Hà Nội xây dựng phương án khôi phục các cung điện tại Hoàng thành Thăng Long

Nhân kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (16/11/1972), 20 năm nghiên cứu, khai quật, phát lộ Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội (2002-2022), ngày 8/9, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội phối hợp Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội”.
0:00 / 0:00
0:00
Tái hiện các nghi lễ cung đình tại Hoàng thành Thăng Long.
Tái hiện các nghi lễ cung đình tại Hoàng thành Thăng Long.

Dự Hội thảo có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Về phía quốc tế, có bà Nao Hayashi, đại diện Trung tâm Di sản thế giới, phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; bà Marie Laure Lavenir, Chủ tịch Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) - cơ quan tư vấn độc lập cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Tham dự Hội thảo còn có nhiều chuyên gia quốc tế và các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực di sản, khảo cổ học.

Hơn 1.000 năm trước, đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay, được Vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô của nước Đại Việt. Trong suốt thời đại quân chủ, các triều đại phong kiến Việt Nam đã liên tục kế thừa, xây dựng và phát triển Thăng Long-Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước.

Việc khai quật khảo cổ tại di tích Hoàng thành Thăng Long sau khi các dấu tích khảo cổ phát lộ năm 2002 là cuộc khai quật lớn nhất trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam.

Kết quả khai quật cho thấy đây là một quần thể di tích với hàng triệu di vật mang bề dày lịch sử-văn hóa lâu đời; là một di tích văn hóa, lịch sử và khảo cổ tiêu biểu; đồng thời là bằng chứng vật chất, phản ánh trình độ kỹ thuật cao, chứa đựng các giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật, cũng như phản ánh sự giao thoa văn hóa trong một quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam với các nước trên thế giới.

Với những giá trị này, Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới năm 2010.

Trong 20 năm qua, thành phố Hà Nội đã cùng các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện khai quật khảo cổ, xây dựng quy hoạch, triển khai nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị.

Hà Nội xây dựng phương án khôi phục các cung điện tại Hoàng thành Thăng Long ảnh 1
Giới thiệu các dấu tích khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long với công chúng.

Trong hai ngày 8 và 9/9, các đại biểu đã trao đổi những kinh nghiệm đúc rút được trong quá trình nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long; chia sẻ những kinh nghiệm về bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên thế giới; đề xuất những giải pháp để Trung ương, thành phố Hà Nội xem xét để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, những giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long; những nỗ lực của thành phố cũng như các cơ quan trong bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long.

Hà Nội mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tham góp nhiều ý tưởng tâm huyết, sáng tạo, đưa ra các giải pháp khả thi để gìn giữ và phát huy giá trị di sản, ông Trần Sỹ Thanh khẳng định.

Kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở khoa học để Hà Nội xây dựng phương án khôi phục, tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới.