Theo Tiến sĩ Sử học Lê Duy Mạnh, Côn Sơn với núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc là một trong ba trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần (Côn Sơn-Yên Tử-Quỳnh Lâm). Trên núi Ngũ Nhạc có một địa danh đầy hấp dẫn mang màu sắc tâm linh, bí ẩn là "Ngũ Nhạc linh từ". Tại năm đỉnh núi của núi Ngũ Nhạc, có năm miếu thờ năm phương: đông, tây, nam, bắc và trung phương.
Kế đó, là Khu di tích đền Kiếp Bạc, nơi đây là một thung lũng trù phú, ba phía có dãy núi Rồng bao bọc, hướng ra nơi hội tụ của sáu dòng sông. Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi, tạo nên vùng đất quần tụ đủ "tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang".
Cũng hiếm ở đâu như ở Côn Sơn, Kiếp Bạc lại có nhiều trí thức, văn nhân, nhà văn hóa đến thăm, cảm hứng và sáng tạo. Đây thật sự là nơi vân du, ẩn dật và tu tâm dưỡng tính của các bậc danh nhân, tiêu biểu cho tâm hồn, khí phách, tinh hoa văn hóa Việt Nam ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau cũng như của bao tao nhân mặc khách.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cho biết: Trong hồ sơ xác định những giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2022 đã khẳng định những giá trị đặc sắc và quan trọng của Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc.
Qua các di vật khảo cổ tại quần thể di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc và khu vực chùa Thanh Mai, chùa Huyền Thiên… đã chứng minh một nền văn hóa phát triển rực rỡ trải dài qua nhiều thế kỷ trên vùng đất Chí Linh, góp phần minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của nền văn hóa Việt Nam qua nhiều thời kỳ lịch sử.
Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc cho biết: Để bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc về lịch sử, danh thắng, nhiều năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo khu di tích đã được tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm.
Từ năm 2013 tới nay, Khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn vốn để tu bổ, tôn tạo, phục dựng di tích, mở mang hệ thống giao thông, trồng rừng và làm đẹp cảnh quan môi trường.
Điển hình là các dự án: Tu bổ, tôn tạo đền Kiếp Bạc gồm 12 hạng mục công trình, chia làm hai giai đoạn với tổng kinh phí hơn 93,5 tỷ đồng triển khai từ năm 2013 được hoàn thành vào năm 2020. Dự án đường vào Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc có tổng chiều dài 5,1km với tổng đầu tư hơn 654,2 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng hơn 299 tỷ đồng), theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5/2023.
Dự án phục dựng tòa Cửu phẩm liên hoa, công trình dựa trên kết quả khảo cổ học với kinh phí thực hiện hơn 75,853 tỷ đồng. Công trình được khánh thành năm 2017. Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Côn Sơn gồm các hạng mục Giếng Ngọc, lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, kè chắn đất, tả hữu tiền hành lang và tam quan nội có tổng mức đầu tư hơn 77,376 tỷ đồng, được hoàn thành năm 2020… Ngoài ra, dự án hạ tầng du lịch chùa Huyền Thiên cũng được phê duyệt đầu tư gần 50 tỷ đồng.
Để góp phần cùng hai tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang phát huy giá trị, hiệu quả quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc, sớm được UNESCO công nhận là di sản thế giới, Hải Dương đang tập trung lập, triển khai các công việc tu bổ, tôn tạo di tích chùa Côn Sơn và các công trình khác. Côn Sơn-Kiếp Bạc ngày nay đã thực sự trở thành nơi "Tùng lâm đẹp đẽ", một thắng cảnh du lịch nổi tiếng như lời Bác Hồ căn dặn cán bộ, nhân dân Hải Dương trong lần Bác về thăm Côn Sơn năm 1965.
Ba tháng đầu năm 2019 trước khi dịch Covid-19 xảy ra, Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc chỉ thu hút được khoảng 50 nghìn du khách, thì riêng hai tháng đầu năm 2023, khu di tích đã thu hút hơn 250 nghìn du khách… đánh dấu thành quả đáng ghi nhận của việc bảo tồn, làm tăng giá trị lịch sử, thẩm mỹ và phát huy hiệu quả di tích lịch sử, danh thắng của tỉnh Hải Dương.