Nhiều sáng kiến đột phá, dự án ấn tượng hướng tới cộng đồng

Nhiều sáng kiến đột phá, dự án ấn tượng hướng tới cộng đồng

NDO - Trong ngày 24/11, đại diện 35 dự án lọt vào Chung kết Giải thưởng Hành động vì cộng đồng 2023 đã thuyết trình trực tiếp trước Hội đồng giám khảo tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Nhiều dự án gây ấn tượng mạnh mẽ, tạo cảm xúc đặc biệt với Hội đồng Giám khảo và báo chí. 

Giải thưởng "Hành động vì cộng đồng" do Báo Nhân Dân tổ chức, với sự đồng hành của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp của Công ty cổ phần VCCorp. Đây là giải thưởng thường niên mang tầm quốc gia nhằm tôn vinh, thúc đẩy những dự án vì cộng đồng, ghi nhận xứng đáng những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang nỗ lực cống hiến cho xã hội.

GIÁM KHẢO CHẤM ĐIỂM TRỰC TIẾP PHẦN THUYẾT TRÌNH

Hội đồng giám khảo gồm 13 thành viên là những nhà hoạt động xã hội, đại diện các bộ, ban, ngành, nhà lãnh đạo các tổ chức có sức ảnh hưởng trong nước và quốc tế.

Nhiều sáng kiến đột phá, dự án ấn tượng hướng tới cộng đồng ảnh 1

Hội đồng giám khảo là những nhà hoạt động xã hội, đại diện các bộ, ban, ngành, nhà lãnh đạo các tổ chức có sức ảnh hưởng trong nước và quốc tế.

Trong cả ngày, đại diện các dự án thuyết trình và thực hiện hỏi đáp trực tiếp với Hội đồng Giám khảo trong thời gian 10 phút. Căn cứ vào đây, Hội đồng Giám khảo sẽ đánh giá và quyết định hồ sơ thắng các giải thưởng hạng mục và lựa chọn ra dự án xuất sắc nhất trao giải thưởng năm của Human Act Prize mùa đầu tiên.

35 dự án tham gia vào 6 hạng mục, bao gồm: Dự án bền vững (11); dự án kịp thời (2); dự án triển vọng (5); dự án truyền cảm hứng (6); dự án bền bỉ (7) và dự án sáng kiến đột phá vì cộng đồng (3).

NHIỀU DỰ ÁN HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Trong phần trình bày dành cho các hạng mục Dự án bền vững, đại diện các dự án đã trực tiếp thuyết trình về ý nghĩa cũng như kết quả đạt được tới Hội đồng Giám khảo.

Nhiều sáng kiến đột phá, dự án ấn tượng hướng tới cộng đồng ảnh 2

Đại diện một dự án trình bày tại vòng Chung kết.

Đại diện Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long cho biết, chương trình đã được triển khai từ năm 2016. Đến nay, dự án thực hiện được 496 mô hình tại 13 tỉnh, thành phố với nhiều kết quả ấn tượng. Năng suất lúa bình quân các mô hình tăng 400-500kg/ha, chi phí sản xuất bình quân giảm từ 1-1,5 triệu đồng/ha, từ đó lợi nhuận bình quân tăng lên 4-5 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, dự án cũng đã cung cấp kỹ thuật canh tác đến hàng ngàn lượt nông dân.

"Quy trình canh tác lúa thông minh đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật, đây là cơ sở khoa học để tiếp tục nhân rộng quy trình vào sản xuất lúa ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương khác trong cả nước", đại diện dự án thông tin.

Nhiều sáng kiến đột phá, dự án ấn tượng hướng tới cộng đồng ảnh 3

Nhà báo Hữu Việt, thành viên Hội đồng Giám khảo đặt câu hỏi cho đại diện các dự án.

Thuyết trình về dự án Thay đổi bản chất ngành sữa Việt Nam trên nền tảng phát triển bền vững, vì sức khỏe cộng đồng, đại diện từ Tập đoàn TH cho biết: Sau gần 15 năm khởi dựng, việc ứng dụng công nghệ cao và mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp quy mô lớn, dẫn dắt sự thay đổi bản chất ngành sữa (về phương thức sản xuất, về vấn đề giống, giải quyết bài toán số lượng đàn, năng suất, khắc chế thiên nhiên khi nuôi bò sữa ôn đới tại một đất nước nhiệt đới,…), đã góp phần đặt nền móng cho ngành sữa tươi sạch tại Việt Nam và phát triển bền vững.

TH đã và đang nỗ lực giảm phát thải trên toàn chuỗi sản xuất với nhiều giải pháp và sự đầu tư bài bản hướng tới bảo vệ môi trường, tạo ra những đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhiều sáng kiến đột phá, dự án ấn tượng hướng tới cộng đồng ảnh 5

Đại diện Tập đoàn TH trình bày về các dự án tại vòng Chung kết.

Một đóng góp nổi bật của TH đối với cộng đồng là việc tiên phong đưa ra những kiến nghị về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong ngành chăn nuôi và sản xuất sữa (trong đó có sữa học đường) nhằm minh bạch hóa thị trường sữa Việt Nam.

"Đó cũng là cách TH thực hiện trách nhiệm xã hội để minh bạch thị trường, theo hướng sản phẩm phải có quy chuẩn và rõ thông tin để người tiêu dùng lựa chọn, khi các doanh nghiệp cùng tuân thủ thì sẽ cùng đưa nền nông nghiệp và sản xuất của Việt Nam hội nhập quốc tế", đại diện Tập đoàn TH khẳng định.

Với dự án Cụm trang trại bò sữa công nghệ cao, hành động giảm phát thải khí CO2, thực hành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đại diện của TH true MILK cho biết, cũng như mọi hoạt động của Tập đoàn TH, cụm trang trại tuân thủ Chính sách phát triển bền vững được xây dựng dựa trên Các mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).

Cụm trang trại TH có những phương pháp hiệu quả vì môi trường như: Lắp đặt điện mặt trời trên các mái trang trại, nhà máy TH nhằm cung cấp năng lượng sạch; xây dựng Nhà máy chế biến phân vi sinh sạch tiêu chuẩn quốc tế từ chất thải trang trại bò sữa TH; xử lý nước thải, hoàn trả nước lại tự nhiên đạt tiêu chuẩn QCVN 62/BTNMT, thành công thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó sản phẩm phụ và rác thải của quy trình này lại trở thành nguyên liệu đầu vào của một quy trình khác.

11 dự án thuộc hạng mục Bền vững bao gồm: Canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền); các dự án Thay đổi bản chất ngành sữa Việt Nam trên nền tảng phát triển bền vững, vì sức khỏe cộng đồng và Cụm trang trại bò sữa chăn nuôi công nghệ cao hành động giảm phát thải khí CO2 thực hành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (Công ty CP Tập đoàn TH); Dự án Nhà an toàn (Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững); Quỹ PTBV Six Senses Ninh Vân Bay; Green Plan (Công ty CP Traphaco); Mô hình 3F Tập đoàn Dabaco Việt Nam; Net Zero Vinamilk; Kinh tế tuần hoàn nhựa (Unilever Vietnam); Vì cuộc sống tốt đẹp hơn (L'Oréal Vietnam) và Vinasoy phát triển vùng nguyên liệu đậu nành bền vững trên cả nước.

ĐỀ CAO CÁC DỰ ÁN KỊP THỜI, TRIỂN VỌNG

7 dự án thuộc 2 hạng mục Dự án kịp thời và triển vọng cũng thu hút được sự quan tâm của Hội đồng giám khảo.

Người đại diện của dự án Nền tảng xã hội thiện nguyện (Ngân hàng TMCP Quân đội) chia sẻ, MBBank với những năng lực công nghệ sẵn có và tâm huyết phụng sự xã hội, đã cho ra mắt nền tảng thiện nguyện đầu tiên Make in Việt Nam vào tháng 9/2021.

Sau gần 2 năm, App Thiện Nguyện đã thu hút hơn 1 triệu thành viên, 3.050 chiến dịch gây quỹ, 819.134 giao dịch ủng hộ. Với ứng dụng này, ai cũng có thể lựa chọn chiến dịch mình tin tưởng và ủng hộ.

Tại hạng mục Triển vọng, một trong những dự án gây ấn tượng mạnh là Nuôi em Mộc Châu - Nối dài tương lai cho trẻ em nghèo miền núi.

Nhiều sáng kiến đột phá, dự án ấn tượng hướng tới cộng đồng ảnh 6

Dự án Nuôi em Mộc Châu - Nối dài tương lai cho trẻ em nghèo miền núi gây ấn tượng cho Hội đồng Giám khảo.

Dự án là hệ sinh thái gồm 10 dự án bổ trợ, lấy học sinh mầm non bản cao làm trung tâm từ đó giúp các em phát triển không chỉ về thể chất, tinh thần, học tập ngoài ra còn giúp các em giữ gìn, duy trì bản sắc dân tộc Việt Nam, góp phần tích cực vào “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030” của Thủ tướng Chính Phủ.

Dự án hướng tới một xã hội nơi trẻ em vùng cao được tiếp cận với giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người, phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ và hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vùng cao nền tảng vững chắc cho tương lai.

7 dự án thuộc hai hạng mục Kịp thời và Triển vọng bao gồm:

Dự án kịp thời: Siêu thị Mini Tết 0 đồng (Công Ty Cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ); Nền tảng xã hội thiện nguyện (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội MBBank)

Dự án triển vọng: Dự án thiên thần (Công ty Cổ phần IntelLife); Teach For Vietnam (Teach For Vietnam); Ethnicity Vietnam - Chuyện người muôn năm cũ (Enthnicity Vietnam); Hệ sinh thái dự án Nuôi em Mộc Châu (Hệ sinh thái dự án Nuôi em Mộc Châu); Nhóm từ thiện Fly to Sky.

KHƠI CẢM HỨNG, KẾT NỐI YÊU THƯƠNG TỪ NHỮNG ĐIỀU TỬ TẾ

Tại hạng mục Truyền cảm hứng, 6 dự án tham dự bao gồm Quỹ LOAN; Heo đất Momo; Trái tim cho em (Tổng Công ty Viễn thông Viettel); Dự án nuôi em; Giải chạy BIDV Run-phương thức vận động thực hiện hoạt động an sinh xã hội sáng tạo hiệu quả và Sáng kiến Ung thư muối.

Trình bày trước Hội đồng Giám khảo, bà Isabelle Muller, người sáng lập Quỹ LOAN cho biết: Quỹ được thành lập vào ngày 9/5/2016, với mục tiêu chính là hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số ở những vùng sâu vùng xa, nghèo nhất tại Việt Nam (những nơi rất ít hoặc chưa có tổ chức, cá nhân từ thiện nào đặt chân đến).

Quỹ hướng tới việc giúp trẻ em có thể tiếp cận được với giáo dục, tạo điều kiện học tập và sinh hoạt tốt cho các em và từ đó các em có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

Nhiều sáng kiến đột phá, dự án ấn tượng hướng tới cộng đồng ảnh 7

Bà Isabelle Muller, người sáng lập Quỹ LOAN trình bày về dự án tại sự kiện.

Trong 7 năm qua, Quỹ LOAN đã triển khai hiệu quả 39 dự án tại 8 tỉnh của Việt Nam: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái và Hà Tĩnh. Với tổng số tiền đã đầu tư cho các dự án lên đến hơn 1,5 triệu USD.

Một dự án khác cũng gây được sự chú ý là Hệ sinh thái nuôi em được anh Hoàng Hoa Trung, một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019, khởi xướng với hơn 10 dự án có mô hình bền vững góp phần cải thiện bữa ăn trưa, thể chất, cũng như tạo động lực để cha mẹ cho hơn 95.000 học sinh bản cao tới trường. Đồng thời, dự án cũng hỗ trợ ngành giáo dục, các vùng miền núi khó khăn khi mà thầy cô đỡ vất vả để vận động các em đi học.

Nhiều sáng kiến đột phá, dự án ấn tượng hướng tới cộng đồng ảnh 8

Phần trình bày của đại diện nhóm Dự án Nuôi em.

Người đại diện dự án chia sẻ những dự án nổi bật như: Sức mạnh 2000: Xây dựng trên 450 công trình giáo dục, Phòng tin học cho em tặng hơn 15 phòng tin học chỉ trong 6 tháng triển khai, Được học - Đỡ đầu laptop cũ cho sinh viên dân tộc thiểu số với hơn 120 laptop trao tặng chỉ trong vòng 11 tháng và nhiều dự án khác… Đặc biệt, hiện nay, phạm vi hiện nay của hệ sinh thái Nuôi Em đã có mặt ở 4 quốc gia: Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và Kenya.

HÀNH TRÌNH BỀN BỈ HƯỚNG TỚI CỘNG ĐỒNG

Tiếp theo, 7 dự án thuộc hạng mục Bền bỉ đã cho thấy hành trình không ngưng nghỉ để tạo lập các giá trị bền vững và hướng tới cộng đồng.

Trình bày tại vòng Chung kết, đại diện Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai thông tin: Từ 2008 đến 2023, Quỹ thực hiện phương châm “Kết nối sức mạnh cộng đồng phòng tránh thiên tai”, thực hiện vai trò làm cầu nối các tấm lòng vàng với người dân những vùng khó khăn, vùng bị thiên tai gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại, cùng đồng hành, sẻ chia để giúp người dân có được cuộc sống an toàn, tốt đẹp hơn.

Nhiều sáng kiến đột phá, dự án ấn tượng hướng tới cộng đồng ảnh 9

Ông Phan Diễn, Chủ tịch Hội đồng Quản lý quỹ Cộng đồng phòng chống thiên tai tại sự kiện.

Các chương trình, dự án do Quỹ triển khai đã nhận được sự ủng hộ và đóng góp tích cực của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương thông qua hình thức góp vốn đối ứng, với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Qua 15 năm hoạt động, Quỹ đã góp phần hỗ trợ nhiều địa phương, nhất là những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Các chương trình, dự án của Quỹ phòng tránh đã đáp ứng kịp thời những nhu cầu cấp bách của địa phương và cơ sở, đem lại hiệu quả thiết thực, được người dân, chính quyền các cấp hoan nghênh và đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Sau khi nghe thuyết trình về dự án Quỹ Cộng đồng phòng, tránh thiên tai, ca sĩ Mỹ Tâm cho biết chị cảm thấy vô cùng cảm phục và quyết định trực tiếp ủng hộ cho Quỹ 300 triệu. Ca sĩ cho biết, bản thân chị đã từng về nhiều vùng thiên tai nên rất hiểu về ý nghĩa của Quỹ; đồng thời mong muốn Quỹ ngày càng được nhiều người biết đến nhiều hơn.

Nhiều sáng kiến đột phá, dự án ấn tượng hướng tới cộng đồng ảnh 10

Ca sĩ Mỹ Tâm bày tỏ sự cảm phục với Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai; đồng thời quyết định trao tặng quỹ 300 triệu đồng.

Một dự án thực sự bền bỉ khác là Hành động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam do Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) thực hiện. Sau hơn 15 năm hoạt động tại Việt Nam, dự án đã và đang tập trung hoạt động tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Kontum.

Riêng trong năm 2022, các đội NPA đã xác định được hơn 130 km2 đất bị ô nhiễm vật liệu nổ, phát hiện và phá hủy an toàn hơn 13.700 vật nổ, chiếm 28% tổng số vật nổ NPA tìm được trên phạm vi toàn cầu. Các hoạt động này đã hỗ trợ trực tiếp đến 27.000 người, trong đó có 7.400 phụ nữ, 5.800 bé gái, 7.900 nam giới và 5.900 bé trai.

