3 năm để đánh đổi nụ cười
Cứ Thị Sớ sống ở trên bản cao, nơi có địa hình rừng núi đầy trắc trở. Để đưa được Sớ về nơi điều trị, đó là cả một hành trình đầy khó khăn vì từ nhà em ra đường liên bản phải đi bộ đường mòn mất 1-2 tiếng, rồi đi xe máy ra đến quốc lộ 4D mất thêm 40 phút nữa mới tới địa điểm mà em có thể bắt xe về Hà Nội.
Ngày 28/8/2020, các bác sĩ và đội ngũ tại bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba đã chữa lành đôi môi cho em. Thế nhưng, nụ cười vẫn chưa trọn vẹn vì em vẫn cần phải tiếp tục đóng khe hở trong vòm miệng. Đây là một dị tật không nhìn thấy nhưng lại khiến em vô cùng vất vả trong việc ăn uống và phát âm.
Khoảng giữa tháng 9 năm 2022, sau khi trải qua một quá trình mất đến 2 năm, Tiến Lâm, nhân viên của tổ chức Operation Smile Vietnam và thầy Quyết, thầy giáo của em Sớ, đã làm công tác tư tưởng đầy thách thức khi vấp phải sự phản đối của gia đình em.
Cuối cùng, qua nhiều lần đến tận nhà thuyết phục, gia đình Sớ đã đồng ý đưa em xuống Hà Nội để tham gia chương trình phẫu thuật tại Bệnh viện 108, với mong muốn điều trị nốt phần vòm miệng cho em.
Sự khó khăn không chỉ dừng lại ở đó, khi xuống tới bệnh viện, cả hai bố con đều có xét nghiệm dương tính với Covid-19. Không còn cách nào khác, Lâm đành đưa hai bố con về lại Lào Cai, với ít hy vọng bố Sớ sẽ đưa Sớ trở lại Hà Nội khi đã khỏi bệnh, vì lúc đó, tâm lý người trên vùng cao vẫn kỳ thị với người mắc Covid-19. Gia đình nghĩ rằng, việc xuống Hà Nội chính là nguyên nhân làm họ nhiễm bệnh, và vì thế họ sẽ không đưa con gái trở lại Hà Nội nữa.
Cừ Thị Sớ trong những ngày điều trị tại bệnh viện. |
Nửa năm nữa lại trôi qua, đến tháng 3/2023, Operation Smile tổ chức chương trình phẫu thuật nụ cười tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cuba, Hà Nội, với nguồn kinh phí từ Topas và các cộng đồng chạy bộ, đối tượng chương trình hướng tới là các em nhỏ đến từ các tỉnh vùng cao Đông và Tây Bắc.
Một lần nữa, Tiến Lâm và thầy Quyết lại quyết tâm thuyết phục gia đình Sớ. Lúc đầu, gia đình không muốn cho đi vì nhà không còn đủ tài chính để chi trả. Nhưng may mắn thay, ngày 26/3/2023, một ngày trước ngày khám sàng lọc, các vận động viên runner sau khi tham gia giải Tiền Phong Marathon tại Lai Châu, trên đường về đã đồng ý đón bố con Sớ xuống Hà Nội.
Nhờ đó, bố con Sớ không hề tốn chi phí đi lại. Xuống tới bệnh viện, bố con Sớ còn được Operation Smile hỗ trợ thêm tiền ăn trong những ngày ở bệnh viện. Bố Sớ lúc đó mới thực sự an tâm.
Tuy đủ điều kiện để phẫu thuật, nhưng Sớ lại bị đau mắt, khiến cho lịch phẫu thuật phải lùi lại. Đúng vào ngày bố Sớ “đòi” về vì chờ đợi đã hơn 3 ngày, dù mắt em đã trở nên đỡ hơn rất nhiều. Và cuối cùng, em đã được phẫu thuật đóng khe hở vòm thành công vào ngày 31/3/2023.
Sau 5 ngày theo dõi và hồi phục, Cứ Thị Sớ đã được xuất viện. Vết mổ cũ ở môi rất đẹp, vết mổ mới trong khoang miệng cũng đã lành, giờ đây em đã hoàn toàn lành lặn và bình thường như bao bạn bè khác. Em trở về bản Họ Cứ, xã Trung Chải, Sa Pa, Lào Cai để tiếp tục cắp sách đến trường, sống đúng với độ tuổi của em một cách hồn nhiên nhất.
Trên đường đưa bố con Sớ ra nhà xe, bằng vốn tiếng Kinh không nhiều của mình, anh Phảng, bố Sớ liên tục cầm tay Tiến Lâm và nói “thông cảm anh nhé”, “thông cảm”, “thông cảm”.
