Hành lang pháp lý cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề OCOP

NDO - Hoạt động bảo hộ Sở hữu trí tuệ được triển khai thực hiện là công cụ đắc lực để phát triển kinh tế-xã hội, tăng giá bán, sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đem lại lợi nhuận kinh tế cho người sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, hạn chế rủi ro trong kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm OCOP của TP Đà Nẵng trưng bày tại chương trình xúc tiến thương mại, tháng 5/2023. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Sản phẩm OCOP của TP Đà Nẵng trưng bày tại chương trình xúc tiến thương mại, tháng 5/2023. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Ngày 16/5, Trường đại học Đông Á phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo khoa học chủ đề "Pháp luật về đăng ký bản quyền cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề OCOP".

Các tham luận tại hội thảo là những nghiên cứu, phân tích tổng quan về pháp luật bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP hiện nay; nhu cầu tất yếu khách quan phải xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP; thủ tục hành chính về bảo hộ thương hiệu sản phẩm OCOP…

Đà Nẵng là địa phương rất chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP. Thành phố Đà Nẵng có 40 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó, có 17 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 23 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Trong đó 17 sản phẩm được công nhận sản phẩm thương mại đặc trưng và 33 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố với 59 đơn vị tham gia cả 3 chương trình (25 doanh nghiệp, 27 hộ kinh doanh, 6 hợp tác xã và 1 làng nghề).

Các đơn vị chức năng thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ phát triển 32 sản phẩm đặc trưng của thành phố xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận góp phần gia tăng giá trị nông sản, phát triển thương hiệu cộng đồng.

Tiêu biểu như: Nước mắm Nam Ô, bưởi Hòa Ninh, khô mè Quang Châu, chè dây Hòa Bắc, kiệu hương Hòa nhơn, gà đồi Đồng nghệ, trứng cút Hòa Phước...

Tuy nhiên, vấn đề hành lang pháp lý và Pháp luật về đăng ký bản quyền cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề OCOP, hiện vẫn chưa được nhiều địa phương quan tâm đúng mức.

Hành lang pháp lý cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề OCOP ảnh 1

Quang cảnh Hội thảo tại Trường đại học Đông Á Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Theo Tiến sĩ Lưu Bình Dương, Phó trưởng Khoa Luật Trường đại học Đông Á, khái niệm thương hiệu sản phẩm là khái niệm mang tính thương mại; việc bảo hộ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP hiện nay đang được tiếp cận và hiểu là bảo hộ dưới ba đối tượng là bảo hộ: Nhãn hiệu hàng hóa; tên thương mại và chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông sản OCOP.

Pháp luật về sở hữu trí tuệ không có quy định riêng, quy trình riêng cho việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm nông sản OCOP mà thực hiện theo quy định chung của pháp luật sở hữu trí tuệ.

Vì vậy, để bảo hộ được thương hiệu sản phẩm nông sản OCOP, người sản xuất phải quan tâm quy định pháp luật, tích cực thực hiện các quy định của Luật sở hữu trí tuệ như là biện pháp bảo vệ chính mình thông qua các quy định pháp luật.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Phó trưởng khoa Luật Trường đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) nhận định, thực trạng xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP ở các tỉnh thành Việt Nam hiện nay có 2 hướng:

Thứ nhất, chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP đã quan tâm và có ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm thông qua việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP, các địa phương cũng đã quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm OCOP.

Thứ hai, nhiều chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP chưa thực hiện đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, chủ thể lựa chọn hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP chưa phù hợp với sản phẩm.

Được biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2018-2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã hỗ trợ nông dân quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho đặc sản của địa phương dưới các hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao giá trị các nông sản gắn với địa danh.

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 517 đơn nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý liên quan đến các ngành nghề nông nghiệp nông thôn, trong đó, 337 nhãn hiệu tập thể; 165 nhãn hiệu chứng nhận và 15 chỉ dẫn địa lý hình thành các sản phẩm OCOP.