Lắng nghe thông tin về dự án, nhà báo Hữu Việt, thành viên Hội đồng Giám khảo bày tỏ sự cảm phục của mình trước hình ảnh các cô gái "phá bom" của NPA. Giải đáp thắc mắc này, đại diện dự án cho biết: Nhiều người vẫn mặc định rà phá bom mìn là hoạt động dành riêng cho nam giới. "Thông qua hoạt động thực tiễn, chúng tôi đã chứng minh phụ nữ cũng có thể làm và làm rất tốt việc rà phá bom, mìn; qua đó góp phần nâng cao vai trò của nữ giới nói chung", đại diện dự án nói.

Nhóm 7 dự án thuộc hạng mục Bền bỉ bao gồm: Tắt đèn bật ý tưởng (Công ty Cổ phần Thương mại BOO); Cùng Sen Vàng kết nối yêu thương (Vietnam Airlines); Kết nối sức mạnh cộng đồng phòng chống thiên tai (Quỹ Cộng đồng phòng chống thiên tai); Hope Foundation (Quỹ Hy vọng); Dự án Quỹ sữa vươn cao - Vinamilk; Hành động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam (Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) Việt Nam); Hành trình từ trái tim - Hành trình lập chí vĩ đại (Tập đoàn Trung Nguyên Legend)

Tại hạng mục Sáng kiến đột phá vì cộng đồng, 3 dự án lọt vào vòng Chung kết bao gồm: Hỗ trợ bệnh nhân ung thư; FAS Angel và Dự án sàng lọc miễn phí phản ứng có hại của thuốc Carbamazepine cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị hoặc có nguy cơ cao động kinh.

Đại diện dự án FAS Angel thông tin: FAS là viết tắt của First Aid Support, Angel là thiên thần – những thiên thần hộ mệnh luôn xuất hiện nhanh chóng để giúp đỡ những người bị nạn khi họ gặp khó khăn. Khởi đầu chỉ với 5 thành viên, thế nhưng sau vài tháng hoạt động, Đội đã nhanh chóng lan tỏa giá trị cao đẹp đến cộng đồng và nhận được sự phản hồi tích cực. Đến nay, Đội đã có trên 150 thành viên hoạt động tại Hà Nội và nhiều địa phương khác trong cả nước.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển hơn 4 năm, FAS Angel luôn xác định trọng trách, đặt lên hàng đầu phương châm “Không bỏ rơi người bị nạn”. Đây cũng là điều FAS Angel muốn lan tỏa đến cộng đồng để mỗi ngày, không may rủi ro mọi, người có thể xắn tay giúp đỡ lẫn nhau.

Đội đặt ra cho mình “5 không” trong hoạt động: Không bỏ rơi, Không thu phí, Không phân biệt, Không tranh cãi và Không phán xét. Đây là những điều tâm huyết mà các thành viên của Đội đã cùng nhau thống nhất và tuân thủ theo. Đến thời điểm hiện tại, đã có hàng nghìn người được FAS Angel hỗ trợ cấp cứu.

Nhiều sáng kiến đột phá, dự án ấn tượng hướng tới cộng đồng ảnh 11

Phạm Quốc Việt, đại diện FAS Angel trình bày về dự án tại vòng Chung kết.

Tại phần trình bày, anh Phạm Quốc Việt, đại diện FAS Angel cũng chia sẻ trải nghiệm của cá nhân và "đồng đội" về những kỷ niệm đau thương liên quan đến vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, nơi nhóm trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn.

"Chúng tôi không phải là anh hùng, mà chỉ là một người bình thường muốn đi giúp đỡ những người khác. Chúng tôi chỉ mong không còn sự cố tương tự nào xảy ra nữa", anh Việt nói.

Sau khi lắng nghe, ca sĩ Mỹ Tâm bày tỏ sự xúc động của cá nhân mình. Thành viên Hội đồng Giám khảo ngay lập tức quyết định ủng hộ Quỹ hoạt động của FAS Angel số tiền 200 triệu đồng.

Phát biểu tổng kết Vòng chung kết, đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định: Một trong những mục tiêu của Giải thưởng Hành động vì cộng đồng-Human Act Prize khác với các giải thưởng khác đó chính là sau khi trao giải thưởng, có thể kết nối một số dự án với các mạnh thường quân quan tâm tới vấn đề xã hội nhưng chưa có điều kiện tham gia.

"Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

back to top