Bản thân Lâm cũng không rõ là anh Phảng muốn nói từ “cảm ơn” hay “thông cảm”. Vì có thể anh Phảng nghĩ, bố con anh xuống đây nhờ được nhiều người giúp đỡ mà nhà anh lại không có gì để đền đáp. Nhưng dù câu nói đó có nghĩa như thế nào, niềm vui của Lâm và của những người đã tham gia trong hành trình của Sớ là rõ ràng.
Vui, vì họ đã có thể giúp Sớ đi một quãng đường, có đau đớn và khó khăn, có cả sự thất vọng lẫn niềm tin. Vui, vì mọi người đã cùng chung tay làm được một việc kỳ diệu: Đem sự “bình thường” đến cho Sớ.
Điều kỳ diệu ấy có thể không là gì so với cuộc sống đang còn quá nhiều khó khăn của đồng bào H'Mông, đặc biệt là những người phụ nữ H'Mông, nhưng Lâm và đội ngũ Operation Smile vẫn luôn kiên trì như tằm gặm lá dâu, luôn cố gắng từng chút một để đem lại sự bình thường cho nhiều cuộc đời hơn, phần nào giúp cuộc sống của các em nhỏ và gia đình bớt đi vất vả khó khăn.
Trong suốt 30 năm qua, hơn 60.000 gia đình đã đặt niềm tin vào Operation Smile, và nếu ví hành trình đem lại nụ cười cho trẻ em Việt Nam như một chuyến xe, thì chính sự tin tưởng và sự dũng cảm của các bậc phụ huynh, của các em nhỏ là nhiên liệu cho chuyến xe ấy. Hơn 60.000 ca phẫu thuật thành công trong suốt 30 năm qua là động lực to lớn giúp chuyến xe của chúng mình hướng tới thập kỷ mới - thập kỷ của tình yêu, với hy vọng và nỗ lực mang lại nhiều nụ cười hơn nữa, để đáp lại niềm tin của các em nhỏ và gia đình.
Tiến Lâm, nhân viên Operation Smile Vietnam
Cừ Thị Sớ đã có đôi môi đẹp và dần lành lặn sau hành trình 3 năm điều trị và phẫu thuật. |
Bác sĩ Nghĩa và 10 năm mang lại nụ cười cho trẻ em
Operation Smile may mắn vì luôn luôn nhận được những sự ủng hộ, giúp đỡ và đồng hành từ những vị bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế không những giỏi về chuyên môn mà còn có tấm lòng nhân ái.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, hiện là bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba, trong suốt gần 10 năm tình nguyện cùng Operation Smile, anh Nghĩa không chỉ trực tiếp phẫu thuật đem lại nụ cười cho rất nhiều em nhỏ, anh còn là cầu nối với nhiều mạnh thường quân để trao tặng những món quà là tô cháo, quần áo, thú bông…cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đưa con đến chương trình Phẫu thuật Nụ cười của Operation Smile.
Anh Nguyễn Trung Nghĩa trong chương trình đang thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba chia sẻ: “Từ những năm 2016-2017, khi bắt đầu tham gia vào chương trình phẫu thuật nụ cười tại viện, có những đêm trực nghe tiếng trẻ con khóc, bố mẹ không ngủ được bế con ra hành lang hát ru ầu ơ ví dầu vì sợ làm ảnh hưởng giấc ngủ của những gia đình khác, có đêm có một ông bố người dân tộc gặp mình dưới cổng thẫn thờ: "Bác ơi ở đây chỗ nào bán bỉm không ạ?", lòng tôi lại đau đáu trăn trở, mình có thể giúp được các bé không nhỉ?”
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa cùng bé Cù Thị Sớ. |
Kể từ đó đến nay, mỗi đợt có chương trình, dù biết các bé khi đến phẫu thuật đều đã được Operation Smile chi trả toàn bộ từ việc đi lại, ăn uống cho đến các ca phẫu thuật, nhưng anh Nghĩa vẫn muốn làm một điều gì đó thật tích cực và có ý nghĩa với các bé gia đình.
Một ý tưởng nảy sinh ngay trong đầu, anh Nghĩa kết nối ngay với các mạnh thường quân, đến thăm hỏi và tặng quà hỗ trợ về tinh thần cho các gia đình bệnh nhân đến phẫu thuật, đặc biệt là các bệnh nhân đến từ vùng sâu vùng xa, các em nhỏ người dân tộc.
Khi nhìn thấy những con gấu bông, những bộ quần áo mới, những đôi giày, chiếc dép mới, những bộ đồ chơi mà chưa bao giờ được nhìn thấy… trở thành một điều thật sự rất có ý nghĩa đối với các bé. Hình ảnh những bé con trên tay là những dây truyền dịch, những miếng dán vết thương, tay cầm những con gấu bông, đi ngủ cũng ôm, lúc ăn cũng ôm không rời, và nó sẽ trở thành khoảng ký ức tốt đẹp đối với các bé khi đến điều trị tại đây.
