo Hạt trưởng Kiểm lâm Đan Phượng Nguyễn Việt Hà, tất cả hộ nuôi gấu trên địa bàn huyện Phúc Thọ tồn tại trước khi có Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Thời điểm đó, cũng như các loài vật khác, nuôi gấu là một ngành chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế nông hộ. Từ một vài hộ dân trong xã đã phát triển dần lên thành hàng chục hộ nuôi với số lượng hàng trăm cá thể gấu. Khi có quy định của Chính phủ, công tác quản lý, kiểm soát bằng hình thức gắn chíp cho gấu đã đi vào nền nếp. Tuy nhiên, do pháp luật nghiêm cấm các hoạt động buôn bán gấu và các sản phẩm từ gấu cũng như nhu cầu sử dụng mật gấu giảm đã ảnh hưởng lớn đến việc nuôi nhốt gấu tại các hộ gia đình. Hiện nay, nhiều hộ gia đình gặp khó khăn về kinh tế do giá thức ăn tăng, không ít hộ "sống dở, chết dở" vì gấu do phải vay mượn để đầu tư, đến nay vẫn chưa trả hết nợ.
Bà Đỗ Thị Bích Hiền, thôn 4, xã Phụng Thượng cho biết, hiện gia đình đang nuôi, nhốt 20 cá thể gấu có gắn chíp. Mỗi ngày, ngoài các loại thức ăn tự cung, tự cấp, gia đình phải chi từ 30-40.000 đồng thức ăn cho một con gấu. Hằng tháng, với đàn gấu trưởng thành nêu trên đã tiêu tốn từ 18-20 triệu đồng. Trước đây, việc nuôi gấu được xác định như nuôi gia súc. Do giá trị kinh tế cao cho nên gia đình bà đã dồn sức đầu tư vào việc chăn nuôi gấu. Hiện nay, cũng như nhiều hộ gia đình nuôi gấu khác, gia đình bà đang điêu đứng vì chăn nuôi loài thú này.
Bà mong muốn, chính quyền sở tại và các cơ quan có thẩm quyền sớm tìm các giải pháp hợp lý để gia đình được chuyển đổi vật nuôi mà không bị tổn thất về kinh tế.
Cùng chung nỗi lòng như hộ gia đình bà Hiền, ông Khuất Văn Hải ở thôn 7, xã Phụng Thượng cũng khẳng định, trước đây, việc nuôi gấu tại xã nói chung và của gia đình ông nói riêng rất phát triển, mang lại thu nhập rất tốt. Thời điểm khoảng từ năm 1998-2005, mỗi con gấu bán đi cho thu nhập từ 60-80 triệu đồng (tương đương với giá chuyển nhượng một sào đất). Do có thu nhập, người dân đầu tư, chăm sóc tốt, do đó đàn gấu cũng khỏe mạnh, béo tốt. Giờ đây, việc khai thác mật, buôn bán gấu đã bị pháp luật cấm, việc nuôi gấu cũng bị kiểm soát chặt chẽ thông qua gắn chíp, các hộ dân nuôi gấu như "thú cưng", phục vụ công tác bảo tồn, không sinh lợi cho nên gặp nhiều khó khăn.
Ông Hải cho biết: "Nếu Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ hợp lý để các hộ nuôi nhốt gấu chuyển đổi vật nuôi thì nhiều hộ gia đình sẽ giao nộp lại cho các cơ sở chăm sóc, bảo tồn gấu của Nhà nước. Làm được điều đó gấu cũng khỏe và chúng tôi cũng khỏe".
Chi Cục trưởng Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên chia sẻ, thực tế các hộ dân nuôi nhốt gấu đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí thức ăn không ngừng tăng lên, trong khi họ không có thu nhập thương mại từ loại vật nuôi này. Hiện nay, lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân về quản lý, nuôi nhốt gấu. Đồng thời tổ chức kiểm tra định kỳ số lượng gấu đã gắn chíp, vận động người dân ngừng nuôi gấu, trao trả các cá thể gấu cho cơ quan chức năng để quản lý tại các cơ sở chăm sóc, bảo vệ theo quy định. Tháng 1/2022, UBND thành phố Hà Nội đã có Chỉ thị yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã. Chỉ thị cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện Phúc Thọ, tăng cường kiểm tra hoạt động nuôi nhốt gấu ở tất cả cơ sở trên địa bàn. Hiện nay, số lượng gấu của thành phố còn tập trung chủ yếu tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ. Đây cũng là địa phương có nghề chăn nuôi gấu từ lâu đời. Do đó, cũng như các kiến nghị của người dân, ngành kiểm lâm mong muốn Nhà nước và các cơ quan liên quan sớm có giải pháp hữu hiệu, hỗ trợ kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân để tiến tới chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại các hộ gia đình, góp phần bảo tồn loài gấu đang có nguy cơ tuyệt chủng.