Với mục tiêu, tới năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP, từng bước hình thành đồng bộ cả ba trụ cột: kinh tế số, chính quyền số, xã hội số, Hải Dương xác định một số nhiệm vụ trọng tâm là phát triển các nền tảng phục vụ cho chuyển đổi số, ưu tiên ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có thể đi tắt đón đầu và có khả năng bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), công nghệ tài chính (Fintech), điện toán đám mây (Cloud)… để tạo ra các mô hình quản lý mới, sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị cao.
Hải Dương đã và đang từng bước xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; trong đó đã từng bước ứng dụng các nền tảng công nghệ số như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… nhằm chuyển đổi cách thức hoạt động, chỉ đạo, điều hành từ mô hình truyền thống sang môi trường số. Từng bước cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn vào đầu tư và khởi nghiệp tại tỉnh.
Ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp là một điểm sáng của tỉnh đã đem lại những kết quả tích cực. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Lương Thị Kiểm cho biết: Các mô hình ứng dụng công nghệ số như công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh… đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Mô hình truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế, hướng tới xuất khẩu tại các thị trường khó tính, nâng cao giá trị hàng hóa… đã tạo lòng tin về chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước và nước ngoài... Cùng với đó, việc đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như cà rốt, vải thiều Thanh Hà, các sản phẩm OCOP lên các nền tảng số như báo chí điện tử, các mạng xã hội như Facebook, Zalo… đã giúp cho nông sản tiêu thụ khá dễ dàng và vẫn giữ được giá.
Trong sản xuất công nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã sớm ứng dụng chuyển đổi số đem lại lợi nhuận lớn, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Ðiển hình như Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi CP Việt Nam - chi nhánh Hải Dương đã ứng dụng tự động hóa hoàn toàn trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà máy sản xuất hàng nghìn tấn thức ăn mỗi ngày chỉ cần hai kỹ sư vận hành toàn bộ quá trình từ lúc nhập nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Mỗi năm công ty đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 500 tỷ đồng, là một trong 15 doanh nghiệp có đóng góp cao nhất cho ngân sách của tỉnh.
Thông qua thương mại điện tử, Hải Dương đã thực hiện kết nối các doanh nghiệp, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển. Các doanh nghiệp của tỉnh đã ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… góp phần thúc đẩy dịch vụ phát triển hướng tới xuất khẩu hàng hóa. Ngành y tế đã và đang triển khai một số ứng dụng như: quản lý bệnh viện, xây dựng hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử, đặt lịch khám bệnh trực tuyến… giúp các cơ sở y tế, người dân dễ tiếp cận thông tin, các dịch vụ y tế thuận tiện, dễ dàng.
Nhằm triển khai các giải pháp tổng thể về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, VNPT Hải Dương đã hợp tác chặt chẽ với Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh trong tư vấn, xây dựng đề án, kế hoạch về chuyển đổi số; triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hạ tầng số, các nền tảng dùng chung phục vụ công tác chuyển đổi số cho các nhà trường, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh. Cùng với đó, tăng cường hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách về chuyển đổi số; hỗ trợ xây dựng các chuẩn kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng tài nguyên số để đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu, tích hợp và liên thông. Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường luôn được ngành chú trọng. Ðể chủ động kiểm soát, giám sát, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, tỉnh lắp đặt 20 trạm quan trắc tự động liên tục, theo dõi, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục của 38 cơ sở có nguồn thải lớn.
Ðáng chú ý, công tác số hóa hồ sơ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc khối chính quyền theo Ðề án 06 của tỉnh Hải Dương đã hoàn thành từ ngày 14/6/2023. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc đồng bộ 42.470 hồ sơ (đạt 100%) lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, góp phần phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng công việc trong các cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương cho biết: Nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số để phát triển, tỉnh Hải Dương đã mời các chuyên gia đầu ngành của các tổ chức uy tín về công nghệ thông tín để cập nhật các kiến thức liên quan đến "số hóa" cho cán bộ của các cơ quan nhà nước, các doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã phối hợp Viện Nghiên cứu cao cấp về toán tổ chức cập nhật kiến thức về công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, công nghệ điện toán đám mây cho nhà quản lý và hoạch định chính sách. Trong đó có sự truyền đạt của các giáo sư, giảng viên thuộc: Ðại học Chicago, Ðại học Massachusetts (Hoa Kỳ), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số… góp phần nâng cao nhận thức số cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cộng đồng.
Hải Dương cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2021 đến 2025 với các tập đoàn và công ty lớn. Hiện tại, Hải Dương ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi có thể đi tắt đón đầu và có khả năng bứt phá mạnh mẽ như Fintech, AI, Blockchain, Cloud… để tạo ra các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị cao.