Operation Smile sẽ không thể mang lại bất cứ nụ cười và niềm hạnh phúc nào đến các em bé và các gia đình có con em mắc dị tật hở môi, hàm ếch nếu không có sự tham gia của mạng lưới bác sĩ, chuyên gia, nhân viên y tế với tấm lòng yêu thương trẻ em và hết lòng vì người bệnh như bác sĩ Nghĩa. Chính họ là người trực tiếp chữa lành đôi môi và mang đến tương lai tốt đẹp hơn cho các em.
"Thể thao thay đổi Cuộc đời - Sport changes Lives"
Dự án được Operation Smile Việt Nam hình thành một cách ngẫu nhiên vào năm 2016 và lớn mạnh nhanh chóng cho tới nay. Khoảng 1.000 em bé sinh ra với dị tật bẩm sinh trên gương mặt ở khắp cả nước đã được cung cấp các ca phẫu thuật an toàn, miễn phí nhờ vào những nổ lực không mệt mỏi của 70.000 cá nhân, tổ chức.
Được truyền cảm hứng từ những câu chuyện cá nhân, sức sáng tạo trong từng dự án nhỏ, ''Thể thao thay đổi cuộc đời" không chỉ giúp nâng cao sức khỏe của mỗi người tham gia mà còn giúp thay đổi cuộc đời của những em nhỏ. Những người làm dự án tin rằng, “Dù các em và gia đình không biết tên bạn, nhưng chắc chắn họ sẽ không bao giờ quên lòng tốt mà bạn đã chia sẻ”.
Xuất phát điểm với giải chạy Vietnam Mountain Marathon, Operation Smile được ban tổ chức trích từ tiền bán vé để quyên góp và tặng một số BIB chạy cho các đại sứ, thành viên ban cố vấn, tình nguyện viên tham gia chạy. Bằng những thông báo đơn giản trên trang cá nhân người chạy, sự kiện được lan rộng và nhiều người biết tới.
Mỗi bước chạy không chỉ là việc chiến thắng bản thân của người chạy mà hơn hết, nó còn đang góp phần cho một em bé ở nơi nào đó có cơ hội được phẫu thuật. Dần dần qua từng năm, phong trào chạy bộ phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia, Operation Smile cũng có thêm rất nhiều đối tác ban tổ chức giải thể thao mới, các công ty, đội nhóm cũng phát triển rộng khắp.
Operation Smile có mặt tại Việt Nam từ năm 1989, là kết quả của nỗ lực bình thường hóa mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ. Sau 34 năm hoạt động, tổ chức đã thực hiện sứ mệnh mang lại dịch vụ y tế miễn phí, an toàn và kịp thời cho hơn 66.000 bệnh nhân khắp cả nước.
Tuy nhiên, với con số khoảng 3.000 trẻ em sinh ra với dị tật vùng hàm mặt cùng 10,000 bệnh nhân chưa tiếp cận được với các dịch vụ y tế điều trị y tế miễn phí, Operation Smile vẫn cần sự chung tay đóng góp đến từ cộng đồng, các doanh nghiệp, công ty và nhà hảo tâm để đem lại thêm nhiều nụ cười cho các bệnh nhân.
Đó cũng là động lực để Operation Smile kết hợp cùng với rất nhiều hoạt động, sự kiện thể dục, thể thao trong những năm gần đây để tiếp nhận sự chung tay đóng góp từ mọi người và truyền tải thông điệp mang đầy tính nhân văn, tích cực “Thể thao thay đổi cuộc đời”.
Dự án được lan rộng trên khắp các tỉnh, thành phố ở Việt Nam và nước ngoài, không phân biệt điều kiện kinh tế hoặc tuổi tác của người tham gia. Có những em bé 5 tuổi vai vẫn đeo balo gấu, nhiệt tình đi cùng mẹ tham gia các giải chạy và chia sẻ câu chuyện của mình. Có những "vận động viên'' nghiệp dư gần 70 tuổi hăng hái tham gia vào 11 ngày Hành trình xuyên Việt không kể ngày đêm để lan toả thông điệp Thể thao thay đổi cuộc đời.
Chỉ tính riêng trong năm 2022 với các giải chính thức, Operation Smile đã được góp mặt cùng 19 sự kiện thể thao lớn nhỏ trên khắp cả nước.
“Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp và nhà tài trợ Kim cương Bắc Á Bank.
Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững. Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Website chính thức: https://humanactprize.org Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize
Bắc Á Bank - Đơn vị đồng hành cùng giải thưởng Human Act Prize, luôn kiên trì phấn đấu để giữ tâm sáng như sao, tạo ra một thế hệ khách hàng phát triển bền vững, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và an sinh xã hội.