Hà Tĩnh phấn đấu sớm trở thành tỉnh khá của cả nước

NDO - Sáng 9/11, thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Hà Tĩnh là một trong những địa phương hoàn thành quy hoạch tỉnh sớm nhất cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hà Tĩnh được xác định là đô thị hạt nhân của hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn quốc lộ 1, cao tốc bắc-nam và đường ven biển.
Thành phố Hà Tĩnh được xác định là đô thị hạt nhân của hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn quốc lộ 1, cao tốc bắc-nam và đường ven biển.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được thực hiện trên quan điểm phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả đất nước, Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch ngành vùng.

Đồng thời, Quy hoạch bám sát đặc điểm, vai trò, vị trí địa lý thuận lợi là trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, nằm trên trục giao thông chiến lược, một trong những cửa ngõ lớn trên hành lang kinh tế Đông-Tây trong tiểu vùng sông Mê Công mở rộng để tổ chức, bố trí không gian phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội phù hợp theo định hướng tái cấu trúc lại nền kinh tế.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 lấy nhân tố quyết định nội lực là con người, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số; xác định rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tránh trùng lắp với các địa phương lân cận, làm nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững.

Một trong những giải pháp trọng tâm được Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 xác định đó là, tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược đồng bộ, hợp lý, hiện đại; huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế với các hình thức đầu tư phù hợp để phát triển hạ tầng mềm, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, công nghệ quản lý. Đẩy mạnh cải cách hành chính dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, giảm phiền hà, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng khẳng định phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường liên kết trong phát triển với các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, mở rộng hội nhập quốc tế.

Với mục tiêu tổng quát xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước…

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã xác định: “Bốn trụ cột - Ba đô thị - Ba hành lang - Một động lực tăng trưởng - Bốn nền tảng” làm trọng điểm, “xương sống” phát triển chính trong những năm tiếp theo.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đưa ra một số mục tiêu cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt hơn 9%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng, năng suất lao động tăng 11,3%/năm, mức thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân khoảng 14-15%/năm, tỷ lệ thu ngân sách bình quân so với GRDP là 27%/năm, đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới năm 2025…