Chiều 18/4, nhân ngày nghỉ lễ, hai chị em ruột, một cháu học lớp 6, một cháu học lớp 5 ở xã Trường Thọ (huyện An Lão) ra khu vực đầm nuôi thủy sản ven sông Lạch Tray cách nhà khoảng 100m để chơi, đã tử vong nghi do trượt chân ngã xuống sông.
Tiếp đó, chiều 4/5, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hải Phòng) nhận được thông tin về vụ cháu B.X.T. là học sinh lớp 9, trú tại xã Bắc Sơn (huyện An Dương) mất tích tại kênh Tân Hưng Hồng do không biết bơi. Sau hơn 1 giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng tìm thấy nạn nhân đã tử vong.
Gần 1 tuần sau đó, ngày 10/5, Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực 5 nhận được thông tin từ Trung tâm chỉ huy 114 về một vụ đuối nước xảy ra tại xã An Hòa (huyện An Dương). Ngay lập tức, đơn vị đã nhanh chóng triển khai tìm kiếm và tìm được nạn nhân là cháu V. V. B., sinh năm 2011, ở thôn Ngọ Dương 4 (xã An Hòa).
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Phạm Thị Tô Trang, trên địa bàn Hải Phòng có 125 km bờ biển, cùng 5 cửa sông lớn đổ ra biển là Bạch Đằng, Cửa Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, sông Thái Bình và rất nhiều diện tích sông, hồ, ao, ngòi lớn… Tại các địa điểm này, nguy cơ đuối nước rất dễ xảy ra, nhất là trong tình hình thời tiết nắng nóng, khi nhu cầu bơi lội của trẻ em tăng cao thì nguy cơ đuối nước luôn rình rập và đe dọa sự an toàn của trẻ em.
Theo Đại tá Hoàng Văn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hải Phòng), thực tế cho thấy, tai nạn đuối nước xảy ra nhiều ở lứa tuổi học sinh. Nguyên nhân có thể xác định phần nhiều do sự chủ quan của người lớn đã thiếu sự giám sát đối với trẻ em. Cùng với đó, trẻ không biết bơi cũng như thiếu các kỹ năng, kiến thức về an toàn trong môi trường nước khi tắm tại sông, suối, hồ, ao… Trong trường hợp đó, trẻ em thường lúng túng trong xử lý khi gặp sự cố bất ngờ, nguy hiểm, dễ dẫn đến tai nạn đáng tiếc...
Cũng theo Đại tá Hoàng Văn Bình, để kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa đuối nước cho trẻ em, cộng đồng và gia đình cần cảnh báo cho trẻ em tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm, không nên rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông suối… khi không biết bơi. Cùng với đó, các gia đình cần hướng dẫn để trẻ tránh xa các khu vực nguy hiểm; luôn dõi theo con trẻ khi xuống nước tắm, bơi. Đồng thời, việc quan trọng hơn cả là trang bị các kỹ năng và huấn luyện bơi cứu đuối, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em trong môi trường nước cần được các cấp, các ngành, cùng toàn xã hội quan tâm vì sự an toàn của trẻ em. Tuy nhiên, việc cho trẻ làm quen với môi trường nước và học bơi cũng cần được tổ chức ở các lớp học, địa điểm bảo đảm về an toàn dưới nước và có người quản lý, chăm sóc…
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, hằng năm, đơn vị này phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Thể thao dưới nước thành phố tổ chức Giải Bơi thiếu niên, nhi đồng và Bơi cứu đuối phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Giải không chỉ nhằm cổ vũ, động viên các em học sinh, thiếu niên và nhi đồng trên địa bàn thành phố tích cực tham gia tập luyện môn bơi, lặn để nâng cao sức khỏe, mà còn là dịp để trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn cho trẻ em trong môi trường nước, phòng chống tai nạn đuối nước trong sinh hoạt và do bão, lũ gây ra…
Theo các chuyên gia về bộ môn thể thao dưới nước, đuối nước rất dễ xảy ra đối với trẻ em trong mùa nắng nóng khi các em chưa được trang bị kiến thức cơ bản, thậm chí kể cả các em được trang bị kiến thức cơ bản nhưng chưa hình thành thói quen tuân thủ nghiêm các quy định, nguyên tắc, thì nguy cơ đuối nước vẫn dễ xảy ra khi tiếp xúc hoặc chơi đùa trong môi trường nước.
Theo đó, những nguyên tắc, kỹ năng cơ bản giúp trẻ an toàn trong môi trường nước cần được các gia đình, nhà trường và những người lớn tuổi hướng dẫn các em tuân thủ nghiêm ngặt là: không xuống dưới nước nếu chưa biết bơi; cẩn thận khi vui chơi tại các khu vực biển, ao, hồ, sông, suối; không bơi lội khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi…
Thành đoàn Hải Phòng cũng đã triển khai chương trình "Giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho thiếu nhi thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2030", với việc ban hành tài liệu hướng dẫn trẻ em về phòng, chống tai nạn đuối nước phù hợp với tâm lý, độ tuổi của trẻ em; tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm, làm hàng rào tại những nơi nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước; phối hợp các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn phòng, chống tai nạn đuối nước cho cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội; tham mưu với thành phố trang bị mới các bể bơi di động nhằm phục vụ cho công tác phổ cập bơi cho trẻ em và tổ chức các hoạt động phát triển kỹ năng an toàn, tự bảo vệ và kỹ năng thoát hiểm khi gặp tình huống khẩn cấp bằng các mô hình trại hè kỹ năng, lớp trải nghiệm thực tế, tổ chức các giải bơi…
Chị Trần Thị Thúy (phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền) cho biết, ngay khi vừa nghỉ hè, chị đã động viên và đăng ký cho cả hai con trai của chị tham gia khóa học bơi cơ bản. Theo chị Thúy, học sinh tiểu học và trung học cơ sở đều rất thích vui chơi trong môi trường nước. Các con của chị cũng rất hào hứng với môn bơi lội trong hè này. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng không có nhiều các địa điểm học bơi thuận tiện, an toàn và phù hợp…