Hải Phòng hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững

Với quyết tâm chính trị cao, cùng sự điều hành linh hoạt trong phát triển kinh tế-xã hội, tăng trưởng GRDP của thành phố Hải Phòng liên tục trong bảy năm qua luôn ở mức hai con số và gấp 1,5 lần bình quân chung của cả nước. Tăng trưởng xanh đang là mục tiêu mà thành phố tập trung thực hiện nhằm giữ vững và tạo đà tăng trưởng bền vững trong hiện tại và tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất tại nhà máy của Công ty Pegatron trong khu công nghiệp DEEP-C Hải Phòng.
Sản xuất tại nhà máy của Công ty Pegatron trong khu công nghiệp DEEP-C Hải Phòng.

Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh từ năm 2014. Hải Phòng xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xanh hóa và bền vững, xây dựng thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho hay, thành phố đã và đang nỗ lực triển khai nhiều hành động tích cực nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mới đây nhất là thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng; trong đó, Hải Phòng đã xác định cùng với Thủ đô Hà Nội và Quảng Ninh trở thành đầu tàu, động lực trong phát triển của cả vùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế mới.

PGS, TS Trần Ðình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên tổ tư vấn Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, rất ấn tượng với năng lực chống chịu của Hải Phòng trong đại dịch Covid-19 vừa qua đã không để đứt gãy hoạt động kinh tế. Hải Phòng đang có đà tiến tốt, được Chính phủ đặt nhiều kỳ vọng xây dựng thành một cực tăng trưởng mạnh mẽ của quốc gia...

Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, cùng với nỗ lực phát triển nhanh, đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, logistics theo xu hướng quốc tế, thành phố Hải Phòng đặc biệt chú trọng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Ðáng chú ý, trong hoạt động thu hút đầu tư phát triển, thành phố kiên trì tuân thủ danh mục các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư được khuyến khích và kiên quyết không chấp nhận các lĩnh vực đầu tư ô nhiễm, lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên...

Ông Lê Trung Kiên khẳng định, thành phố Hải Phòng luôn khuyến khích các nhà đầu tư tập trung phát triển các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Thành phố ưu tiên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, mô hình các khu công nghiệp sinh thái và bất động sản công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Cùng với đó là các chính sách khuyến khích nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái, sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường…

Ðặc biệt, tại Hải Phòng, Khu công nghiệp DEEP-C và Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đều đã được định hướng phát triển thành khu công nghiệp sinh thái. Khu công nghiệp DEEP-C do doanh nghiệp Bỉ đầu tư và đã có mặt tại Việt Nam 25 năm. Hiện tại, Khu công nghiệp DEEP-C đã thu hút khoảng năm tỷ USD vốn đầu tư. Giám đốc điều hành Khu công nghiệp DEEP-C Bruno Jaspaert chia sẻ, DEEP-C luôn mong muốn đóng góp lớn hơn cho sự phát triển bền vững của các địa phương bằng việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và mong muốn các nhà đầu tư thứ cấp sẽ cùng kiến tạo tương lai này.

Tại DEEP-C đã có 20.000m2 nhà xưởng được lắp pin năng lượng mặt trời áp mái, với công suất 3MWp; hoàn thành tua-bin gió phát điện với công suất 2,3MW cấp điện trực tiếp vào lưới điện nội bộ và phấn đấu đến năm 2030 sẽ tự chủ 50% nhu cầu điện từ năng lượng tái tạo... Theo Giám đốc điều hành Bruno Jaspaert, cùng với việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế, giai đoạn tới, DEEP-C sẽ tiếp tục tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, phát triển các cơ hội cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp và các giải pháp tái chế, phát triển điện gió, điện mặt trời... nhằm đem lại lợi ích về môi trường, kinh tế-xã hội cho cả DEEP-C và cộng đồng.

Cùng với phát triển các khu công nghiệp tiêu chuẩn, Hải Phòng cũng đang phát huy lợi thế là địa phương có biển với việc quan tâm phát triển ngành năng lượng tái tạo, nhất là phát triển điện rác, điện gió ven bờ và ngoài khơi nhằm phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, bền vững. Ðiều này sớm trở thành hiện thực khi có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc sớm phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 theo hướng đô thị xanh, thông minh và đô thị hàng hải toàn cầu.